Nhưng việc các cô giáo – người lao động tại trường, cụ thể là các cô giáo quỳ khóc khiến dư luận đặt câu hỏi xót xa: Tại sao phải như thế?
Chúng tôi muốn được làm việc
Sự việc được xác minh xảy ra vào chiều ngày 12/6 tại nhóm trẻ tư thục Mầm non Tuổi thơ, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, Nghệ An.
Theo đó, cơ sở này bị buộc phải tạm dừng mọi hoạt động tuyển sinh, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ theo quyết định của UBND thị trấn Thanh Chương, kể từ ngày 5/6.
Nguyên nhân do trường được xây dựng trên cơ sở nhà đất là Trung tâm Hướng nghiệp huyện Thanh Chương cũ tại khối 3, thị Trấn Thanh Chương khi chưa được giao đất.
Trước đó, trường đã hoạt động hơn 1 năm, với quy mô khoảng 200 trẻ và 30 giáo viên. Hè năm 2018, cơ sở đã có tờ trình xin phép Phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương, UBND thị trấn Thanh Chương được tổ chức dạy hè.
Tuy nhiên, theo đúng pháp luật và các quy định, cơ sở mầm non Tuổi thơ buộc phải dừng mọi hoạt động cho đến khi có đầy đủ giấy phép.
Phụ huynh đưa trẻ đến chơi ở cơ sở |
Ngày 12/6, đoàn làm việc của UBND thị trấn Thanh Chương đến cơ sở để thông báo, giải thích rõ ràng mọi việc cho giáo viên người lao động, khi ra về, các cô đã quỳ khóc xin Chủ tịch UBND thị trấn “đừng đóng cửa cơ sở”.
“Việc quỳ gối đó là tự bản thân tôi lúc đó quá xúc động mà như vậy, các cô giáo khác cũng thế. Nếu cho tôi làm lại, tôi vẫn quỳ”, cô Lê Thị Thúy Hòa, giáo viên của trường nói.
Cô Hòa chia sẻ thêm: Năm nay cô 35 tuổi, sau nhiều năm làm nuôi dạy trẻ ở các nhóm trẻ tư, thì cơ sở mầm non Tuổi thơ là nơi có môi trường làm việc rất tốt. Bản thân các cô đã rất tâm huyết, yêu thương trẻ, tạo được sự tin tưởng ở phụ huynh. Vì thế cô rất muốn gắn bó lâu dài ở đây.
Cô Hoàng Thị Lệ (SN 1995, trú tại xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương) mới được tuyển dụng vào làm việc tại cơ sở 1 tháng. Cô giáo trẻ trước đó tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Mong muốn được làm việc tại quê nhà, nhưng do các cơ sở công lập không có chỉ tiêu tuyển dụng nên sau thời gian tìm kiếm, đăng ký phỏng vấn, cô được nhận vào dạy ở cơ sở mầm non Tuổi thơ.
“Hiện tại em đang thử việc với mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng. Nghe tin cơ sở bị tạm dừng em thấy rất buồn và lo lắng. Nếu cơ sở không được hoạt động nữa, thì em lại phải tiếp tục đi xin việc mới rất vất vả”, cô Ngọc tâm sự.
Cô Lê Thị Thúy Hòa nói thêm: “Nguyện vọng của tôi và các giáo viên ở đây là các cơ quan chức năng tạo điều kiện, cho cơ sở có thời gian hoàn thành các hồ sơ, thủ tục. Chúng tôi không muốn một cơ sở được đầu tư như thế này phải đóng cửa”.
Là người đứng đầu, chủ cơ sở mầm mon này, ông Đặng Minh Chưởng – GĐ Công ty CP Minh Sang cho biết hoàn toàn bất ngờ và đau xót trước việc giáo viên quỳ khóc nhưng ông không hề liên quan hay chỉ đạo giáo viên làm như vậy, mà đó là quyền của các cô, bản thân ông không có mặt tại thời điểm đó.
Vậy nhưng, khi nhìn thấy các cô giáo, người sẽ nuôi dạy các cháu mầm non trong những năm tháng đầu đời - có hành động như vậy, dư luận không tránh khỏi câu hỏi: Tại sao lại phải quỳ, điều gì và ai để các cô phải làm như thế? Những câu hỏi buồn và xót xa cho người làm nghề giáo.
Người chịu trách nhiệm về những thiếu sót, sai phạm của cơ sở mầm non không phải là các cô. Nhưng cho đến lúc này, các cô vẫn đang là người chịu tổn thương, dù lý do gì đi nữa.
Đình chỉ có đạt hiệu quả?
Cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, nhưng cơ sở chưa đầy đủ thủ tục pháp lý |
Đó là câu hỏi mà ông Đặng Minh Chưởng đặt ra khi cơ sở bị tuýt còi và yêu cầu dừng mọi hoạt động.
Theo ông Chưởng, chủ đầu tư đã sai, có thiếu sót, và xin chịu trách nhiệm trước việc nôn nóng xây dựng cơ sở mầm non trước khi còn vướng mắc thủ tục và chưa được giao đất.
Nhưng hiện tại, cơ sở đã hoàn thành xây dựng khang trang, sạch đẹp, trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi. Vậy cấm hoạt động sẽ không có hiệu quả, khi nhu cầu gửi trẻ của người dân rất lớn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Vinh – Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Chương cho biết: việc tạm dừng mọi hoạt động của cơ sở tư thục mầm non Tuổi thơ là theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Thanh Chương và thực hiện đúng các quy định pháp luật. Quyết định này cũng nhằm mục đích bảo đảm quyền lợi, an toàn của trẻ.
“Việc thành lập cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn, chính quyền địa phương rất ủng hộ. Nhưng khi cơ sở chưa được cấp phép mà vẫn hoạt động, nếu xảy những nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống chảy nổ hay vấn đề bạo hành trẻ thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm”, ông Vinh nói.
Bản thân là một người đầu tư cho giáo dục, ông chia sẻ mình chịu áp lực từ hai phía: Thứ nhất là từ phía nhu cầu phụ huynh, rất bức thiết. Hơn nữa, để một cơ sở giáo dục tư thục tạo được niềm tin trong phụ huynh là rất khó. Thứ 2, là từ chính quyền địa phương yêu cầu cơ sở phải hoàn thành các thủ tục pháp lý.
Ông Chưởng khẳng định “Chúng tôi sẽ hợp tác, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, quy định của cơ quan chức năng, nhưng mong các cấp thẩm quyền cho nhà đầu tư có thêm thời gian để hoàn thành các giấy phép đó”.
Trao đổi với ông Đặng Văn Hóa – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương được biết: Quan điểm của Phòng là khuyến khích việc thành lập các nhóm trẻ tư thục trên địa bàn, giảm áp lực tuyển sinh trẻ mầm non cho trường công. Với điều kiện các nhóm trẻ này hoạt động đúng quy định, có đủ giấy phép. Về cơ sở tư thục mầm non Tuổi thơ, thuộc phân cấp quản lý của UBND thị trấn Thanh Chương.
Clip: chia sẻ của giáo viên Mầm non Tuổi thơ