Bộ GD&ĐT trao thưởng 213 bài giảng điện tử

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tổng kết Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử năm 2021, có 213 bài được được lựa chọn để trao thưởng; trong đó có 12 giải nhất.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi sẽ diễn ra sáng ngày 8/10/2022, tại trụ sở Bộ GD&ĐT. Đây là một hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Việt Nam 10/10 và hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam.

Buổi lễ do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì chỉ đạo, Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) chủ trì tổ chức. Cùng tham dự có đại diện Hệ tri thức Việt số hóa, Công đoàn giáo dục Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, đại diện lãnh đạo một số sở GD&ĐT và gần 200 giáo viên đạt giải.

42.983 bài giảng điện tử dự thi

Đây là năm đầu tiên Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử được tổ chức theo hình thức trực tuyến hoàn toàn và các bài giảng lớp 1, lớp 2, lớp 6 được soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Mặc dù vậy, số lượng sản phẩm dự thi cao gấp nhiều lần các cuộc thi trước với 42.983 bài giảng (cuộc thi lần thứ 4 chỉ có khoảng 9.000 sản phẩm dự thi). Trong đó, số lượng sản phẩm soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chiếm 25%.

Bộ GD&ĐT đã thành lập các hội đồng giám khảo gồm đội ngũ các chuyên gia giàu kinh nghiệm để tổ chức đánh giá, thẩm định chuyên môn và xét giải.

Đây là một công việc rất khó khăn. Các hội đồng giám khảo đã làm việc khẩn trương, nghiêm túc với nhiều vòng chấm độc lập, đánh giá thẩm định tập thể. Tuy nhiên do số lượng bài dự thi quá lớn so với dự kiến, nguồn lực hạn chế và dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên việc đánh giá, công bố kết quả Cuộc thi bị kéo dài so với kế hoạch.

Trên cơ sở nguồn kinh phí trao giải và thực tế số lượng bài dự thi, Ban Tổ chức đã quyết định trao thưởng cho 213 bài giảng. Trong đó, có 12 giải nhất, 25 giải nhì, 29 giải ba, 40 giải khuyến khích, 6 giải ý tưởng sáng tạo và 100 giải phong trào.

Ban tổ chức cũng đã lựa chọn được 2.130 bài giảng (bao gồm cả 213 bài giảng được giải) đưa lên kho học liệu số dùng chung, miễn phí toàn ngành để chia sẻ với các nhà trường, giáo viên, học sinh trên cả nước tại địa chỉ igiaoduc.vn.

Từ nhiều năm trước, kho học liệu này đã được giới thiệu đến tất cả các địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh trên toàn quốc để khai thác hiệu quả, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, học sinh không được đến trường.

Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục cập nhật, bổ sung làm giàu kho học liệu này, đáp ứng nhu cầu học tập không chỉ trong ngành GD&ĐT mà cho toàn xã hội cùng khai thác, sử dụng.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Đẩy mạnh phong trào xây dựng bài giảng điện tử

Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử nhằm mục đích xây dựng kho học liệu số dùng chung, miễn phí toàn ngành GD&ĐT, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo viên, nhà trường, đồng thời tôn vinh trí tuệ, sức sáng tạo của nhà giáo góp phần đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Cuộc thi có ý nghĩa thiết thực triển khai lộ trình chuyển đổi số ngành GD&ĐT theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số GD&ĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Ngay từ lần đầu tổ chức, Cuộc thi đã tạo ra phong trào thi đua xây dựng bài giảng điện tử rộng khắp ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức cuộc thi ở cấp tỉnh, cấp huyện nhận được sự hưởng ứng của đông đảo giáo viên tham gia, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học tới từng nhà trường, từng giáo viên.

Nhiều diễn đàn, nhiều kênh giao tiếp được lập ra trên môi trường mạng để chia sẻ kinh nghiệm xây dựng bài giảng điện tử, trao đổi nghiệp vụ rất sôi nổi. Sau mỗi lần Cuộc thi được tổ chức, phong trào thi đua xây dựng bài giảng điện tử lại được lan tỏa sâu rộng hơn, chất lượng hơn, tích cực hơn.

Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử năm 2021 do Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc) và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức. Tiền thân là Cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng elearning do Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức từ năm 2010, đây là lần thứ 5 Cuộc thi được tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ