Bộ chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật

GD&TĐ - Tại Khoản 3 Điều 27 Luật người khuyết tật qui định “Người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia” và giao Bộ GD&ĐT “Quy định chuẩn quốc gia về ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi Braille cho người khuyết tật” tại khoản b, mục 3, Điều 50,Luật Người khuyết tật. 

Bộ chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật

Thực hiện quyền giáo dục đối với người khuyết tật, Chính phủ đã kí quyết định 1019/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 với hoạt động cụ thể về trợ giúp tiếp cận giáo dục cho người khuyết tật “Nghiên cứu xây dựng và phổ biến hệ thống ký hiệu ngôn ngữ phổ thông sử dụng thống nhất trong toàn quốc; xây dựng tài liệu ký hiệu ngôn ngữ cho các cấp học phổ thông.” Để tiếp tục thúc đẩy và tăng cường quyền của người khuyết tật theo Công ước của Liên hợp quốc, Chính phủ tiếp tục kí quyết định 1100/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật” trong đó có nội dung “Nghiên cứu xây dựng và phổ biến hệ thống ký hiệu ngôn ngữ phổ thông sử dụng thống nhất trong toàn quốc. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tài liệu kí hiệu ngôn ngữ cho các cấp học phổ thông.”

Thực hiện chủ trương giáo dục người khuyết tật của Đảng và Nhà nước, ngày 30 tháng 1 năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành “Kế hoạch giáo dục người khuyết tật giai đoạn 2018 – 2020 của ngành giáo dục”, trong đó có nhiệm vụ “Biên soạn hệ thống ngôn ngữ ký hiệu phổ thông và chữ nổi Braille thống nhất sử dụng trong các cơ sở giáo dục.” Để thực hiện nhiệm vụ này, nguyên Thứ trưởng, Trưởng ban BCĐ GDTKT&TECHCKK - Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phê duyệt công văn số 367/KH-BGDĐT ngày 30 tháng 5 năm 2018, giao Vụ Giáo dục Tiểu học là đầu mối và phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các Cục, Vụ chức năng khác Xây dựng Thông tư Quy định chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục.

Trong bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu tổng quan về ngôn ngữ kí hiệu Việt Namvà ý nghĩa của nó với người khuyết tật và cộng đồng nhằm giúp các nhà quản lý, giáo viên, các tổ chức, cá nhân quan tâm hiểu hơn về ngôn ngữ kí hiệu, tạo một môi trường bình đẳng, hòa nhập của người khuyết tật Việt Nam.

Giới thiệu về ngôn ngữ kí hiệu

Ngôn ngữ kí hiệu được tu sĩ Juan Pablo Bonetsử dụng dạy học cho người khiếm thính từ những năm 1620 tại Tây Ban Nha. Đến năm 1755 tu sĩ người Pháp, Charles Michel Albe de L’epee đã gặp những người Điếc lớn tuổi để học hỏi cách sử dụng ngôn ngữ kí hiệu tự nhiên. Sau đó Ông đã làm dấu theo trật tự ngôn ngữ nói trong quá trình dạy học cho học sinh điếc của mình. Phương pháp này tiếp tục được phát triển bởi học trò của ông là R.A Sicard. Đến đầu thế kỉ 19, Thomas Hopkin Gallaudetđã dạy học người Điếc theo cách làm dấu theo trật tự ngôn ngữ nói tại Mỹ. Đến những năm 1960, William Stokoe và các cộng đã nghiên cứu và khẳng định: ngôn ngữ kí hiệu là một ngôn ngữ riêng, có quy luật, đặc tính riêng. Cho đến nay hầu hết các trường học dành cho trẻ Điếc và khiếm thính trên Thể giới đã sử dụng ngôn ngữ kí hiệu như loại hình ngôn ngữ chính trong dạy học.

Ở Việt Nam, linh mục Azemar người Pháp đã mở trường học đầu tiên dành cho trẻ điếc năm 1886 tại Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương. Ở đây cả ngôn ngữ kí hiệu vầ ngôn ngữ nói trong dạy học cho trẻ điếc đã được sử dụng. Đến những năm 90, ngôn ngữ kí hiệu được quan tâm nhiều hơn trong dạy học cho trẻ điếc. Trước nhu cầu đó, từ những năm 1995, Trung tâm giáo dục trẻ có tật học, nay là Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia được sự hỗ trợ của các tổ chức PSBI,World Concern, RADA BARNEN, CRS,… đã tiến hành thu thập khoảng 1700 kí hiệu tương đối giống nhau được sử dụng trong cộng đồng người Điếc ở các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Bình, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Nghệ An,.... Các nghiên cứu, khảo sát sau đó cũng chỉ ra rằng chỉ có dưới 30% số kí hiệu hoàn toàn giống nhau, 46% gần giống nhau và 24% số kí hiệu khác nhau. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho việc dạy học cho học sinh điếc, học sinh khiếm thính trong các cơ sở giáo dục có sử dụng ngôn ngữ kí hiệu. Bên cạnh đó, ngôn ngữ kí hiệu của người Điếc cũng luôn được phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, giao tiếp, lao động của họ.

Ngôn ngữ kí hiệu của mỗi nước đều khác nhau, nhưng lại có chung 5 thành tố cơ bản đó là: (1) Vị trí làm kí hiệu (Location); (2) Hình dạng bàn tay (Handshape); (3) Chuyển động của tay (Movement); (4) Chiều hướng của lòng bàn tay (Orientation) và (5) Sự diễn tả không bằng tay (Non-manual expression).

Đồng thời, ngôn ngữ kí hiệu cũng có cấu trúc ngữ pháp riêng, không giống như ngữ pháp của ngôn ngữ nói. Ví dụ:

Ngôn ngữ nói                            Ngôn ngữ kí hiệu

Tôi ăn táo.                               ---->   Tôi/ táo/ ăn.

Ai nghỉ học hôm nay?             ---->    Hôm nay/ nghỉ học/ ai?

Tôi không ăn táo.                    ---->   Tôi/ táo/ ăn/ không.

Năm 2019, Bộ chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật đã bước đầu thống nhất được 408 kí hiệu cơ bản đang trong quá trình lấy ý kiến nhằm thống nhất sử dụng trong các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự đồng thuận của cộng đồng người Điếc để tiếp tục thống nhất, tạo điều kiện cho người khuyết tật nói chung, người khiếm thính nói riêng có đủ lượng kí hiệu cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và hòa nhập cộng đồng.

Ý nghĩa của Bộ Chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật

Theo báo cáo điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam năm 2016 của Tổng cục thống kê với sự hỗ trợ kĩ thuật của Unicef, Việt Nam có 2,83% trẻ em khuyết tật trong độ tuổi 2 – 17, trong đó trẻ em khiếm thính chiểm tỉ lệ 0,22% trên tổng dân số, tương đương khoảng 211,000 trẻ em (ước tính theo số liệu thống kê điều tra dân số Việt Nam 2017). Như vậy có thể thấy được nhu cầu rất lớn về việc sử dụng ngôn ngữ kí hiệu trong giáo dục trẻ khiếm thính ở các cơ sở giáo dục. Bộ chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu ra đời sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu dạy và học cho học sinh khiếm thính, nhằm đảm bảo quyền và cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho các em.

Ngôn ngữ kí hiệu được “nghe” bằng mắt nên tận dụng được khả năng vượt trội về thị giác, khắc phục các khó khăn về nghe nên sẽ giúp học sinh khiếm tính thuận lợi trong việc tiếp cận, lĩnh hội thông tin và kiến thức. Bởi vậy, Bộ Chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu là căn cứ thống nhất để các cơ sở giáo dục sử dụng trong quá trình dạy và học cho học sinh khiếm thính. Đồng thời, Bộ Chuẩn cũng sẽ là cơ sở để các nhà chuyên môn thống nhất sử dụng các kí hiệu trong quá trình xây dựng học liệu trong giáo dục trẻ khiếm thính, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong thời kì công nghệ 4.0.

Bộ Chuẩn ra đời góp phần phổ biến ngôn ngữ kí hiệu trong cộng đồng, giúp cho các lực lượng khác trong xã hội dễ dàng tiếp cận với ngôn ngữ kí hiệu và sẵn sàng tham gia, hỗ trợ giáo dục trẻ khiếm thính.

Như vậy có thể khẳng định, Bộ Chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu ra đời là cơ sở nền tảng bước đầu, tạo điều kiện cần thiết để trẻ khiếm thính nói riêng, người khuyết tật nói chung tiếp cận, tham gia giáo dục bình đẳng và có chất lượng.

Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ