Bình Thuận sẵn sàng thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở lớp 2 và 6

GD&TĐ - Ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 chương trình GDPT 2018 sử dụng trên địa bàn tỉnh năm học 2021-2022, ngành giáo dục Bình Thuận đã chủ động sẵn sàng mọi điều kiện.

Giáo viên Tiểu học của tỉnh Bình Thuận đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đầy đủ để thực hiện chương trình GDPT 2018
Giáo viên Tiểu học của tỉnh Bình Thuận đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đầy đủ để thực hiện chương trình GDPT 2018

Sẵn sàng điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ

Theo đó, ngoài việc xây dựng các kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên (GV) cốt cán từ đầu tháng 5/2021, trong vòng gần 1 tuần (từ ngày 14 -18/6) ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận tổ chức cho GV học thay sách lớp 2 của chương trình GDPT 2018. Tham dự tập huấn là ban giám hiệu các trường tiểu học, giáo viên dạy lớp 2 năm học 2021-2022 và tất cả các thầy cô giáo dạy các môn chuyên như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, tiếng Anh…

Ông Phan Đoàn Thái- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết: Báo cáo viên các buổi học cho GV là Tổng chủ biên của các bộ SGK (theo từng môn học). Vì thế, GV tập huấn được hướng dẫn rất tận tình, chi tiết. Do tình hình dịch Covid - 19, GV phải học tập huấn trực tuyến. Tuy nhiên, mọi thắc mắc của các thầy cô giáo tại nhiều điểm cầu đều được các tác giả giải đáp ngay, tạo cho giáo viên cảm giác hứng thú, yên tâm khi học tập.

Ngoài việc tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất cho chương trình GDPT 2018 từ cuối năm 2020.

Hiện nay, toàn tỉnh số trường TH đạt chuẩn Quốc gia là 121 trường. Trong đó có 9 trường TH đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 112 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Về học sinh, có 116.811/117.277 học sinh đủ điều kiện đánh giá, đạt tỉ lệ 99,8%, trong đó có 466 học sinh không đánh giá vì trong diện học sinh khuyết tật học hòa nhập. Học sinh hoàn thành chương trình lớp học là 115.045/116.811 đạt tỉ lệ 98,5%.

“Năm học 2019-2020, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành về đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 4.153 phòng học, trong đó (phòng đạt chuẩn 3.773 phòng; phòng tạm, mượn 93 phòng); tổng số phòng/lớp là 3.955/4.153 (không tính phòng tạm, mượn), tỉ lệ 0,95 phòng học/ lớp, cơ bản đủ để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và đảm bảo cho việc triển khai Chương trình GDPT 2018.

Năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở lớp 1. Đây cũng là năm học được đánh giá sẽ có nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngành giáo dục Bình Thuận đã có những chuẩn bị cả về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và các phương án để vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Nhờ sự chủ động chuẩn bị, các cơ sở giáo dục cũng đã tiến hành thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học, đáp ứng các môn học và các hoạt động giáo dục một cách linh hoạt, đảm bảo vừa sức, phù hợp với thời gian, đối tượng học sinh từng địa phương; đối với các trường đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được đảm bảo thời lượng tối đa 7 tiết/ngày theo quy định”- ông Thái nói.

Học sinh tỉnh Bình Thuận đang dọc sách tại thư viện lưu động trong giờ ra chơi
Học sinh tỉnh Bình Thuận đang dọc sách tại thư viện lưu động trong giờ ra chơi

Tích cực phát huy vai trò của giáo viên nòng cốt, công tác tự bồi dưỡng

Năm học 2021-2022, tỉnh Bình Thuận đã chọn bộ SGK “Chân trời sáng tạo” cho học sinh khối lớp 2(gồm 12 đầu sách). Ở danh mục SGK lớp 6, 16 cuốn sách của 12 môn học được các trường chọn chủ yếu cũng thuộc bộ “Chân trời sáng tạo”. Riêng môn tiếng Anh lớp 2 có 4 đầu sách được phê duyệt gồm: Tiếng Anh, Family and Friends - National Edition của NXB Giáo dục Việt Nam; i-Learn Smart Start, Phonics- Smart của NXB ĐHQG TPHCM.

Theo ông Huỳnh Văn Hiếu – Trưởng phòng MN&TH Sở GD&ĐT Bình Thuận: Để chuẩn bị cho thực hiện chương trình GDPT 2018 ở lớp 2 & 6 trong năm học 2021-2020, cũng như nâng cao năng lực dạy và học tiếng Anh cho học sinh của tỉnh, năm học 2020-2021, các cơ sở giáo dục đã luôn quan tâm nâng cao chất lượng dạy học Ngoại ngữ và Tin học cho các em học sinh.

Kết quả, triển khai dạy và học Ngoại ngữ cấp Tiểu học có 246/264 trường dạy tiếng Anh với tổng số 3.305 lớp với hơn 85.000 học sinh. Về triển khai dạy và học Tin học cấp Tiểu học đối với lớp 3 đến lớp 5 có 41.779/65.461 học sinh, đạt tỉ lệ trên 64%. Đây là nền tảng và cơ sở để cho tỉnh thực hiện chương trình GDPT mới 2018 ở năm thứ 2.

Xác định GV là nền tảng cho thành công của việc thực hiện chương trình GDPT 2018 nên từ năm học 2019-2020, ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu tất cả các trường, phòng giáo dục tiến hành rá soát đội ngũ, lên danh sách để gấp rút có kế hoạch tăng cường, bổ sung bồi dưỡng, chuyên môn nghiệp vụ cho GV. Ông Phan Đoàn Thái- Giám đốc Sở GD&ĐT nhìn nhận; ngoài đội ngũ GV thì đội ngũ CBQL các trường cũng có vai trò quan trọng không kém. Bởi họ là người tạo điều kiện, môi trường, động lực để GV thực hiện hoạt động đổi mới.

“Hiệu quả của hoạt động muốn thành công thì như Bộ GD&ĐT đã nói; phải đảm bảo được cả 3 yếu tố “biết làm, có điều kiện để làm và có động lực để làm”. Nếu thiếu một yếu tố nào thì công cuộc đổi mới và thực hiện chương trình GDPT 2018 sẽ khó thành công. Vì vậy, chúng tôi ngoài việc tập trung làm tốt công tác tuyên truyền thì còn khẩn trương cho công tác chuẩn bị đội ngũ và cơ sở vật chất.

Tuyên truyền ở đây không chỉ tuyên truyền trong đội ngũ CB, GV, NV trong ngành giáo dục, mà Sở GD&ĐT còn đặc biệt quan tâm, chú ý đến đối tượng quan trọng- đó là phụ huynh. Qua công tác truyền thông để giúp phụ huynh các em hiểu rõ bản chất, mục đích của chương trình GDPT 2018 hướng đến. Trên cơ sở thông hiểu, phụ huynh sẽ đồng hành với ngành giáo dục để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình này”- ông Thái chia sẻ.

Để chương trình GDPT 2018 thành công thì mỗi GV phải tự học, tự bồi dưỡng nghiệp vụ cho mình
Để chương trình GDPT 2018 thành công thì mỗi GV phải tự học, tự bồi dưỡng nghiệp vụ cho mình

Để tăng cường hoạt động bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, ngành giáo dục Bình Thuận còn cử GV cốt cán tham gia các khóa tập huấn của chương trình ETEP. Là người tham gia chương trình, cô Nguyễn Thái Thu Hiền- GV Trường TH Đức Thắng 1, TP Phan Thiết nhìn nhận: hiện nay xã hội thay đổi, môi trường giáo dục và các phương thức giảng dạy cũng thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, việc bồi dưỡng không chỉ là “trách nhiệm” mà là nhu cầu tự thân của từng GV cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.

“Qua các modul được bồi dưỡng về sử dụng phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá để phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tôi nhận thấy nó có điểm giống khi tôi dạy mô hình VNEN. Tuy nhiên, để kiến thức trở thành phương tiện phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, người GV phải vận dụng linh hoạt và hiệu quả các phương pháp dạy học, hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá khác, nhằm khơi dậy động lực, nhu cầu học tập của từng học sinh. Để làm được điều đó thì bản thân mỗi GV phải có trong mình nhu cầu, động lực tự học, tự bồi dưỡng”- cô Hiền chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.