Bộ GD&ĐT đơn giản hóa và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính

GD&TĐ - Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính được Bộ GD&ĐT báo cáo tại buổi làm việc sáng nay (8/12) với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì buổi làm việc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì buổi làm việc.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, thực hiện Nghị định số 63 năm 2010 của Chính phủ,  ngay từ đầu năm 2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính. Theo đó, Bộ đã đưa vào rà soát 3 nhóm thủ tục hành chính trọng tâm.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã đơn giản hóa đối với thủ tục xét, cấp học bổng chính sách cho học sinh sinh viên, tiết kiệm được hơn 745 triệu đồng (tương đương 15,7%) chi phí tuân thủ thủ tục hành chính so với trước khi đơn giản hóa. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD&ĐT còn đơn giản hóa và cắt giảm 3 thủ tục hành chính tại 2 Nghị định và 4 Thông tư.

Như vậy, đến thời điểm hiện nay, Bộ GD&ĐT cắt giảm tổng số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính được gần 26 tỷ đồng (tương đương khoảng 28,89%).

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 19/2020/TT- BGD&ĐT quy định về chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT. Theo đó, Bộ đã đơn giản hóa và cắt giảm được từ 85 chế độ báo cáo định kỳ xuống còn 20 chế độ báo cáo. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiến hành việc số hóa 20 chế độ báo cáo định kỳ này.

Chỉ sau 2 tuần Chính phủ ban hành Nghị quyết 68, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 1400 về Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục. Bộ cũng đã thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Bước đầu, Bộ GD&ĐT đã rà soát, lập danh mục các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, gồm: 214 thủ tục hành chính; 9 nhóm quy định; 1 nhóm ngành nghề đầu tư kinh doanh khác; 1 nhóm quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc và 20 chế độ báo cáo định kỳ.

Bộ GD&ĐT đồng thời đã thống kê, cập nhật trên phần mềm do Văn phòng Chính phủ cung cấp đồng thời xây dựng phương án đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trước 25/12/2020.

Ngày 9/9/2019, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính của Bộ giai đoạn 2019 - 2021” và ban hành Quyết định số 4362 công bố Danh mục thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa của Bộ; đã xây dựng và ban hành các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện cho cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ và việc phối hợp giải quyết thủ tục hành chính giữa các đơn vị thuộc Bộ được thông suốt, minh bạch, hiệu quả.

Trong 11 tháng đầu năm 2020, Bộ GD&ĐT tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính qua Bộ phận Một cửa là: 7.894 hồ sơ. Kết quả:  Đã giải quyết và trả đúng hạn: 6.388 hồ sơ; đang giải quyết (trong hạn): 1.506 hồ sơ. Không có hồ sơ trả quá hạn.

Tình hình thực hiện Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử: Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 2866/QĐ-BGD&ĐT 20 phê duyệtKế hoạch thực hiện Nghị định số 45 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tại Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đã thống kê, rà soát, đánh giá và lựa chọn các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và ưu tiên thực hiện trên môi trường điện tử đáp ứng tiêu chí tại Điều 21 Nghị định số 45. Hiện nay, Bộ đang tiến hành mẫu hóa hồ sơ, tài liệu, kết quả thủ tục hành chính ở dạng điện tử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ