Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ tại Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm tích hợp chương trình ICAEW CFAB và ICAEW ACA” được tổ chức mới đây tại Đà Nẵng.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục đại học chia sẻ tại tọa đàm. |
Bà Thủy trao đổi, trên cơ sở chuẩn chương trình nêu trên, các trường đại học có thể theo chiến lược phát triển cùng mục tiêu, sứ mệnh đào tạo của mình để xây dựng những chương trình thực sự chất lượng cao và tốt hơn. Qua đó, nhằm tạo nên thương hiệu đào tạo cho đơn vị mình.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, những năm gần đây, các cơ sở giáo dục đại học có nhiều cơ hội và thách thức trong việc triển khai các chương trình đào tạo để thích ứng với thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và ngày càng tiếp cận với các chuẩn mực đào tạo của thế giới.
Việc tích hợp thêm các học phần đào tạo của ICAEW vào chương trình học của các trường sẽ giúp cho chương trình thu hút được nhiều sinh viên, giúp các em tìm việc làm tốt hơn.
Nhận định về tầm quan trọng của việc tích hợp chương trình ICAEW đào tạo cho sinh viên tại các trường đại học kinh tế, tài chính của Việt Nam, ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Kế toán, Kiểm toán cho rằng tích hợp toàn bộ các môn cấp độ chuyên nghiệp (Professional) vào chương trình đào tạo là một trong những phương án cần xem xét, vì thực tế các chuẩn mực kế toán, kiểm toán không đứng riêng độc lập mà có sự liên kết. Việc tích hợp nhanh chóng và đầy đủ sẽ giúp người học nắm được tổng thể hệ thống chuẩn mực để vận dụng trong các tình huống phức tạp và đa dạng thực tế.
Ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Kế toán, Kiểm toán |
“Bên cạnh đó, Bộ Tài chính có kế hoạch áp dụng đồng thời các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) chứ không xây dựng lộ trình để áp dụng từng hay từng nhóm chuẩn mực, vì vậy sinh viên cần có sự hệ thống hóa toàn diện thay vì tiếp cận dần dần. Do đó, việc tích hợp các chương trình tiên tiến trên thế giới là cần thiết để có được chương trình đào tạo chất lượng, sát với thực tiễn hơn”, ông Trịnh Đức Vinh chia sẻ.
Theo các đại biểu, vấn đề cần quan tâm khi trao đổi kinh nghiệm xây dựng và triển khai chương trình đào tạo tập trung vào số lượng môn học CFAB tích hợp vào chương trình, cấu trúc chương trình đào tạo khi tích hợp, thời lượng và thứ tự giảng dạy các môn tích hợp, cũng như thời điểm bắt đầu học môn đầu tiên và các chuẩn bị cần thiết cho sinh viên khi ứng tuyển cơ hội thực tập và việc làm trong các chương trình hợp tác giữa ICAEW và doanh nghiệp đối tác
Cùng với đó, các bên tiếp tục trao đổi kinh nghiệm trong việc sử dụng giáo trình và các nguồn liệu đào tạo; xây dựng và phát triển nguồn giảng viên; về kỳ thi các môn tích hợp của chương trình ICAEW và cơ chế chuyển điểm từ kỳ thi quốc tế với ICAEW vào bảng điểm.
Tọa đàm đã tạo ra một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường đại học làm thế nào để xây dựng và triển khai chương trình đào tạo tích hợp một cách hiệu quả nhất cho sinh viên. Bên cạnh đó, diễn đàn nhận được chia sẻ mang tính định hướng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính chất lượng cao phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.
Diễn đàn cũng nhận được những đóng góp ý kiến quan trọng từ phía các doanh nghiệp như Deloitte và BDO về chương trình tích hợp ICAEW CFAB (Chứng chỉ quốc tế về Tài chính, Kế toán và Kinh doanh – cấp độ nền tảng trong ICAEW ACA) và ICAEW ACA (Bằng nghề nghiệp chuyên nghiệp quốc tế cao cấp để trở thành Kế toán Công Chứng - Chartered Accountant), cũng như cam kết hỗ trợ sinh viên trong suốt quá trình đào tạo và cung cấp cơ hội việc làm.
Sau hơn 8 năm có mặt tại Việt Nam, các môn học của Chứng chỉ quốc tế về Tài chính, Kế toán và Kinh doanh (CFAB) của ICAEW và hiện đang được 14 trường đại học kinh tế - tài chính hàng đầu tại Việt Nam tích hợp vào chương trình đào tạo.