Bình Phước: Cần nhiều hạng mục để thực hiện Chương trình mới

GD&TĐ - Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, ngành Giáo dục tỉnh Bình Phước đã có lộ trình tiến hành rà soát, chuẩn bị các điều kiện để triển khai.

Học sinh mầm non tỉnh Bình Phước đến trường.
Học sinh mầm non tỉnh Bình Phước đến trường.

Bên cạnh những thành quả đạt được bước đầu, tỉnh Bình Phước cũng đang đối diện với những thách thức về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…

Thiếu khoảng 5.452 phòng học

Báo cáo tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, tỉnh gặp một số khó khăn vướng mắc. Trong đó, để phục vụ cho năm học 2021 - 2022, tỉnh còn thiếu hơn 1.900 biên chế so với tổng biên chế được giao, trong đó 1.309 biên chế phục vụ cho việc đổi mới chương trình GDPT và 593 biên chế bậc mầm non.

Bên cạnh đó, qua rà soát, để thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình và mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh còn thiếu khoảng 5.452 phòng học và phòng chức năng, tổng kinh phí ước khoảng 3.970 tỷ đồng (gồm 767 phòng/690,3 tỷ đồng cho bậc học mầm non và 3.483 phòng/2.438,8 tỷ đồng cho bậc phổ thông); thiếu 1.227 hạng mục theo tiêu chí trường chuẩn. UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ các địa phương xây dựng 700 phòng (khoảng 490 tỷ đồng).

Mặt khác, các trường phổ thông trong toàn tỉnh đã được đầu tư phòng máy để dạy Tin học nhưng hiện tại phòng máy của nhiều trường đã sử dụng trên 5 năm và xuống cấp trầm trọng.

Trong bối cảnh tỉnh Bình Phước bắt đầu triển khai mô hình trường học thông minh ở các cấp học nên cần đầu tư phòng máy tính (với 40 máy tính/phòng cùng với bảng tương tác, phần mềm, học liệu, máy tính, camera hỗ trợ học trực tuyến, bàn ghế, hạ tầng công nghệ thông tin, phụ kiện...) với tổng kinh phí khoảng 500 tỷ đồng (3,2 tỷ đồng/phòng, 156 phòng cho 156 trường).

Ngoài ra, toàn tỉnh mới có 2/36 trường THPT có bể bơi, còn thiếu 34 bể bơi với kinh phí cần đầu tư khoảng 34 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu phổ cập môn bơi cho học sinh và phòng chống tai nạn đuối nước.

Khó… trong đạt chuẩn quốc gia

Liên quan quy định về trường đạt chuẩn quốc gia, đại diện UBND tỉnh Bình Phước cho hay: Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, nhiều đơn vị trường học đã tiến hành sáp nhập để thực hiện chủ trương về tinh giản số lượng đơn vị sự nghiệp, số lượng bộ máy quản lý.

Trong khi các quy định hiện hành đều yêu cầu trường đạt chuẩn quốc gia phải đảm bảo điều kiện “Có ít nhất một khóa học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học, chương trình trung học” hoặc “hoạt động giáo dục ít nhất 5 năm (đối với bậc mầm non)”.

Từ đó dẫn đến tình trạng các trường mới được sáp nhập không đủ điều kiện để kiểm định và công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Liên quan chính sách đối với giáo viên, theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước, giáo viên hợp đồng theo Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 (thời hạn hợp đồng dưới 12 tháng) có mức lương quá thấp so với biến động giá cả và chi phí sinh hoạt hàng ngày nên không đủ trang trải cuộc sống.

Do đó, đội ngũ giáo viên mầm non (đặc biệt là giáo viên hợp đồng) chưa yên tâm làm việc, dẫn đến một số cơ sở giáo dục mầm non thiếu giáo viên, nhưng không hợp đồng được giáo viên.

“Từ tháng 5/2021 đến nay do dịch bệnh kéo dài, những cán bộ - giáo viên mầm non ngoài công lập có tham gia bảo hiểm đã được Nhà nước hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, nhà trường và các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải ngừng hoạt động, đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non không được trả lương nên có nhiều khó khăn ảnh hưởng nhiều đến đời sống và giảng dạy”, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước nêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.