Tuy nhiên, dư luận đặt dấu hỏi về sự minh bạch lợi nhuận của các trạm thu phí BOT vốn được giữ kín lâu nay. Cùng với đó, việc ra quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn hai chiếc ô tô đi vào các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác cũng đang khiến dư luận thêm bức xúc.
Theo báo cáo từ VEC E, đơn vị quản lý tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, lúc 7 giờ ngày 7/2, tức mùng 3 Tết Kỷ Hợi, đã xảy ra vụ cướp có vũ khí tại trạm thu phí Dầu Giây. Hai nghi can trang bị súng, dao đã xông vào phòng Kế toán vé thẻ (phòng có két sắt đựng tiền thu phí) trong lúc nhân viên thực hiện xong công tác giao nhận ca (lúc này két sắt đang được mở để cất tiền thu phí vừa thu được trong ngày 6/2). Hai nghi can đã khống chế nhân viên kế toán, thủ quỹ và giám sát để cướp tiền trong két sắt.
Qua thông tin của nhân viên có mặt tại hiện trường, hai tên cướp tỏ ra rất táo tợn, kê dao và súng vào cổ nhân viên, uy hiếp và đánh nhân viên trạm thu phí trước khi ôm tiền tẩu thoát. Tổng số tiền trong két sắt trước thời điểm bị cướp là hơn 3,2 tỉ đồng. Đến 23 giờ cùng ngày, lực lượng trinh sát của Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Đồng Nai, TPHCM đã bắt giữ hai nghi can là Nguyễn Vũ Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Nam Định) và Trần Tuấn Anh (26 tuổi, ngụ Tiền Giang) tại ga Sài Gòn. Sau khi bị bắt, cả hai đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Đáng chú ý, hai nghi can trước đây từng là nhân viên bảo vệ của VEC E. Trần Tuấn Anh được tuyển dụng vào công ty từ ngày 5/1/2015, được đào tạo và làm việc ở vị trí nhân viên bảo vệ phân làn tại các trạm thu phí. Đến ngày 18/3/2018, Tuấn Anh nghỉ việc. Trước khi nghỉ, Tuấn Anh là nhân viên bảo vệ phân làn thuộc trạm thu phí Dầu Giây. Còn Nguyễn Vũ Hoàng Nam, vào VEC E làm việc từ ngày 14/3/2015 ở vị trí nhân viên bảo vệ phân làn. Nam nghỉ việc từ ngày 4/2/2019, trước đó đã nghỉ không lương từ ngày 20/1/2019. Trước khi nghỉ việc, Nguyễn Vũ Hoàng Nam là công nhân phân xưởng cơ khí.
Ngay sau khi thông tin vụ án được các cơ quan thông tin đại chúng đăng tải, dư luận xã hội tỏ ý nghi ngờ, thậm chí nhiều ý kiến bức xúc cho rằng vụ cướp trên đã làm lộ sự không trung thực của VEC E khi trước đây chỉ công bố doanh thu một ngày không đạt 1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ngay sau đó VEC E đã lên tiếng thanh minh, nói rõ đó là con số thu của nhiều ngày bởi vì mấy ngày Tết, ngân hàng không làm việc nên thu được bao nhiêu đều để hết vào két. Nhưng nếu là 2 ngày thì cũng là con số không hề nhỏ của một trạm thu phí. Yêu cầu làm rõ nguồn thu, lợi nhuận của các chủ đầu tư các trạm thu phí BOT để bớt đi sự nghi hoặc từ phía người dân là hoàn toàn đúng đắn, khi thông tin về các hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp nhất là các chủ đầu tư các trạm thu phí đường bộ BOT rất ít được công khai.
|
Thu hồi quyết định trái luật
Ngay sau vụ cướp được phá, ngày 10/2, VEC E đã phát đi thông cáo báo chí thông tin về các sự cố làm tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây ùn ứ kéo dài khoảng 6km. VEC E đã cho đóng nhánh A tại QL51 (hướng từ Phan Thiết, Vũng Tàu, Biên Hòa lên cao tốc về TPHCM) lúc 18 giờ và mở lại lúc 19 giờ cùng ngày để thực hiện cứu hộ. VEC E cho biết đã thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 xe ô tô 51A-55... và 51G-77... trên tất cả các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Nguyên nhân từ chối phục vụ là do các xe trên vi phạm quy tắc giao thông trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác vào chiều tối 10/2. Hiện VEC quản lý, khai thác 4 tuyến đường cao tốc là: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và một dự án đang triển khai thi công là tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Liên quan đến vụ việc này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc từ chối phục vụ vĩnh viễn phương tiện là không đúng thẩm quyền, chưa phù hợp với quy định hiện nay.
Hiện việc quản lý khai thác đường cao tốc, được điều chỉnh theo quy định tại NĐ 32/2014/NĐ-CP. Theo đó cơ quan quản lý đường cao tốc là Tổng cục Đường bộ Việt Nam và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Đường cao tốc là công trình công cộng, vì thế VEC hay VEC E không phải là cơ quan quản lý, mà chỉ là doanh nghiệp đầu tư và khai thác, bảo trì loại đường này. Các phương tiện tham gia giao thông sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ 2008 và NĐ46/2016 - về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Chỉ những chế tài được quy định trong luật và nghị định trên mới có tính cưỡng chế đối với người tham gia giao thông. Trong khi hai văn bản này không có chế tài cấm lưu thông đối với các xe trước đó đã có những vi phạm khi tham gia lưu thông vào đường này. Vì thế, việc ban hành quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với hai phương tiện nêu trên là không có cơ sở và trái với quy định của pháp luật. Từ trước đến nay chỉ có quy định về việc áp dụng chế tài cấm bay thuộc ngành hàng không bởi đã có quy định tại Nghị định 92/2015.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, sẽ yêu cầu VEC thu hồi văn bản trái quy định trên.