Sau khi nghe báo cáo về tình hình triển khai phát triển KT-XH năm 2015 và dự thảo kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016, Dự thảo kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đại biểu đã tham gia thảo luận nhiều vấn đề liên quan về nông nghiệp, cơ cấu kinh tế, nợ xấu, du lịch và cả tỉ lệ thất nghiệp của SV sau khi tốt nghiệp….
Liên quan đến vấn đề đại biểu quan tâm là con số thất nghiệp của SV sau khi tốt nghiệp, thậm chí có cả trình độ sau ĐH (hơn 200 nghìn người-số liệu năm 2014), ngoài việc đưa ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến sinh viên ra trường thất nghiệp, trả lời tại phiên họp Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tập trung vào vấn đề về giải pháp góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp cho người học sau khi tốt nghiệp trong thời gian tới.
Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người học và xã hội về cách lựa chọn ngành nghề, trình độ đào tạo.
Tăng cường kỹ năng mềm cho SV, không chỉ dừng lại ở việc học văn hóa, kỹ năng cho SV về làm việc nhóm, kỹ năng về Tin học, Ngoại ngữ…
Đẩy mạnh công tác phân luồng HS ngay từ bậc THCS, THPT để góp phần hình thành đội ngũ nhân lực theo quy mô và cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo.
Để góp phần vào đáp ứng nhu cầu đào tạo theo nhu cầu XH, Bộ GD&ĐT cũng đã thành lập Trung tâm cung ứng hỗ trợ nguồn nhân lực để nghiên cứu, phân tích, đánh giá nhu cầu XH từ đó xác định chỉ tiêu cơ cấu nghề cần đào tạo.
Đổi mới cách xác định cơ chế tuyển sinh, bởi từ trước đến nay xác định tuyển sinh trên khả năng của cơ sở đào tạo, sắp tới Bộ sẽ xây dựng cơ chế xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo từ trình độ Trung cấp, CĐ, ĐH hằng năm trên cơ sở nhu cầu của thị trường lao động, năng lực đào tạo và tỷ lệ người học có việc làm của cơ sở đào tạo.
Bên cạnh việc gắn nhu cầu đào tạo với thị trường lao động, cần gắn cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, thậm chí, xây dựng chương trình đào tạo cũng có sự tham gia của người lao động, người sử dụng lao động và các doanh nghiệp. Và việc gắn giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sẽ có thể được xem như là một tiêu chí cho các trường ĐH.
Bên cạnh xác định chỉ tiêu đào tạo, cần nâng cao chất lượng đào tạo các cơ sở đào tạo như về đội ngũ GV, đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tế.
Thứ trưởng cũng hi vọng, ngoài việc cho SV vay để đi học, thì sắp tới Nhà nước có thể sẽ hỗ trợ cho vay để hỗ trợ SV khởi nghiệp sau khi ra trường.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh Nghị quyết 77/NQ-CP về đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập và thực hiện phân tầng xếp hạng ĐH theo quy định của Luật Giáo dục ĐH.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai mạnh mẽ việc mới căn bản, toàn diện GD&ĐT từ bậc mầm non, ĐH và một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là xây dựng đề án tạo việc làm cho người học.