Dừng lưu hành bài hát là làm khó ca sỹ
Sự việc 5 ca khúc Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân, Con đường xưa em đi, Đừng gọi anh bằng chú vừa bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Cục NTBD) yêu cầu tạm dừng lưu hành, cả người nghe và những ca sĩ thuộc dòng nhạc xưa đang bày tỏ nhiều băn khoăn, nuối tiếc.
Thực tế, số lượng những ca khúc được sáng tác trước 1975 được cấp phép và phổ biến trong thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay không nhiều. Nếu cùng một lúc tạm dừng lưu hành nhiều ca khúc sẽ làm khó ca sĩ trong việc lựa chọn bài hát biểu diễn.
Bài hát "Con đường xưa em đi" được hai thí sinh trong chương trình truyền hình thực tế "Thần tượng Bolero" 2016 thể hiện. Ảnh: VTV
Ngày 16/3, trao đổi với PV VOV.VN, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD cho biết: “Những bài hát này đều đang có vấn đề cần được xem xét lại. “Có những ca khúc vi phạm tác quyền, thay đổi nội dung so với bản gốc, nhầm tên tác giả. Vì những lý do này mà Cục NTBD buộc phải tạm dừng để rà soát lại”.
Cục trưởng Cục NTBD chia sẻ thêm: “Công tác rà soát lại những ca khúc sáng tác trước năm 1975 đang gặp nhiều khó khăn. Có ca khúc do thay đổi nội dung nhiều lần dẫn đến việc, dù có cùng một tên gọi nhưng nội dung bên trong lại không giống nhau. Việc thay đổi ca từ tùy tiện trong bài hát khiến ý nghĩa, hình ảnh trong ca khúc bị thay đổi hoàn toàn.
Hơn nữa, sửa lời một tác phẩm nghĩa là đã vi phạm bản quyền. Thậm chí, có bài hát ra đời trước 1975 nhưng đến bây giờ tác giả mới công bố. Với những ngoại lệ này, Cục NTBD cũng cần phải tìm hiểu kỹ”.
Ca khúc "Đừng gọi anh bằng chú" được cho là sai tên tác giả. Ảnh: TL
Cũng theo Cục trưởng Cục NTBD, 5 ca khúc bao gồm Cánh thiệp đầu xuân”; “Rừng xưa”; “Chuyện buồn ngày xuân”; “Con đường xưa em đi” và một bài hát sai tên tác giả là “Đừng gọi anh bằng chú” đã chính thức bị dừng phát hành.
“Và Cục cũng chưa thể đưa ra thời hạn xem xét đối với những ca khúc này. Công tác rà soát các ca khúc ra đời trước 1975 được giao cho Sở VH-TT Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, kho dữ liệu của Cục NTBD không có nhiều ca khúc nhạc xưa nên Cục giao hết việc này cho Sở VH-TT TPHCM.
Từ trước đến nay, đây cũng là địa phương chuyên phụ trách các ca khúc được sáng tác trước 1975. Tuy nhiên, Cục không ép đơn vị này phải nhanh chóng báo cáo mà công tác xem xét cần phải có thời gian. Danh mục những ca khúc ra đời trước năm 1975 là rất lớn.
Bản thân những sáng tác này cũng có nhiều hoàn cảnh, qua năm tháng lại có hiện tượng “tam sao thất bản”. Bởi thế công tác rà soát khá phức tạp nhưng vẫn cần phải tiến hành”, ông Nguyễn Đăng Chương nói.
Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM.
Trao đổi với PV VOV.VN, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Việc rà soát lại những ca khúc nhạc xưa đã được Sở VH-TT thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dòng nhạc này đang ngày càng được công chúng đón nhận và phủ sóng trên truyền hình.
Có những ca khúc bị thay đổi ca từ và tạo nên nhiều phản ứng đối với dư luận. Sở VH-TT Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm rà soát hiện trạng các bài hát này (về ca từ, tác giả, thời gian…). Ngoài ra, việc phát hành như thế nào là do Cục NTBD quyết định”.
Ông Võ Trọng Nam cũng cho rằng: “Việc dừng phát hành các ca khúc nhạc xưa không làm ảnh hưởng đến việc lựa chọn ca khúc biểu diễn của các nghệ sĩ, kể cả game show “Thần tượng Bolero”. Bởi nhạc xưa có rất nhiều ca khúc hay và nổi tiếng”.
Trước đó, ngày 15/3, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có văn bản số 167 báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Bất cập trong phát hành
Công tác phát hành ca khúc nhạc xưa được cho là đang có nhiều bất cập gây khó khăn cho ca sỹ trong việc biểu diễn. Điểm đ, khoản 4, điều 24 Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định thủ tục xin phép bao gồm: bản sao chứng thực quyết định cho phép tác giả, tác phẩm và người biểu diễn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia (nếu trong chương trình có sử dụng tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam hoặc có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia biểu diễn).
Bài hát "Con đường xưa em đi" phổ biến hiện nay được cho là có nhiều ca từ sai với bản gốc.
Khoản 2, 3 điều 29 quy định phổ biến tác phẩm âm nhạc: “Các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phát hành dưới hình thức xuất bản phẩm phải thực hiện quy định tại khoản 3 điều này và các quy định của pháp luật về xuất bản”.
Tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục NTBD.
Theo Cục NTBD, hơn 40 năm qua đã có hơn 2.500 bài hát của các tác giả sáng tác trước năm 1975 và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp phép. Nhiều bài hát do thất lạc bản nhạc nhạc gốc, các đơn vị đề nghị xin cấp phép sử dụng đều ký âm lại và cam kết tính chính xác của tác phẩm, việc làm này dẫn đến nhiều tên tác giả/bút danh và ca từ có sự khác nhau trên cùng một tác phẩm âm nhạc.
Vào năm 2016, 18 ca khúc bolero trước năm 1975 và của người Việt định cư tại nước ngoài đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến, xuất hiện trong chương trình “Solo cùng Bolero 2016” bao gồm: Bao giờ quên (Hoài Linh), Bến giang đầu (Lê Trọng Nguyễn), Buồn vào đêm (Thanh Sơn - Hoài Linh), Căn nhà dĩ vãng (Đài Phương Trang), Cho cuộc tình yêu đầu (Song Ngọc), Đêm tái ngộ (Y Vân), Hãy trả lời em (Anh Chương - CH), Lá rơi bên thềm (Lê Trọng Nguyễn, Nguyễn Hiền), Màu xanh Noel (Hoài Phương), Mộng ban đầu (Hoàng Trọng - Hồ Đình Phương), Mưa về sáng (Thăng Long), Nếu ta đừng quen nhau (Huỳnh Anh), Nếu tôi đưa em về (Anh Bằng), Người bạn tình xưa (Anh Việt Thu), Tình yêu màu tím (Hàn Sinh - Song Ngọc), Tôi gặp em (Thức Đăng - Mạnh Phát), Trước mặt tình yêu (Trúc Phương), Vòng tay giữ trọn ân tình (Đỗ Kim Bảng - Y Vân)./.