Bộ Công Thương giải thích việc điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần

GD&TĐ - Thứ trưởng Bộ Công thương, giải thích, việc điều chỉnh nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về điều chỉnh giá theo lộ trình, tránh giật cục.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời tại họp báo Chính phủ. (Ảnh: Nhật Bắc)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời tại họp báo Chính phủ. (Ảnh: Nhật Bắc)

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/8, trả lời báo chí về đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng khi dự thảo sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Thứ trưởng Bộ Công thương, Đỗ Thắng Hải giải thích, việc điều chỉnh này nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về điều chỉnh giá theo lộ trình, tránh giật cục.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị thế giới, giá nhiên liệu tăng cao từ cuối quý 1/2022, chi phí nhiên liệu mà Việt Nam phải nhập khẩu để sản xuất điện cũng tăng theo. Từ đó, chi phí mua điện của EVN tăng cao, ảnh hưởng đến cân đối tài chính và dòng tiền của tập đoàn.

EVN đã đề xuất điều chỉnh tăng giá điện các năm 2022 và 2023 để đảm bảo có dòng tiền thanh toán mua điện từ các nhà máy điện, hỗ trợ cải thiện tình hình tài chính.

“Với biến động thông số đầu vào, kết quả tính toán cho thấy giá điện cần điều chỉnh tăng ở mức cao để đảm bảo cân đối tài chính và dòng tiền cho EVN. Trong quá trình xem xét đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN, Chính phủ yêu cầu phải nghiên cứu điều chỉnh giá điện theo lộ trình từng bước cho phù hợp, tránh giật cục, tránh gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân”, Thứ trưởng Bộ Công thương, Đỗ Thắng Hải cho biết.

Bên cạnh đó, Ông Hải cho rằng, việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện xuống còn 3 tháng/lần cũng phù hợp quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là EVN phải báo cáo tính toán giá điện cập nhật hằng quý. Tuy nhiên, do giá điện là mặt hàng quan trọng, nhạy cảm nên việc thực hiện điều chỉnh về mức độ, thời điểm cần thiết phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng tại dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 đang được lấy ý kiến, EVN có thẩm quyền điều chỉnh 3% đến dưới 5% khi có biến động các thông số đầu vào. Theo đại diện Bộ Công Thương, quy định này sẽ đảm bảo mức độ tự quyết của doanh nghiệp trong khung giá bán lẻ do Chính phủ quy định.

Về việc xây dựng biểu giá điện 2 thành phần để giảm bù chéo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đề xuất thực hiện cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn hiện nay là sửa đổi giá bán điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt ở mức tối thiểu, đảm bảo tránh gây biến động quá lớn.

Cụ thể, bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” áp dụng giá bán lẻ điện bằng với giá bán lẻ điện cho sản xuất, trên cơ sở tách ra từ nhóm khách hàng kinh doanh.

Giá bán điện theo các cấp điện áp (cao áp, trung áp và hạ áp) với nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch... được gộp lại để phù hợp thực tế phát triển lưới điện tại các tổng công ty điện lực.

Giữ nguyên cơ cấu giá bán lẻ điện cho đối tượng khách hàng hành chính sự nghiệp, các hộ kinh doanh khác.

Bổ sung cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng trạm/trụ sạc xe điện theo nguyên tắc giá điện phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất, kinh doanh cho ngành điện.

“Như chúng ta biết, hiện nay, việc sử dụng xe chạy điện đang được khuyến khích. Trong khi đó, xe chạy điện phải có trạm sạc điện, vì vậy, chúng ta phải đưa quy định cơ cấu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng này”, Thứ trưởng Hải cho biết.

Với giai đoạn 2, giá điện hai thành phần sẽ được tính tới thử nghiệm cho khách hàng dùng điện sản xuất tại cấp điện áp 110 kV trở lên, khi điều kiện kỹ thuật cho phép, phù hợp trong từng giai đoạn phục hồi kinh tế.

Lộ trình và đề xuất cụ thể sẽ được Bộ Công Thương cùng EVN theo dõi, cập nhật và đánh giá ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống người dân, báo cáo Thủ tướng quyết định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.