Quy chế quy định: Nguyên tắc làm việc của HĐGS Nhà nước, các HĐGS ngành và HĐGS cơ sở; tiêu chuẩn thành viên của HĐGS, các HĐGS ngành và HĐGS cơ sở; thanh tra, kiểm tra; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐGS Nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐGS ngành; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐGS cơ sở.
Theo dự thảo, chỉ bỏ phiếu một lần cho ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; không bảo lưu kết quả xét đối với ứng viên không đạt yêu cầu cho lần đăng ký sau.
Thành viên HĐGS Nhà nước, các HĐGS ngành và HĐGS cơ sở là giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng ở các ĐHQG, ĐH, trường ĐH, học viện; viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ; cơ sở thực hành của cơ sở giáo dục ĐH nhóm ngành sức khỏe của Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 17 Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg.
Thành viên HĐGS không còn đủ tiêu chuẩn quy định hoặc bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên thì cấp có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm người thay thế.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư của HĐGS cơ sở tại cơ sở giáo dục đại học thành lập Hội đồng.
Thanh tra Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ GD&ĐT thanh tra, kiểm tra hoạt động xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư của HĐGS Nhà nước, các HĐGS ngành và HĐGS cơ sở; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
Tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót, vi phạm trong quá trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.