Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn SGK tuyệt nhiên không vì lợi ích cục bộ

GD&TĐ - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại phiên họp Quốc hội thảo luận về Đề án đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông sáng nay (20/11).

Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn SGK tuyệt nhiên không vì lợi ích cục bộ
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận báo cáo trước Quốc hội sáng 20/11
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận báo cáo trước Quốc hội sáng 20/11 

GD&TĐ trân trọng giới thiệu toàn văn báo cáo của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại Kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XIII, phiên họp Quốc hội thảo luận về Đề án đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông sáng nay, 20/11 (Xem video tại đây):

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Kính thưa Quốc hội.

Chính phủ sau khi lắng nghe tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại tổ thảo luận đã có Tờ trình gửi các đại biểu Quốc hội.

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu hôm nay và tổng hợp từ các ý kiến, tôi xin phát biểu, bổ sung:

Về biên soạn chương trình, sách giáo khoa

Đây là một công việc mang tính khoa học liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ và khoa học giáo dục khác nhau. Đất nước có nền giáo dục phát triển, công việc này được làm một cách chuyên nghiệp do các viện nghiên cứu về phát triển chương trình và sách giáo khoa đảm nhiệm.

Tại Việt Nam, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp về lĩnh vực này và chưa có bộ máy tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về chương trình và sách giáo khoa.

Cách làm của chúng ta là huy động các nhà giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia biên soạn chương trình và sách giáo khoa.

Để từng bước khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã cử các cán bộ, chuyên gia đi học về khoa học phát triển chương trình, sách giáo khoa để khi đủ điều kiện sẽ báo cáo với Chính phủ cho thành lập Viện Nghiên cứu chương trình và sách giáo khoa.

Chúng tôi đã tập hợp, chắp nối và bắt đầu công việc bồi dưỡng cập nhật kiến thức về biên soạn chương trình, sách giáo khoa nói chung và nhất là chương trình và sách giáo khoa theo cách tiếp cận năng lực cho các giáo viên, cán bộ khoa học, những người tham gia vào việc biên soạn, chương trình sách giáo khoa lần này. 

Trong quá trình này, Bộ GD&ĐT đã tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ Giáo dục, các trường đại học, các viện nghiên cứu về chương trình và sách giáo khoa của các nước có nền giáo dục phát triển giúp đỡ. Những người bạn quốc tế đã nhiệt tình hỗ trợ Bộ GD&ĐT trong công việc này.

Đồng thời, chúng tôi cũng ký kết và đang tranh thủ sự giúp đỡ của các hội khoa học kỹ thuật thành viên thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Về đề xuất giao cho Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách, đồng thời khuyến khích các tổ chức và cá nhân biên soạn các bộ sách giáo khoa khác.

Ở đây tuyệt nhiên không vì lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Chúng tôi cũng xin báo cáo thêm phương án xã hội hóa viết SGK chính là do Bộ GD&ĐT đề xuất và Chính phủ thảo luận quyết định và trình lên Quốc hội.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận   

Việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa là một công việc rất khó khăn, rất tỉ mỉ. Thực tiễn của các lần làm sách trước đây cho thấy, lực lượng tham gia vào việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa không nhiều do yêu cầu rất cao về mặt khoa học; thời gian cho viết sách rất dài và nhiều người không có điều kiện thời gian tham gia được; đãi ngộ của chúng ta cho những người viết sách giáo khoa và chương trình còn chưa thỏa đáng.

Lần này, theo dự báo của chúng tôi lực lượng làm sách giáo khoa còn ít hơn, vì chúng ta làm sách theo cách mới, theo cách tiếp cận phát triển năng lực chứ không làm như những lần trước đây là truyền thụ kiến thức.

Chúng tôi dự báo có hai khả năng có thể xảy ra. 

Khả năng thứ nhất: Với cơ chế xã hội hóa, chúng ta sẽ giải phóng được sức sản xuất của xã hội. Nhiều nhóm tập thể biên soạn, sách biên soạn ra sẽ tốt, đa dạng, giúp cơ sở giáo dục lựa chọn được sách phù hợp nhất. 

Khả năng thứ hai: Chưa có nhiều người sẵn sàng tham gia viết sách, sách viết ra không đáp ứng được yêu cầu và không kịp về thời gian và có thể có những mảng sách không có ai tham gia viết.

Chúng tôi rất muốn khả năng thứ nhất diễn ra. Nhưng kinh nghiệm từ lịch sử những đợt làm sách vừa rồi đã cảnh báo, khả năng thứ hai rất dễ xảy ra. 

Phương án Chính phủ đề xuất giao cho Bộ GD&ĐT chủ động biên soạn một bộ sách giáo khoa đồng thời khuyến khích việc biên soạn các bộ sách khác là để Chính phủ chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra. 

Theo chúng tôi, tính toán này là thận trọng và cần thiết. Trong khi mô hình mới chưa xuất hiện, nếu chỉ có trong tính toán của chúng ta thì nên chăng là loại bỏ ngay mô hình đã có, đã được kiểm nghiệm và đã hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội và Chính phủ giao.

Ở đây tuyệt nhiên không vì lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Chúng tôi cũng xin báo cáo thêm phương án xã hội hóa viết SGK chính là do Bộ GD&ĐT đề xuất và Chính phủ thảo luận quyết định và trình lên Quốc hội.

Việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn sách, thẩm định sách có dẫn đến tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi không? 

Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn SGK tuyệt nhiên không vì lợi ích cục bộ ảnh 2Bộ trưởng Phạm Vũ Luận báo cáo tại Quốc hội sáng 20/11 

Bộ GD&ĐT, trong lịch sử, chưa bao giờ trực tiếp viết SGK và cũng sẽ không trực tiếp viết SGK. 

Việc viết SGK, biên soạn chương trình như chúng tôi đã báo cáo là do các nhà giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia. 

Bộ GD&ĐT tổ chức bộ máy vận hành, phát hiện lựa chọn nhân sự, tập huấn bổ sung các thông tin kiến thức cần thiết cho việc viết sách; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quá trình biên soạn và thẩm định, hỗ trợ chuyên môn kĩ thuật cho nhóm viết sách, tập huấn quán triệt thảo luận... Đây là những công việc rất lớn, phức tạp và tỉ mỉ.

Việc thẩm định sách do một hội đồng thẩm định bao gồm các nhà giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này nhưng mà không tham gia vào việc viết sách do nhiều cơ quan hữu quan giới thiệu. 

Ví dụ Bộ GD&ĐT giới thiệu, Ban Tuyên giáo Trung ương giới thiệu, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam giới thiệu và nhiều tổ chức khác giới thiệu. 

Đây là một hội đồng độc lập, không phải hội đồng gồm những cán bộ của Bộ GD&ĐT để thẩm định bộ sách do Bộ GD&ĐT viết ra. Hội đồng này sẽ hoạt động theo một quy chế riêng đảm bảo tính khách quan và độc lập. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Trong lần làm sách này, ngoài việc danh sách thẩm định sẽ thông qua Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi sẽ còn thông báo Ủy ban Quốc gia chỉ đạo đổi mới toàn diện GD-ĐT xem xét, báo cáo với Thủ tướng để quyết định thành lập hội đồng thẩm định. 

Về phía Bộ GD&ĐT có trách nhiệm soạn thảo những văn bản quy phạm pháp luật trong đó có văn bản quy định về tiêu chuẩn tiêu chí ai sẽ tham gia hội đồng, rồi hội đồng sẽ hoạt động theo quy chế nào... Đó là công việc của chúng tôi. 

Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ kết luận của hội đồng thẩm định quốc gia này để ra quyết định về việc cho phép lưu hành những bộ sách đạt tiêu chuẩn, đạt yêu cầu.

Vấn đề bình đẳng, công bằng giữa các tổ chức biên soạn SGK 

Con số kinh phí Bộ GD&ĐT báo cáo với Quốc hội là kinh phí để viết SGK, không phải kinh phí cấp cho Bộ GD&ĐT để biên soạn SGK. 

Một số ý kiến cho rằng không nên để Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách vì không công bằng, vì nhóm này lại dùng tiền của Nhà nước, còn các nhóm khác lại không có. 

Thưa Quốc hội, chúng ta cần phải cân nhắc xem xét vấn đề này nhưng tính toán theo hướng để tất cả các nhóm biên soạn SGK đều có những điều kiện thuận lợi, tương đương trong hoạt động chuyên môn, và đều có trách nhiệm như nhau, bao gồm cả trách nhiệm về pháp lý và trách nhiệm về đạo đức khi sử dụng tiền của nhân dân, tiền của Ngân sách. 

Theo tiếp cận của chúng tôi, có nhiều cách để đảm bảo sự công bằng này bằng các giải pháp kĩ thuật. Để đảm báo công bằng thì không để thành phần Nhà nước tham gia vào công việc này nữa thì nên cân nhắc. 

Việc quyết định một vấn đề hệ trọng của giáo dục mà chỉ căn cứ vào sự bình đẳng về kinh tế của các nhóm tham gia triển khai là điều cũng cần phải tính toán, xét lại toàn diện. 

Xin nhấn mạnh vấn đề công bằng, bình đẳng tham gia việc viết sách có nhiều giải pháp kĩ thuật có thể xử lý.

HS vùng khó chủ động, sáng tạo với mô hình Trường học mới
HS vùng khó chủ động, sáng tạo với mô hình Trường học mới 

Tính khả thi của đề án

Trong thảo luận tổ có các đại biểu băn khoăn rằng trong điều kiện thực tế hiện nay, chúng ta có đủ các điều kiện để đổi mới mạnh nhiều đến thế? Đề án có tính khả thi không chủ yếu nói về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên?

Đây cũng là vấn đề được cân nhắc rất nhiều ở Bộ GD&ĐT, ở Chính phủ, và sau này khi thảo luận ở Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tôi xin báo cáo tóm tắt như sau:

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo đã được bổ sung và cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn bất cập ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo,…

Để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo, Chính phủ không chỉ có Đề án đổi mới chương trình, SGK mà còn có 18 Đề án liên quan đến những lĩnh vực khác nhau để triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. 

Chính phủ đã phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, trang thiết bị, Đề án về đội ngũ giáo viên, Đề án đổi mới về các trường Sư phạm... như các đại biểu vừa lưu ý, nhưng giới hạn báo cáo với Quốc hội thì chỉ báo cáo về đổi mới chương trình, SGK.

Bộ GD&ĐT đã quán triệt ngay từ đầu khi xây dựng Đề án để trình Trung ương, các nội dung đổi mới chương trình SGK bao gồm đổi mới cả nội dung, phương pháp dạy, phương pháp học, thi - kiểm tra - đánh giá đều phải quán triệt hai yêu cầu:

Thứ nhất, phải cập nhật, tiếp thu một cách có hệ thống, có chọn lọc những thành tựu của nền giáo dục các nước phát triển.

Thứ hai, phải phù hợp với điều kiện hiện tại của phần lớn các cơ sở giáo dục của Việt Nam.

Báo cáo Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã thực nghiệm các phương án đổi mới này từ năm 2011 ở các trường lớp. Trong đó có nhiều trường lớp ở những vùng khó khăn, ở cả 3 miền của đất nước như Lào Cai, Bắc Kạn (Tây Bắc) , Kon Tum (Tây Nguyên), Kiên Giang ( Tây Nam Bộ),…

Ví dụ như mô hình Trường học mới (VNEN) ở tiểu học, chúng tôi đã cho triển khai ở 2.500 trường với 750.000 học sinh trên phạm vi 63 tỉnh thành phố, trong đó có rất nhiều tỉnh, nhiều trường vùng sâu, vùng xa.

Tương tự, chương trình Công nghệ giáo dục Tiếng Việt ở tiểu học đã triển khai với 380.000 học sinh, khoảng 4.000 trường trên 42 tỉnh/thành, có rất nhiều tỉnh khó khăn đã triển khai việc này.

Phương pháp Bàn tay nặn bột từ năm học 2014 - 2015 đã triển khai ở tất cả các trường tiểu học và THCS trên toàn quốc. Với đội ngũ giáo viên hiện tại, cơ sở vật chất hiện tại, lực lượng giáo viên hiện tại, với chương trình SGK hiện tại, chúng ta đã đổi mới và có kết quả.

Báo cáo Quốc hội, các thầy cô giáo ở vùng sâu vùng xa - nơi chúng ta đang rất quan tâm lo lắng vì không có điều kiện đổi mới - khi tiếp nhận cái mới, các thầy cô rất e dè, rất ngại ngùng nhưng sau đó đã đón nhận và hoàn thành nhiệm vụ một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, rất nhanh và có kết quả. Thậm chí, các thầy cô tiếp nhận cái mới còn thuận lợi hơn các thầy cô giáo ở vùng có điều kiện. 

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT có những ứng dụng CNTT, có sự hỗ trợ của Viettel, Đài truyền hình Việt Nam và các đơn vị truyền thông... đã triển khai chương trình Trường học kết nối trên mạng và nhiều chương trình giáo dục khác để giúp cho các thầy cô giáo vùng sâu vùng xa được học, tự học, tự bồi dưỡng nghiệp vụ với những chuyên gia giỏi nhất.

Thưa Quốc hội, tất cả các ý kiến các đại biểu thảo luận ở tổ, ở hội trường mới đây, chúng tôi đều thấy rất đúng, có nhiều nội dung chúng tôi xin tiếp thu để bổ sung ở các đề án khác của Chính phủ. 

Xin báo cáo trong phạm vi thảo luận với thời lượng Quốc hội chỉ đạo về Đề án đổi mới chương trình SGK. Những điều kiện để đảm bảo đổi mới chương trình SGK thuộc những phạm vi của Đề án khác. 

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!

Kết thúc phiên họp sáng nay, tổng hợp 17 ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã tổng hợp 8 nội dung liên quan đến Đề án đổi mới chương trình – SGK giáo dục phổ thông, gồm:

1. Đa số các vị đại biểu thảo luận sáng nay đều nhất trí với chủ trương đổi mới chương trình – SGK giáo dục phổ thông.

2. Mục tiêu đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là tập trung phát triển trí tuệ, thể chất để hình thành phẩm chất năng lực công dân, bồi dưỡng năng khiếu, giáo dục nghề nghiệp, chú trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục lịch sử, truyền thống, đạo đức, lối sống, học tập ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành; Vận dụng kiến thức vào thực tiễn phát triển khả năng sáng tạo tự học và năng lực tự học tập suốt đời.

3. Về chương trình giáo dục phổ thông, cần bảo đảm tính kế thừa những thành tựu mà nền giáo dục Việt Nam đã đạt được trong những năm vừa qua, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam. 

Chương trình giáo dục phổ thông phải thực hiện thống nhất trong cả nước, được xây dựng tương ứng với từng giai đoạn, có lộ trình, đáp ứng việc trang bị tri thức phổ thông để đáp ứng yêu cầu phân luồng học sinh, vừa bảo đảm tiếp cận nghề nghiệp của học sinh.

4. Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và SGK phải theo hướng tinh gọn, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ, nghề nghiệp để tăng khả năng thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn nhưng phải tránh chồng chéo, lãng phí. 

Do đó phải đổi mới phương pháp dạy và học, đa dạng hóa hình thức dạy và học có hiệu quả, áp dụng có hiệu quả phương tiện, công nghệ thông tin, tuyên truyền. Đặc biệt, cần có sự phối hợp, tăng trách nhiệm của gia đình với sự nghiệp giáo dục con cái.

5. Quốc hội nhất trí chủ trương sử dụng nhiều SGK. Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK để chủ động kiểm soát được chất lượng trong khi thực hiện lộ trình đổi mới.

6. Quy định công khai quy trình thẩm định SGK, đề cao trách nhiệm của hội đồng thẩm định vừa cẩn trọng, nghiêm túc, khoa học, chặt chẽ, công bằng nhưng phải công khai, minh bạch.

7. Việc đổi mới việc thi kiểm tra đánh giá chất lượng phải phù hợp với lộ trình thực hiện Đề án này, và phải kiên quyết thực hiện chống tiêu cực trong thi cử.

8. Đại biểu Quốc hội qua nhiều ý kiến phát biểu có đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đề án cụ thể về nhiệm vụ phát triển nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và chuẩn hóa cơ sở vật chất, chất lượng trường lớp, bảo đảm đồng bộ với việc đổi mới chương trình và SGK để nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà.

Đặc biệt, vấn đề kinh phí do Ngân sách Nhà nước cấp và huy động từ xã hội, chú ý thực hiện đúng Luật Ngân sách của Nhà nước, có ưu tiên, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng đặc thù.

Ngoài ra, các vị đại biểu còn góp ý kiến hoàn thiện về hình thức, nội dung, câu chữ của Dự thảo Nghị quyết. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, sẽ chỉ đạo phối hợp với các cơ quan chủ trì thẩm tra cùng Ban soạn thảo chỉnh sửa Dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.