Bỏ hoang trạm bơm 30 tỷ đồng ở Nghệ An, trách nhiệm thuộc về ai?

GD&TĐ - Dù được đầu tư xây dựng hơn 30 tỉ đồng, nhưng vì nhiều lý do mà trạm bơm Vực Giồng, thị xã Thái Hòa bị bỏ hoang, gây lãng phí trong nhiều năm qua.

Trạm bơm Vực Giồng tại phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa.
Trạm bơm Vực Giồng tại phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa.

Dù được đầu tư xây dựng hơn 30 tỉ đồng, nhưng vì nhiều lý do mà trạm bơm Vực Giồng, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) bị bỏ hoang, gây lãng phí trong nhiều năm qua.

Xót xa công trình tiền tỉ xuống cấp

Nhiều tháng nay, thời tiết nắng nóng khiến cánh đồng trồng mía, ngô và cỏ voi của người dân khối 3, phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa gặp phải tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới. Thế nhưng, cách đó không xa có một trạm bơm được đầu tư hàng chục tỉ đồng, nhưng lâu nay đóng cửa im lìm gây lãng phí.

Theo người dân phường Long Sơn, năm 2014, trạm bơm Vực Giồng được Nhà nước đầu tư xây dựng hơn 30 tỉ đồng với mục đích lấy nước từ sông Hiếu (phụ lưu của sông Lam) phục vụ tưới tiêu cho hơn 200 ha lúa và hoa màu của người dân khối 3 và 4.

Về thiết kế, trạm bơm gồm nhà điều hành, trạm biến áp, 2 máy bơm chìm, 2 tuyến kênh chính dài gần 3 km và 4 tuyến kênh cấp 1 dài hơn 2,6 km. Công suất của trạm bơm có thể tưới tiêu cho hơn 300 ha/2 vụ mùa. Đây là 1 trong số các trạm bơm hợp phần nằm trong Dự án Hồ chứa nước bản Mồng.

Cuối tháng 5/2015, trạm bơm xây dựng hoàn thành và được Bộ NN&PTNT duyệt quyết toán. Ngoài ra, công trình cũng được các đơn vị liên quan vận hành chạy thử và nghiệm thu các thiết bị đã lắp đặt.

Thế nhưng, trái với kỳ vọng của người dân và chính quyền địa phương, kể từ khi xây dựng xong, trạm bơm Vực Giồng vẫn chưa bàn giao cho đơn vị nào quản lý và đưa vào vận hành.

Theo ghi nhận thực tế, nhà vận hành trạm bơm lâu nay cửa đóng then cài; tường rào và nhà điều hành có dấu hiệu xuống cấp. Trong khi đó, hệ thống đường ống hút nước dọc ra phía bờ sông đã bị hoen rỉ, nhiều đoạn kênh chạy qua cánh đồng do lâu ngày không sử dụng đã bị bồi lấp, cỏ mọc che kín cả lòng kênh.

Trước thực trạng “đau lòng” của dự án này, một người dân khối 3, phường Long Sơn chia sẻ, năm 2014, khi biết tin có dự án xây dựng trạm bơm Vực Giồng, hàng trăm hộ dân nơi đây rất phấn khởi, vui mừng vì sắp tới những cánh đồng sẽ có nước tưới. Thế nhưng, gần 10 năm trôi qua, trong khi những ruộng mía đang ngày càng khô cằn thì công trình tưới tiêu được đầu tư hàng chục tỉ đồng này vẫn nằm im lìm.

Vốn đầu tư của Nhà nước vì đó mà không phát huy được hiệu quả như mục đích đầu tư.

Đường ống dẫn nước từ sông Hiếu của trạm bơm Vực Giồng.

Đường ống dẫn nước từ sông Hiếu của trạm bơm Vực Giồng.

Chưa biết khi nào đi vào hoạt động

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường Long Sơn, cho biết, hầu hết diện tích hoa màu và lúa ở khu vực này đều không có nước tưới, nông dân sản xuất chủ yếu nhờ nước mưa.

Trong khi đó, hệ thống kênh mương chạy dọc theo cánh đồng thuộc Dự án Trạm bơm Vực Giồng bị bỏ hoang, không sử dụng được. Không chỉ gây lãng phí, những tuyến mương này còn cản trở giao thông nội đồng.

Ông Phúc cho rằng, tại các cuộc họp và tiếp xúc cử tri, người dân cũng như chính quyền địa phương đã nhiều lần có kiến nghị lên cấp trên, mong muốn đưa trạm bơm vào vận hành, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả.

Cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An trả lời ý kiến cử tri phường Long Sơn về những bất cập liên quan đến dự án. Theo đó, trạm bơm Vực Giồng chưa đi vào khai thác sử dụng là do hệ thống điện không tương thích và vướng mắc việc bàn giao quản lý khai thác.

Cụ thể, theo hồ sơ thiết kế và thi công, trạm biến áp tại đây sử dụng cấp điện áp 10KV. Tuy nhiên, đến năm 2021, ngành điện lực đã nâng cấp đường dây vận hành từ 10KV lên 22KV. Do đó, trạm biến áp đã thi công lắp đặt không còn tương thích với cấp điện áp mới, dẫn đến công trình tạm ngừng khai thác hoạt động.

Tuyến mương nối trạm bơm ra ruộng nhiều năm nay không có nước chảy qua.

Tuyến mương nối trạm bơm ra ruộng nhiều năm nay không có nước chảy qua.

Bên cạnh đó, theo Nghị định số 129/2017/NĐ-CP năm 2017 của Chính phủ, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi chỉ là đơn vị quản lý khai thác kết cấu hạ tầng thủy lợi, không phải là đơn vị quản lý tài sản hạ tầng kết cấu thủy lợi.

Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đối với cấp tỉnh là UBND các huyện và cấp xã. Do vậy gây khó khăn, bất cập trong công tác bàn giao quản lý, khai thác.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi để tháo gỡ tồn tại vướng mắc trong công tác bàn giao khai thác quản lý tài sản.

Chính vì thế, trạm bơm Vực Giồng sẽ đưa vào vận hành sau khi lắp đặt trạm biến áp phù hợp với đường dây 22KV và được bàn giao cho đơn vị quản lý, khai thác vận hành phù hợp. Tuy nhiên, về thời gian chính xác trạm bơm này đi vào hoạt động thì UBND tỉnh Nghệ An vẫn còn bỏ ngỏ.

Cùng là trạm bơm hợp phần nằm trong Dự án Hồ chứa nước bản Mồng, thế nhưng trạm bơm Hòn Rô tại xã Nghĩa Bình (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) lại được bàn giao cho UBND xã quản lý và vận hành.

Theo thiết kế, trạm bơm này cấp nước cho hơn 430 ha lúa, hoa màu và tạo nguồn nước sinh hoạt trong vùng với kinh phí xây dựng hơn 60 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, trạm bơm này hoạt động thiếu hiệu quả, mỗi năm chỉ vận hành vài lần vào mùa khô.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình, cho biết, do địa phương có nhiều hồ đập và người dân tưới tiêu sản xuất chủ yếu nhờ hệ thống kênh mương thủy lợi. Chỉ những khi hồ đập khô cạn thì mới vận hành trạm bơm Hòn Rô.

Theo ông Thắng nhận định, tính hiệu quả của trạm bơm Hòn Rô chưa cao vì mỗi năm chỉ hoạt động vài lần, mỗi lần kéo dài vài ngày.

Ngoài ra, do kinh phí tiền điện mỗi lần vận hành trạm bơm cao, trong khi ngân sách địa phương còn hạn chế nên việc tưới tiêu vẫn phải dựa vào nguồn nước tự nhiên. Thậm chí, ở thời điểm đầu tháng 7 này, khi mực nước sông Hiếu xuống thấp thì trạm bơm Hòn Rô cũng không thể bơm nước lên để sản xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.