Bố chồng khó tính, hôn nhân của tôi đứng trước bờ vực tan vỡ

GD&TĐ - Gần đây bố chồng quyết định chuyển đến sống cùng vợ chồng tôi và các con. Tôi không ngờ sự xuất hiện của ông đang hủy hoại cuộc hôn nhân của mình.

Bố chồng khó tính, hôn nhân của tôi đứng trước bờ vực tan vỡ

Bố chồng tôi luôn phàn nàn về những món tôi nấu và chỉ trích tôi thậm tệ khi tôi đụng vào đồ đạc cá nhân của ông. Điều này thật sự không công bằng vì tôi chỉ muốn giúp ông có một không gian sạch sẽ để sống.

Bố chồng thường xuyên nói xấu sau lưng tôi, ông còn gọi các con tôi là “lũ quỷ sứ hư hỏng”. 

Ông không thích tôi đụng vào đồ cá nhân của mình trong khi ông không thể tự giặt quần áo. Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì tôi đang phải chịu đựng. Khi chuyển đến sống cùng chúng tôi, ông không trích ra một khoản lương nào để đóng góp tài chính cùng chúng tôi. Chưa kể, vì quá bận rộn phục vụ và đối phó với ông mà vợ chồng tôi hầu như không còn thời gian dành cho nhau nữa.

Có hôm, vì không thể chịu đựng nổi, tôi nghĩ có lẽ mình nên bàn với chồng về việc tìm một nơi khác cho bố chồng tôi sống, nhưng tôi sợ bố chồng sẽ biết được điều đó và càng tức giận hơn. Tôi stress nặng vì không biết cuộc sống của mình sẽ ra sao trong những ngày sắp tới. 

Không còn cách nào khác, tôi đánh thức chồng dậy lúc nửa đêm, thủ thỉ mọi bức xúc trong lòng. Anh im lặng vài phút cho tỉnh ngủ rồi nhẹ nhàng trấn an tôi: “Anh đồng ý với em rằng chúng ta cần phải sắp xếp lại cuộc sống hiện tại. Mối quan hệ giữa em và bố cũng cần phải thay đổi. Nhưng mà em ơi, điều này không có nghĩa là bố phải dọn ra ngoài ở. Anh nghĩ chúng ta nên tìm cách bình tĩnh thảo luận về việc sự hiện diện của bố đã gây xáo trộn cuộc sống của chúng ta như thế nào”.

Sợ rằng quyết tâm của mình sắp bị đánh bại, tôi ngắt lời anh: “Em cũng muốn tạo ra một bầu không khí tốt cho cả gia đình, nhưng tình hình hiện tại không phải vậy. Chúng ta có thể bàn về các lựa chọn thay thế không anh? Em nghĩ sự kiên nhẫn của mình cũng có giới hạn”. 

Anh nắn nhẹ vai tôi: “Anh biết chứ. Với em, sống chung với bố là một thử thách. Mọi nhận xét hoặc yêu cầu của bố không khác nào một cuộc tấn công nhắm vào em. Nhưng nếu em lùi lại một bước, em sẽ thấy không phải tất cả những điều bất thường mà bố làm đều có giá trị như nhau, và em nên cân nhắc về điều đó. Anh cho rằng mỗi khúc mắc trong một mối quan hệ đều cần được giải quyết và giải thích theo cách không làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Việc em cố gắng nấu ăn cho bố nhưng bị bố mắng chắc chắn không phải là một trải nghiệm mà em mong muốn, nhưng điều đó không có nghĩa là em cần phải phản ứng tương tự như bố.

Em cứ nghĩ xem, bố đã nhiều tuổi rồi, sức khỏe thể chất và tinh thần của bố không còn được như chúng ta nữa. Với bố, việc chống chọi với sự kiệt quệ về sức khỏe là một thử thách  khó khăn. Sau này, khi ở độ tuổi của bố, có lẽ các con cũng khổ sở về chúng ta đấy em ạ. Vậy nên, anh và em cùng nhau cố gắng thêm chút nữa nhé”.

Sáng hôm sau, khi bố chồng tôi phàn nàn món bánh mì kẹp trứng có vị khó chịu, chồng tôi phản ứng một cách đơn giản: “Bố ơi, sáng nay nhà mình chỉ có món này để ăn thôi. Nếu bố muốn ăn món khác thì có khi con phải chạy ra ngoài mua cho bố”.

Khi thấy tôi bị mắng vì đụng vào đồ đạc của bố chồng. Anh lại nói đỡ cho tôi: “Bố ơi, nếu bố không thích vợ con giặt đồ cho bố thì bố cứ để đấy, nay mai rảnh con sẽ giặt giúp bố”. Để đối phó với thói quen xem TV của ông, chồng tôi đã tạo một lịch trình đảm bảo mọi người trong gia đình đều có thời gian xem chương trình mình yêu thích.

Sự kiên nhẫn phi thường của chồng khiến tôi phải suy nghĩ lại. Tôi hiểu rằng mình không nên bức xúc với những tật xấu của bố chồng. Thay vào đó tôi nên nhẹ nhàng giải thích với ông rằng tôi và gia đình không dung túng cho hành vi đó. Ông nên cố gắng thay đổi, tôi cũng sẽ sửa đổi bản thân vì ông. Trò chuyện với bố chồng chắc chắn là một việc vô cùng khó khăn, nhưng đó là cách duy nhất để chúng tôi tiến tới một mối quan hệ tốt lành. Tôi tin, khi cố gắng thỏa hiệp, tôi và bố chồng có thể đi đến thỏa thuận và quay trở lại cuộc sống mà tôi vẫn yêu thích. 

Chồng tôi cũng luôn sát cánh bên tôi và không ngừng động viên: “Em biết không, khi em mở rộng ngôi nhà và trái tim của mình với bố. Em sẽ dần cảm nhận được sự ấm áp và hạnh phúc. Đó mới là ý nghĩa thực sự của một gia đình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ