Công dân chỉ ra nhiều dấu hiệu sai phạm của tỉnh
Theo đơn khởi kiện hành chính, bà Lê Thị Oanh (số nhà 397 phố Trần Đăng Ninh – Vân Đình - Ứng Hòa – Hà Nội) cung cấp dịch vụ pháp lý theo giờ cho bà Trần Thị Mai ở khu phố 2 thị trấn Hương Canh – huyện Bình Xuyên – tỉnh Vĩnh Phúc.
Nội dung đơn kiến nghị xem xét lại việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Dự án đầu tư xây dựng Khu thương mại, dịch vụ, khách sạn và nhà hàng Hanh Nguyệt của Công ty CP TM&DV Hanh Nguyệt.
Bà Oanh phát hiện các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc có những dấu hiệu sai phạm liên quan đến dự án này. Cụ thể, Giấy chứng nhận đầu tư số 19121000449 ngày 11/10/2010 do ông Phùng Quang Hùng – lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh cấp cho công ty chưa xác định được địa chỉ cụ thể về lô, thửa, tờ bản đồ, vị trí địa lý.
Việc này là trái với Điều 47, Điều 48 Luật Đầu tư 2005; Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41 Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/206 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư”.
Năm 2012 là ông Phùng Quang Hùng – lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp dự án của Công ty Hanh Nguyệt 3.500m2 đã thực hiện thu hồi, bồi thường xong trước 27/11/2012. Việc này là sai thực tế và không đúng với Khoản 3 Điều 29 Luật Đất đai 2003.
Ngày 30/6/2014, ông Vũ Chí Giang thay mặt UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa nước hai vụ tại thửa đất số 15.1+17.1+20.4 tờ Bản đồ số 8 thị trấn Hương Canh cho Công ty Hanh Nguyệt. Việc này là sai với Nghị định 42/2012/NĐ-CP và Luật Đất đai 2003; Nghị định 181/2004/NĐ-CP cũng như Khoản 1 và Khoản 2 của Công văn của Thủ tướng năm 2012.
Việc UBND tỉnh thu hồi đất, giao đất cho chủ, sử dụng khác chặn hết lối đi duy nhất của thửa đất phía trong ra đường tỉnh lộ; còn UBND huyện Bình Xuyên tự cho mình được thụ hưởng tiền bồi thường cây cối, hoa màu người dân trồng trên đất là sai so với Luật Đất đai 2003 và Nghị định 197/2004/NĐ-CP.
UBND tỉnh lại thu hồi 647,8m2 đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý để giao cho doanh nghiệp là không đúng với Luật Đất đai 2003 và Nghị định 84/2007/NĐ-CP.
Có sự thất thoát tài chính liên quan đến 6.508m2 được báo cáo và thực tế thực hiện dự án mà Nhà nước không kiểm soát được. Việc này có khả năng gây thiệt hại từ 20 tỷ đồng đến gần 33 tỷ đồng là có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Theo trả lời người dân của ông Nguyễn Văn Trì – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh thì đường Hương Canh – Tân Phong điều chỉnh giảm 16 - 18m so với diện tích thu hồi, trong khi Bản vẽ khối lượng hoàn công con đường là không có sự điều chỉnh. Điều này có khả năng gây thất thoát trong xây dựng cơ bản và Nhà nước không kiểm soát được 33.984m2 đất thu thừa khi làm đường năm 2010.
Vi phạm quyền tiếp cận thông tin của công dân?
Nhận thấy những sai phạm này, bà Oanh đã có đơn kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc xem xét lại việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất liên quan đến dự án của Công ty Hanh Nguyệt.
Song Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Trì trả lời vụ việc đã giải quyết đúng quy định pháp luật, hướng dẫn công dân thu thập chứng cứ để tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc lên cấp có thẩm quyền.
Bà Oanh có Đơn đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan đến Dự án của Công ty Hanh Nguyệt giai đoạn 2010 - 2020 cho bà Oanh để giải thích rõ những sai phạm mà bà Oanh nhận thấy trên.
Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 2928/STNMT-TTr chuyển đơn của bà Oanh tới UBND huyện Bình Xuyên để cung cấp tài liệu theo quy định. Bà Oanh có đơn gửi UBND huyện và Chủ tịch UBND huyện đề nghị cung cấp thông tin theo đơn gửi UBND tỉnh và cụ thể hóa 5 nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan đến dự án của Công ty Hanh Nguyệt.
Vì đây là thông tin không thuộc diện cấm cung cấp hoặc cung cấp có điều kiện theo Luật Tiếp cận thông tin, ngày 15/12/2020, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên đã có Văn bản số 2426/UBND-BTCD chuyển đơn của bà Oanh tới cơ quan chuyên môn để đề xuất Chủ tịch UBND huyện và UBND huyện có văn bản trả lời đơn của công dân. Thời gian báo cáo trước ngày 9/1/2021.
Quá hạn, không nhận được thông tin yêu cầu, bà Oanh lên Phòng tiếp dân của UBND huyện Bình Xuyên đặt lịch gặp Chủ tịch UBND huyện tiếp dân định kỳ, song đến ngày 22/2/2021, bà Oanh vẫn chưa nhận được thông tin mà mình yêu cầu từ UBND huyện Bình Xuyên.
Bà Oanh đã có Đơn khởi kiện hành chính UBND huyện tới Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Tòa án buộc UBND huyện Bình Xuyên đảm bảo cung cấp thông tin và quyền tiếp cận thông tin của công dân theo Luật Đất đai 2013, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tố tụng Hành chính. Hồi 16 giờ ngày 22/2/2021, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận được Đơn khởi kiện của bà Oanh.
Ngày 22/2, trao đổi thông tin vụ việc qua điện thoại với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên cho biết: “Đến thời điểm này, UBND huyện chưa nhận được văn bản chính thức.
Nhưng qua nắm bắt thông tin, UBND huyện đã nắm được vụ việc qua Zalo của luật sư gửi tới huyện. Trước đây, khi luật sư có đơn yêu cầu cung cấp thông tin, tôi đã giao cho anh Bộ (ông Nguyễn Ngọc Bộ, PCT UBND huyện – PV) cung cấp thông tin, tài liệu cho luật sư. Vấn đề này, huyện sẽ xem xét lại để có thông tin chính thức”.
Sáng 23/2, ông Nguyễn Ngọc Bộ trả lời Báo GD&TĐ về vụ việc: “Cung cấp thông tin là cung cấp cái gì. Cung cấp thông tin, tài liệu để làm cái gì? Cung cấp thông tin để đi làm cái việc lằng nhà lằng nhằng ở đâu...”.
Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.