Bỏ cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975: Thông thoáng nhưng cần chặt chẽ

GD&TĐ - Xuất phát từ những bất cập và đòi hỏi của thực tế, Chính phủ đã chấp thuận việc sửa đổi hai Nghị định 79 và 15 về Nghệ thuật biểu diễn mà Bộ VH,TT&DL đề xuất. Việc “bỏ cấp phép những ca khúc trước năm 1975” và “chấp thuận cấp phép trực tiếp cho nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn” đã nhận được sự đồng tình của dư luận và giới nghệ sĩ.  

Bỏ cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975 là bước đi mới trong việc mở cửa thị trường âm nhạc
Bỏ cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975 là bước đi mới trong việc mở cửa thị trường âm nhạc

Xóa bỏ ranh giới, rào cản

Theo những thông tin NSND Nguyễn Quang Vinh – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) chia sẻ với báo giới thì dự thảo Nghị định mới khi được hoàn chỉnh sẽ xoá bỏ ranh giới ca khúc sáng tác trước và sau năm 1975, khắc phục những vướng mắc trong hai nghị định cũ, giảm bớt thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho nghệ sĩ, doanh nghiệp.

Tất cả các bài hát trước hay sau năm 1975 bị xem là vi phạm quy định tức là có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân, hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng sẽ không được sử dụng dưới mọi hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, cũng cần có những quy định cụ thể để quản lý sao cho phù hợp trong thời gian tới, ông Vinh cũng nhấn mạnh về ưu điểm của Nghị định mới.

Để sửa đổi nghị định cũ, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập Nghị định, cụ thể hoá các chính sách. Tuy dự thảo Nghị định đã nhận được nhiều ý kiến tán thành, đồng thuận và đóng góp tích cực từ các địa phương song việc tổ chức hội thảo, thu thập thêm ý kiến các chuyên gia vẫn đang được tiến hành. Sau đó dự thảo sẽ được đăng tải lên website, trưng cầu thêm các ý kiến đóng góp khác, vì vậy quy trình soạn thảo chi tiết Nghị định mới dự kiến phải cuối năm mới xong được.

Theo quan điểm của lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn thì các Sở VHTT sẽ được giao quyền thẩm định, đánh giá các ca khúc không chỉ được tăng cường trách nhiệm mà năng lực quản lý cấp phép các hoạt động văn hóa ở địa phương cũng được nâng cao.

Các vấn đề bất cập đang tồn tại sẽ được Ban soạn thảo nghiên cứu để thay đổi trong các quy định của Nghị định. Trước thực trạng bùng nổ mạnh mẽ của Internet và mạng xã hội gây ra nhiều khó khăn trong quản lý, Cục Nghệ thuật biểu diễn mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành để công tác kiểm tra, kiểm soát và xử phạt kịp thời, thích đáng những trường hợp vi phạm.

Cần minh bạch, rõ ràng

Đối với người làm công việc biểu diễn nghệ thuật thì việc đơn giản hóa, bớt đi những thủ tục rườm rà, tốn nhiều thời gian là rất tốt. Việc phải xin cấp phép từng ca khúc sẽ gây khó khăn và tốn nhiều thời gian của ca sĩ, nhà sản xuất chương trình.

Thực tế cho thấy, ca khúc nào cũng có đời sống riêng của nó, khi đã được các thế hệ khán giả yêu thích và qua sự sàng lọc của thời gian mới tồn tại được. “Trong vấn đề quản lý, cấp phép biểu diễn đã có những bất cập gây nhiều phản ứng trái chiều gay gắt trong dư luận, bây giờ cơ quan quản lý cởi mở hơn, điều chỉnh quy định là tín hiệu đáng mừng.

Điều này thể hiện sự lắng nghe, tiếp thu và tôn trọng phản biện xã hội và là bước tiến văn minh, thông thoáng trong cơ chế hội nhập”, ca sĩ Mỹ Linh thẳng thắn bày tỏ.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, nhạc sĩ Cát Vận cho biết: “Trong chương trình âm nhạc, đương nhiên sẽ có ca khúc phù hợp nội dung chương trình này mà không phù hợp nội dung khác. Đã là tác phẩm được đưa ra công diễn là phải bảo đảm chất lượng nhưng chất lượng như thế nào rất cần có tiêu chí cụ thể. Trao thêm quyền cho địa phương là cần thiết nhưng làm sao thẩm định và quản lý cho tốt được là không hề đơn giản. Cấp hay không cần cấp phép đều thể hiện thái độ của nhà quản lý. Cần nhất là tránh được tình trạng lúc cấm vô lý thì rơi vào cực tả, lúc dỡ bỏ rào cản đến thả lỏng lại rơi vào hữu khuynh. Cơ quan quản lý bỏ việc cấp phép cho các ca khúc sáng tác trước 1975 là hợp lý nhưng vẫn cần phải có “vạch đỏ” với những quy định rõ ràng, nếu không các giá trị pháp lý trước đây sẽ trở thành “ngớ ngẩn”. Cơ quan quản lý phải có sự nhất quán trong chỉ đạo, điều hành để tránh xảy ra những hệ lụy đáng tiếc, rồi lại phải chạy theo giải quyết hậu quả”.

Thể hiện sự đồng tình, ca sĩ Trọng Tấn cho rằng, việc bỏ cấp phép các ca khúc sáng tác trước năm 1975 về mặt chủ trương rất đúng, hợp lý hợp tình. Nhưng những ca khúc được sáng tác trước năm 1975 số lượng rất nhiều, có mảng, có dòng khác nhau. Nhưng trong thực tế không phải nghệ sĩ, ca sĩ nào cũng có đủ trình độ hiểu biết và thông tin về “nguồn gốc” mọi ca khúc, hoặc nắm rõ ca khúc nào “có vấn đề động chạm” để tránh.

Việc để xảy ra sơ suất có thể xảy ra… Thế nên, cơ quan quản lý cần có sự minh bạch, rõ ràng sau khi thẩm định tác giả, tác phẩm. Cần đưa ra khung liên quan đến hành lang pháp lý, chỉ rõ ra về mặt nghệ thuật và văn học thì số lượng ca khúc nào không đạt yêu cầu, không phù hợp.

Danh sách này không chỉ giúp người sử dụng ca khúc thành công trong sự kiện, ca sĩ biểu diễn ca khúc được thăng hoa cống hiến nhiều hơn cho công chúng mà còn rất quan trọng trong hoạt động sản xuất, in ấn phát hành, ra đĩa… phát triển thị trường âm nhạc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ