Do bức xúc một số vấn đề liên quan đến dự án của Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam, nhiều người dân xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) ra đường chặn xe tải vào cảng biển.
Nhiều bất cập tại dự án xi măng
Hàng dài xe tải phải dừng lại trên đường D4 vì không vào được cảng. |
Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam là đơn vị thuộc Tập đoàn Xi măng The Vissai (có trụ sở tại huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Cầu cảng Vissai số 1 (tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc) có chiều dài 2.000m được đưa vào vận hành từ tháng 10/2017. Hiện, cảng biển này đang phục vụ chính cho việc vận chuyển clinker và xi măng của đơn vị. Tại Nghệ An, ngoài trạm nghiền và cảng biển ở Nghi Lộc, Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam cũng đang vận hành Nhà máy Xi măng Sông Lam đóng ở huyện Đô Lương.
Trong 2 ngày 24 và 25/6, nhiều người dân xóm Hải Thịnh, xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) tập trung trên tuyến đường D4, chặn xe tải ra vào trạm nghiền xi măng và cảng biển quốc tế Vissai thuộc Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam để yêu cầu một số quyền lợi.
Trước đó 1 ngày, Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) Đông Nam tỉnh Nghệ An, UBND huyện Nghi Lộc đã tổ chức đối thoại với người dân xóm Hải Thịnh về những vấn đề liên quan dự án của Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam.
Tại đây, người dân nhắc lại lời hứa của doanh nghiệp này khi mới về đầu tư dự án là sẽ hỗ trợ xây nhà văn hóa cho xóm Bắc Thịnh và Nam Thịnh (nay sáp nhập thành xóm Hải Thịnh). Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, nhà văn hóa mới vẫn chưa có khiến hàng trăm hộ dân vẫn phải hội họp, sinh hoạt trong khuôn viên chật chội, xuống cấp.
Cách đây 5 năm, các cấp, ngành địa phương và doanh nghiệp cam kết xây dựng một bến đậu, tránh trú an toàn cho hơn 150 tàu thuyền của ngư dân xóm Hải Thịnh, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Hiện có một số hộ sống gần trạm nghiền, thuộc diện phải di dời do ảnh hưởng của dự án vẫn đang mòn mỏi chờ được đến nơi ở mới. Nguyên nhân là khu tái định cư do UBND huyện Nghi Lộc làm chủ đầu tư xây dựng bị chậm tiến độ. Nhà cửa những hộ dân này đã xuống cấp nhưng vẫn phải giữ nguyên hiện trạng, không thể sửa chữa.
Thời gian gần đây, các hộ dân ở Hải Thịnh còn lo ngại ô nhiễm môi trường khi Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam xây dựng bến bãi chứa than ở vùng cảng tổng hợp.
Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo UBND huyện Nghi Lộc, đại diện BQL KKT Đông Nam tỉnh Nghệ An và doanh nghiệp đã lắng nghe và chia sẻ với những khó khăn mà người dân đang gặp phải. Tuy nhiên, trong khi chờ vấn đề được giải quyết, ngày 24 và 25/6, một số người tự ý ngăn cản xe vận chuyển vật liệu vào trạm nghiền và cảng.
Sự việc khiến hàng chục xe tải chở vật liệu từ hướng quốc lộ 1A vào cảng phải nằm dài trên đường D4. Lực lượng chức năng huyện Nghi Lộc sau đó phải đến hiện trường để đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự ở khu vực này.
Tháo gỡ vướng mắc để dân ổn định cuộc sống
Cảng biển quốc tế Vissai của Công ty CP Xi măng Sông Lam. |
Chiều 25/6, sau khi tổ chức đối thoại với các bên liên quan, ông Lê Tiến Trị, Trưởng BQL KKT Đông Nam Nghệ An đã ban hành Kết luận số 327 về việc giải quyết kiến nghị trong quá trình xây dựng và hoạt động của Dự án Trạm nghiền xi măng và cảng biển Vissai.
Về kiến nghị không xây dựng, lắp đặt máy móc, dây chuyền sàng tuyển, phối trộn than đá tại khu vực bến số 4, 5, 6 (khu vực Mũi Cáo, tiếp giáp với xóm Hải Thịnh), sau khi xem xét, kiểm tra hiện trạng cho thấy những việc này không bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường tới khu dân cư; nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường không khí (bụi) và tiếng ồn làm ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng phụ cận, không phù hợp với công năng, tính chất của khu vực hậu cần cảng.
Vì vậy, BQL KKT Đông Nam Nghệ An yêu cầu Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam không thực hiện xây dựng, lắp đặt máy móc, dây chuyền sàng tuyển, phối trộn than đá tại khu vực hậu cảng bến số 4, 5, 6.
Doanh nghiệp này cũng được yêu cầu khẩn trương tháo dỡ máy móc, dây chuyền sàng tuyển, phối trộn than đá khu vực nêu trên. Việc tháo dỡ này phải hoàn thành trước 16 giờ ngày 28/6. Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không hoàn thành, BQL KKT Đông Nam Nghệ An phối hợp UBND huyện Nghi Lộc tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ.
Về kiến nghị xây dựng nhà văn hóa xóm Hải Thịnh, BQL KKT Đông Nam Nghệ An đề nghị huyện Nghi Lộc và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định bằng nguồn vốn ngân sách huyện, đảm bảo khởi công xây dựng trước 31/10. Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam có trách nhiệm hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công trình để bảo đảm đưa công trình vào sử dụng có hiệu quả, thiết thực.
Việc xây dựng khu tái định cư, di dời 9 hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng, phải khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư trước 30/11.
Về kiến nghị xây dựng, nâng cấp bến neo đậu thuyền, Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam chủ trì, phối hợp với huyện Nghi Lộc khảo sát, xác định quy mô dự án phù hợp với thực tiễn nhu cầu sử dụng đánh bắt hải sản. Các đơn vị lập dự án đầu tư với hình thức xã hội hóa và hoàn thành chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2023.
Sau khi thống nhất các ý kiến trên, đến trưa 25/6, người dân xóm Hải Thịnh đồng ý giải tán, thông tuyến cho hàng chục chiếc xe tải ra vào cảng. BQL KKT Đông Nam Nghệ An hàng tháng có trách nhiệm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các nội dung trên, bảo đảm những kiến nghị được tiếp thu, giải quyết triệt để và dứt điểm.
Để có góc nhìn đa chiều về sự việc, phóng viên nhiều lần liên hệ với ông Hoàng Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Xi măng Sông Lam để phỏng vấn, làm rõ các vấn đề có liên quan nhưng không có hồi âm.