Bộ GD&ĐT đã tính kỹ các phương án tuyển sinh

GD&TĐ - Quy chế tuyển sinh ĐH năm nay có điểm mới là thí sinh được đăng ký không giới hạn về số nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và hỗ trợ các trường trong tuyển sinh là những phương án được Bộ GD&ĐT nghiên cứu kỹ
Đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và hỗ trợ các trường trong tuyển sinh là những phương án được Bộ GD&ĐT nghiên cứu kỹ

Với quy chế mới này, Bộ GD&ĐT đã đưa ra giải pháp để vừa đảm bảo quyền lợi của thí sinh cũng như hỗ trợ các trường lọc được thí sinh ảo và tránh các bất cập như trước đây, khi thí sinh dồn vào ngày cuối cùng mới đăng ký xét tuyển hay thay đổi nguyện vọng.

Cân nhắc thời điểm thay đổi nguyện vọng

Trao đổi về các vấn đề xung quanh tác động của điểm sàn đối với công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ năm nay, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết để quyết định ngưỡng điểm sàn đầu vào (15,5 điểm cho tất cả các khối), Bộ GD&ĐT phải dựa trên nhiều căn cứ như: Phổ điểm thí sinh đạt được, yêu cầu đảm bảo chất lượng “đầu vào” ở mức tối thiểu, số lượng thí sinh tương quan, dịch chuyển giữa các vùng miền...

Việc Bộ GD&ĐT quyết định mức điểm sàn năm nay cao hơn năm ngoái 0,5 điểm còn do cách thi năm nay thay đổi nên đã tác động đến mặt bằng điểm chung. Với những yếu tố trên, Hội đồng điểm sàn của Bộ GD&ĐT đã quyết định tăng mức điểm sàn năm 2017 lên thành 15,5 điểm (cao hơn năm 2016 là 0,5 điểm).

“Để công tác tuyển sinh được thuận lợi, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ các trường về cơ sở dữ liệu, kỹ thuật, phần mềm lọc ảo. Sau khi các nhóm hỗ trợ nhau ở từng vùng miền thì cả hệ thống sẽ cùng sử dụng phần mềm lọc ảo hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Như vậy, cùng với những quy định thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất cũng như việc hỗ trợ sàng lọc thí sinh ảo của Bộ GD&ĐT thì các trường có thể sàng lọc được số lượng thí sinh ảo một cách khoa học, dễ dàng hơn”. 

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Mức điểm sàn năm nay có thể không ảnh hưởng đến các trường tốp trên nhưng sẽ có tác động đến các trường ĐH tốp giữa, tốp thấp hơn có những ngành chỉ lấy thí sinh với số điểm bằng điểm sàn. Do vậy, nguồn tuyển của những trường này phụ thuộc vào việc các trường tuyển được nhiều hay ít thí sinh. Tuy nhiên, vấn đề bỏ hay không bỏ điểm sàn cũng như xác định mức điểm sàn như thế nào đều được Bộ GD&ĐT cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng nêu rõ, năm 2017 là năm đầu tiên phân biệt rất rõ giữa 2 hệ giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, còn có cả nguồn tuyển cho cả hệ cao đẳng sư phạm – nơi đào tạo ra những thầy cô giáo để giảng dạy cho những bậc đầu cấp như: Mầm non, tiểu học, THCS. Khi bàn đến điểm sàn thì Hội đồng điểm sàn cũng thảo luận rất kỹ về nguồn tuyển cho giáo dục nghề nghiệp như thế nào để hài hòa cho cả hệ thống để tất cả các hệ giáo dục được hưởng lợi ích từ mức điểm sàn đó. Thí sinh không nên dồn vào ngày cuối cùng mới thay đổi nguyện vọng.

Lường trước mọi tình huống phát sinh

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng nêu rõ, Bộ GD&ĐT đã lường trước tình huống thí sinh dồn vào ngày cuối cùng mới thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH như năm 2015. Vì vậy, Bộ đã phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền cho các thí sinh là nên suy nghĩ chín chắn, thấu đáo khi thay đổi nguyện vọng xét tuyển ĐH. Nếu đã cân nhắc kỹ lưỡng thì các em nên thực hiện công việc thay đổi nguyện vọng ngay, không nên để đến ngày cuối cùng vì nếu có trục trặc gì thì không còn thời gian xử lý.

Về mặt kỹ thuật, Bộ GD&ĐT cùng với các trường ĐH, CĐ đã chuẩn bị về hạ tầng công nghệ thông tin, băng thông, đường truyền đủ rộng lớn để phục vụ thí sinh trong suốt thời gian điều chỉnh nguyện vọng. Về mặt quy chế, Bộ cũng quy định là thí sinh nào đăng ký xét tuyển trực tuyến thì sẽ được thực hiện từ ngày 15 - 21/7. Nếu như đến ngày 21/7, thí sinh có gặp trục trặc gì thì sẽ có thêm 2 ngày dự phòng là ngày 22 và 23/7 để đăng ký xét tuyển bằng phiếu và gửi đến các điểm tiếp nhận. Việc làm này nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh có thể thay đổi được nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo như mong muốn của mình.

Đối với phương án tuyển sinh, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, năm nay, các trường ĐH, CĐ được tuyển sinh nhiều đợt trong năm. Các trường cũng phải dựa trên yêu cầu của ngành học, điều kiện tuyển sinh của năm nay để xây dựng đề án tuyển sinh phù hợp với trường mình và phù hợp với quy định chung. Ngoài ra, năm nay, thí sinh có quyền đăng ký các nguyện vọng xét tuyển cùng với lúc đăng ký dự thi. Sắp tới đây (từ ngày 15/7 đến 23/8), thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng dựa trên mức điểm thi THPT quốc gia đã đạt được. Sau khi chốt dữ liệu thí sinh thay đổi nguyện vọng, các trường ĐH sẽ xét tuyển độc lập.

“Điểm mới trong công tác tuyển sinh năm nay còn ở chỗ là các trường được tự chủ ở mức độ cao nên ở miền Bắc và miền Nam đều hình thành nhóm trường với trên 50 trường ĐH tham gia. Thông qua nhóm xét tuyển này, các trường sẽ hỗ trợ nhau sàng lọc thí sinh ảo khi mà năm nay, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng không giới hạn và sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên của mình. Căn cứ vào nguyện vọng đã đăng ký và số điểm đạt được, thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Như vậy, quyền lợi của thí sinh được đảm bảo ở mức cao nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ nghĩ đến quyền lợi của thí sinh thì các trường ĐH, CĐ sẽ gặp một số khó khăn khi chưa đủ kinh nghiệm để kiểm soát thí sinh ảo” - bà Nguyễn Thị Kim Phụng nêu rõ.

Lưu ý thí sinh thay đổi chế độ ưu tiên khi đổi nguyện vọng

Từ 15 - 23/7, thí sinh có quyền thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học năm 2017 theo hình thức trực tuyến và nộp phiếu trực tiếp. Hiện nay, có nhiều thí sinh đang quan tâm đến việc liệu vừa có thể thay đổi nguyện vọng trực tuyến vừa đăng ký thay đổi chế độ ưu tiên tại các điểm tiếp nhận Phiếu điều chỉnh nguyện vọng hay không.
Trả lời thắc mắc của thí sinh, Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh chỉ được chọn 1 trong 2 phương thức điều chỉnh nguyện vọng và chỉ được thực hiện điều chỉnh nguyện vọng 1 lần. Như vậy, nếu đã điều chỉnh nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến sẽ không được thực hiện các điều chỉnh bằng phiếu nữa. Trong trường hợp thí sinh có đề nghị thay đổi chế độ ưu tiên thì cần điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu.
Đối với thắc mắc của thí sinh hỏi về nguyên tắc xét tuyển giữa các nguyện vọng. Ví dụ thí sinh A và B đều đăng ký vào cùng một ngành của một trường; thí sinh A đăng ký nguyện vọng 1 và thí sinh B đăng ký nguyện vọng 4 thì việc xét tuyển thực hiện như thế nào? Xét hết NV1 nếu còn chỉ tiêu thì mới xét NV tiếp theo có phải không? Trong trường hợp thí sinh B - NV 4 điểm cao hơn thí sinh A - NV 1 thì thí sinh B có được xét trúng tuyển không?
Đối với câu hỏi này, Bộ GD&ĐT cho biết, theo Quy chế tuyển sinh hiện hành, thứ tự ưu tiên của nguyện vọng chỉ có giá trị với chính thí sinh đó. Còn giữa các thí sinh, việc xét tuyển vào cùng ngành là bình đẳng, không phân biệt thứ tự ưu tiên nguyện vọng.
Trong trường hợp cụ thể em nêu, nếu bạn B đã trúng tuyển một trong các nguyện vọng từ 1 đến 3 sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 4 nữa. Còn nếu cả ba nguyện vọng trên thí sinh B đều không trúng tuyển, thì sẽ được xét tuyển vào ngành đăng ký nguyện vọng 4. Khi xét tuyển nguyện vọng này, thí sinh A và thí sinh B đều được xét tuyển bình đẳng như nhau, ai điểm cao hơn sẽ được lợi thế hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ