Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với giáo viên: Trút bỏ gánh nặng

GD&TĐ - Sau rất nhiều năm mong mỏi, cuối cùng giáo viên đã trút được gánh nặng từ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường sư phạm là yếu tố quyết định để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên. Ảnh minh họa
Nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường sư phạm là yếu tố quyết định để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên. Ảnh minh họa

Trút bỏ nhiều áp lực

Từ thực tế đội ngũ tại trường, cô Hoàng Thị Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chỉ ra những bất cập của quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với GV. Theo đó, những GV có tuổi, có kinh nghiệm chuyên môn gặp khó khăn, bất lợi so với GV trẻ khi đánh giá chuẩn nghề nghiệp, hoặc xét (thi) nâng hạng. Bên cạnh đó, do đặc thù kiến thức, một số bộ môn không đòi hỏi cao về ngoại ngữ và tin học (ví dụ như: Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật…), nên việc có chứng chỉ chỉ mang tính đối phó, hình thức, không áp dụng trong thực tế.

“Để đủ điều kiện thăng hạng, một số GV thêm vất vả vì phải bỏ thời gian, công sức đi học, thi; từ đó ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian dạy học trên lớp. Thực tế, nhiều GV không áp dụng kiến thức ngoại ngữ, tin học có được từ việc học và thi các chứng chỉ trên. Bởi vậy, việc bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học giúp tư tưởng giáo viên được cởi trói, bớt áp lực trong giảng dạy, đánh giá chuẩn nghề nghiệp; đồng thời giảm bớt gánh nặng về hồ sơ cá nhân GV, giúp thầy cô tập trung trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Bộ GD&ĐT đã nhìn nhận đúng bản chất yêu cầu, đánh giá GV, đó là đánh giá bằng năng lực sử dụng thực tế và chất lượng dạy học chứ không phải bằng hình thức các văn bằng, chứng chỉ”. – cô Hoàng Thị Yến nhận định.

Giảm áp lực chứng chỉ giúp giáo viên tập trung hơn vào nâng cao nghiệp vụ sư phạm. Ảnh minh họa
Giảm áp lực chứng chỉ giúp giáo viên tập trung hơn vào nâng cao nghiệp vụ sư phạm. Ảnh minh họa

Thầy Hà Đình Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT Icoschool (Bắc Giang) đưa ra quan điểm: Ở hầu hết các vị trí công việc và nhiệm vụ hiện nay, không vị trí nào không cần đến khả năng sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin. Nhưng đánh giá trình độ nhân sự trên tấm bằng, chứng chỉ sẽ không phản ánh đúng thực lực. Một tờ giấy không nói lên được bản chất trình độ.

Như các địa phương khác, việc quy định thêm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên An Giang cũng là áp lực rất lớn. Theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, bên cạnh một số khó khăn trong công tác tuyển dụng mới, đội ngũ GV được tuyển dụng trước đây cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tự học để thi và lấy chứng chỉ. Thực tế, GV có chứng chỉ nhưng lại không sử dụng thường xuyên ngoại ngữ, đặc biệt là cơ hội giao tiếp ít khi gặp; hơn nữa công tác đào tạo và cấp chứng chỉ ngoại ngữ một số nơi còn thiếu quản lý hoặc không quản lý được để phát sinh những tiêu cực.

“Tôi cho rằng, việc bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học sẽ “cởi trói” rất nhiều cho GV, trước hết là thời gian, công sức và tiền bạc. GV sẽ giảm áp lực, bớt những lo lắng không cần thiết và dành thời gian nhiều hơn cho việc đầu tư nghiên cứu chuyên môn đổi mới dạy học. Thiết nghĩ, việc hoàn thành chương trình môn học ngoại ngữ - tin học trong chương trình đào tạo GV là đủ cơ sở để xem xét các điều kiện khác về tiêu chuẩn viên chức” - ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ. 

Tin học đã là môn học bắt buộc trong các chương trình đào tạo GV. Ảnh minh họa
Tin học đã là môn học bắt buộc trong các chương trình đào tạo GV. Ảnh minh họa

Đánh giá qua năng lực thực tế

Trước tin vui đối với đội ngũ, cô Nguyễn Thị Mỹ Dung, Trường THPT Nguyễn Văn Hai, Trà Vinh cho rằng: GV đều nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ và tin học, bởi những kiến thức này hỗ trợ rất tốt cho dạy học. Tuy nhiên, việc tận dụng ưu thế ngoại ngữ và công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy khác với việc buộc phải có chứng chỉ; nếu thi cho có chứng chỉ mà không sử dụng được sẽ lãng phí.

Việc Bộ GD&ĐT làm việc với Bộ Nội vụ để bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học là cần thiết, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của giáo viên và hệ thống quản lí giáo dục. Khẳng định điều này, nhưng ông Hà Đình Sơn cũng lưu ý: Phải nhận thức rõ bỏ chứng chỉ chứ không phải bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học mà GV cần phải bảo đảm. Ngoài vấn đề chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, cũng nên từng bước xem xét đến quy định của các chứng chỉ khác. Bởi hiện nay,  giống như việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, đào tạo và cấp các loại chứng chỉ khác cũng mang tính hình thức, khó kiểm soát chất lượng đào tạo.

Mong mỏi bỏ quy định chứng chỉ, ngoại ngữ với GV nhanh chóng được chính thức hóa bằng văn bản pháp quy, ông Trần Tuấn Khanh đồng thời đề nghị cần thực hiện nghiêm túc, có chất lượng chương trình đào tạo GV với các môn ngoại ngữ, tin học; đủ số tiết, đủ phân môn để GV có thể áp dụng vào công việc. Cùng với đó, tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng đầu ra và cấp đầy đủ chứng chỉ khi sinh viên sư phạm hoàn thành môn học. Trong trường hợp cần thiết, để đánh giá chuẩn viên chức, chứng chỉ ngoại ngữ - tin học do cơ sở đào tạo GV cấp là hồ sơ minh chứng.

Bỏ quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với GV là phù hợp. Nhưng GV cũng cần tự học hỏi để liên tục phát triển nghề nghiệp, trong đó có kiến thức về tin học, ngoại ngữ nếu yêu cầu công việc đòi hỏi. - Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ