Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ GD&ĐT đang cố gắng bằng nhiều cách để có thể giúp em Mai Nhật Anh và một số thành viên nữa của đoàn Việt Nam có thể sang Mỹ tham dự cuộc thi Khoa học Kĩ thuật quốc tế.
Theo ông Thành, ngay từ đầu tháng 4, Bộ GD&ĐT đã có công hàm gửi Đại sứ quán Mỹ về việc tạo điều kiện cho 8 dự án của Việt Nam đã được Bộ GD&ĐT lựa chọn tham dự cuộc thi KHKT quốc tế tổ chức tại Hoa Kỳ vào tháng 5 tới.
“Tuy nhiên, trong số các thành viên của 8 dự án này, có em Mai Nhật Anh và một số người nữa bị trượt phỏng vấn cấp visa lần 1. Về trường hợp của Nhật Anh, theo kinh nghiệm nhiều năm tham dự, chúng tôi đã yêu cầu Sở Ngoại vụ Nghệ An tiếp tục gửi công hàm lần 2 đến Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Những năm trước, đã có trường hợp một giáo viên tại Hải Phòng, giáo viên tại Gia Lai cũng bị từ chối cấp visa. Tuy nhiên, sau khi có sự can thiệp của Sở Ngoại vụ địa phương, các giáo viên này đã được lên đường sang Mỹ tham dự cuộc thi”, ông Thành cho hay.
Trao đổi thêm với Dân trí, ông Thành cho biết, năm ngoái, em Phạm Huy, học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị cũng bị từ chối cấp visa sau hai vòng phỏng vấn. Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT) đích thân viết email cho ban tổ chức. Và thí sinh này đã được tạo điều kiện phỏng vấn lần 3 để đi Mỹ. Do đó lần này, hy vọng những nỗ lực của Bộ GD&ĐT có thể giúp các thành viên có thêm cơ hội.
Cũng theo ông Thành, ngoài em Mai Nhật Anh, đoàn Nghệ An còn có thầy Mai Văn Quyền, đoàn Bắc Ninh và TP Hồ Chí Minh, mỗi đoàn có một giáo viên cũng trượt phỏng vấn lần 2.
“Đích thân tôi đang viết thư gửi đến ban tổ chức cuộc thi nhờ trợ giúp. Có thể sau đây, Bộ tiếp tục yêu cầu lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế tiếp tục gửi thư đến một số đơn vị như năm ngoái đã từng làm. Chúng tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách để giúp các thành viên của 8 dự án trên đây có thể phỏng vấn để tham dự cuộc thi quốc tế”, ông Thành khẳng định.
Chưa rõ lý do bị trượt phỏng vấn
Ông Thành cho biết thêm, có nhiều lý do để phía Đại sứ quán Mỹ từ chối cấp visa cho một số thành viên sang Mỹ.
"Trong đó, có thể có lý do về thân nhân, gia đình... Về thân nhân, theo chúng tôi tìm hiểu thì không có vấn đề gì. Một số người cả vợ chồng đều là giáo viên. Tuy nhiên, tôi cho rằng lý do lớn nhất, có thể họ lo ngại chúng ta không lý giải và khẳng định được rằng, một số thành viên trên đây sau khi thi, sẽ trở về nước và không ở lại định cư bất hợp pháp.
Chúng tôi được biết, việc phỏng vấn rất đơn giản, do đó không thể nói do năng lực kém khiến các thành viên trượt phỏng vấn. Tuy nhiên, nguyên nhân vì sao thì phía Đại sứ quán Mỹ vẫn im lặng”, ông Thành chia sẻ.
Như Dân trí đưa tin trước đó, chiều ngày 2/5, thầy Mai Văn Quyền - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết, Mai Nhật Anh và Phùng Văn Long (lớp 12A3), đồng tác giả dự án "Hệ thống chưng cất nước mặn thành nước ngọt với kỹ thuật chân không bằng bơm thủy lực bởi năng lượng sóng biển” và các quan sát viên của đoàn Nghệ An vừa hoàn tất cuộc phỏng vấn cấp visa sang Mỹ dự thi Khoa học Kỹ thuật (KHKT) quốc tế.
Tuy nhiên, chỉ có em Phùng Văn Long và 2 quan sát viên đoàn Nghệ An được Đại sứ quán Mỹ cấp visa. Em Mai Nhật Anh và thầy Mai Văn Quyền - giáo viên hướng dẫn và các thành viên còn lại bị từ chối cấp visa sang Mỹ.
Với khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh lưu loát, hai đồng tác giả dự án Nhật Anh và Long xuất sắc cùng 7 dự án khác của cả nước được Bộ GD&ĐT chọn tham dự cuộc thi KHKT quốc tế được tổ chức tại Hoa Kỳ.
Việc em Mai Nhật Anh bị từ chối cấp visa sang Mỹ có thể nguy cơ dự án dự thi KHKT quốc tế của hai em bị hủy bỏ, bởi Bộ GD&ĐT đã đăng ký với ban tổ chức cuộc thi dự án có 2 tác giả. Việc chỉ có một tác giả tham dự sẽ là vi phạm quy chế cuộc thi.
Ông Ngô Sỹ Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cũng không rõ lý do vì sao Đại sự quán Mỹ từ chối cấp visa cho em Mai Nhật Anh và thầy Mai Văn Quyền cùng các thành viên khác.
Tại cuộc phỏng vấn này, mỗi thành viên của đoàn Nghệ An chỉ phải trải qua cuộc phỏng vấn chưa đến 1 phút với các câu hỏi khá đơn giản.
Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học có tên tiếng Anh là Intel International Science and Engineering Fair (viết tắt Intel ISEF), do Hội Khoa học và Công chúng Mỹ tổ chức từ năm 1952.
Intel ISEF là hội thi khoa học và kĩ thuật quốc tế hàng năm lớn nhất dành cho học sinh trung học (từ lớp 9 đến lớp 12). Mỗi năm có khoảng 1.800 học sinh trung học từ khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia giới thiệu kết quả nghiên cứu ở 22 lĩnh vực của Hội thi.
Để tham gia Intel ISEF, các thí sinh phải tham gia và được lựa chọn từ các Hội thi khoa học ở các địa phương hoặc các quốc gia. Các hội thi địa phương hay quốc gia này phải tuân thủ một số quy định cơ bản của Intel ISEF và được gọi là các Hội thi Intel ISEF thành viên.
Bắt đầu chính thức tham gia Intel ISEF từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đều có dự án đoạt giải: năm 2012 có 1 dự án tham dự và đoạt giải Nhất; năm 2013 có 5 dự án tham dự và đoạt 2 giải Tư; năm 2014 có 6 dự án tham dự và đoạt 2 giải Tư và 1 giải Đặc biệt; năm 2015 có 6 dự án tham dự và đoạt 1 giải Tư và 1 giải Đặc biệt.