Bình luận viên Đình Khải say nghề 'vẽ' trận bóng bằng ngôn ngữ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tuy đã nghỉ hưu, người hâm mộ hẳn còn nhớ đến bình luận viên Đình Khải - một “cây” báo nói đa tài, người say nghề 'vẽ' trận bóng bằng ngôn ngữ.

Nhà báo Đình Khải và các đồng nghiệp bình luận viên bóng đá (ảnh phải).
Nhà báo Đình Khải và các đồng nghiệp bình luận viên bóng đá (ảnh phải).

Mùa World Cup này lại thấy ông nhớ nghề cũ khi liên tục cập nhật thông tin trận đấu cùng những lời bình luận trên trang Facebook của mình.

Bình luận viên trên… Facebook

Chẳng riêng mùa World Cup này mà các mùa World Cup trước đó hay bất cứ trận bóng trong nước, quốc tế nào cứ vào trang Facebook của bình luận viên Đình Khải là thấy có thông tin.

Có người nói vui rằng, muốn đọc thông tin về một trận bóng nào đó thì chỉ cần vào trang Facebook của ông là có hết, thậm chí còn được đọc những phân tích, bình luận hết sức sắc sảo mà không phải tờ báo nào cũng có được.

Nói về việc này, ông bảo nghỉ hưu đã lâu nên viết cho đỡ nhớ nghề - cái nghề đã đem đến cho ông “thương hiệu”: “Người vẽ lại trận đấu bằng ngôn ngữ”, “Vua bình luận không tuổi”... Giờ đây nhiều người gọi ông là bình luận viên trên... Facebook.

Ông tủm tỉm cười bảo: Trên Facebook hay trước màn hình để bình luận trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình thì tôi vẫn phải thật trách nhiệm với thông tin đưa ra.

Ở tuổi xấp xỉ 80 nhưng tai ông vẫn rất thính, mắt không cần đeo kính, dáng đi khoan thai và đặc biệt là giọng nói của ông vẫn thật khỏe khoắn, truyền cảm. Có lẽ nhiều năm trắng đêm cả tháng trời với bóng đá quốc tế đã cho ông kinh nghiệm quý báu về việc giữ gìn sức khỏe để trụ vững với trái bóng tròn…

Nghề nào cũng cần sức khỏe tốt nhưng với nghề bình luận viên bóng đá thì điều đó càng cần thiết hơn, bởi phải thức khuya để theo dõi các trận bóng quốc tế, chỉ cần có vấn đề trong giọng nói là sẽ làm hỏng chương trình của nhà đài.

Đến với Đài từ… sáng tác văn học

Một số cuốn sách của nhà báo Đình Khải đã xuất bản.

Một số cuốn sách của nhà báo Đình Khải đã xuất bản.

Tuổi trẻ của ông nhiều vất vả. Tốt nghiệp phổ thông, ông thi vào Khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bởi ông rất yêu thích văn chương lại là học sinh giỏi Văn của tỉnh Phú Thọ nữa. Nhưng thi trượt. Ngày ấy bố của ông là một giáo viên, nhưng lại đang bị bệnh tim rất nặng. Nhà có 5 anh em, ông là anh cả. Vì thế, chẳng thể chờ thi lại vào năm sau.

Lại đúng lúc Trường Trung cấp Hóa chất ở Ngã Tư Sở chuyển về quê ông. Vậy là ông vào học trường này, với suy nghĩ tốt nghiệp ra trường sẽ xin vào làm việc ở Nhà máy Super Phốt phát và hóa chất Lâm Thao cho gần nhà để có điều kiện đỡ đần bố mẹ và chăm sóc các em…

Thế nhưng, lại thêm một bước ngoặt nữa đến với ông. Ấy là khi tôi tốt nghiệp, lại đúng vào lúc máy bay Mỹ ném bom nhà máy. Khi ấy, Viện Nghiên cứu Hóa học ở Hà Nội quyết định thành lập một đơn vị nghiên cứu, sản xuất axit sulfuric bằng phương pháp thủ công để thay thế sản phẩm của nhà máy.

Viện đã đề nghị trường cho phép một số học sinh vừa tốt nghiệp về tham gia tổ nghiên cứu này. Ông là một người trong số ấy. Ông làm việc ở Viện Nghiên cứu Hóa học từ năm 1965.

Những năm tháng “lắc chai, lắc lọ” trong phòng thí nghiệm ấy, niềm đam mê văn chương vẫn đau đáu trong ông. Có lẽ vì thế mà đến năm 1972, khi có cơ hội, ông đã xin chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghiệp làm báo phát thanh đến với ông từ năm ấy.

Nhà báo Đình Khải bắt đầu công việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam tại Ban Miền Nam với “hành trang” chỉ là một số bài thơ, truyện ngắn chứ chưa hề có kiến thức về viết tin, bài. Ông nhập cuộc từ việc đọc những tờ báo xuất bản ở Sài Gòn để hiểu hơn về cuộc sống của nhân dân miền Nam.

Là người miền Bắc nhưng lại viết báo về miền Nam với ông là một thử thách, nhất là vấn đề ngôn ngữ. Thế rồi với sự rèn luyện, học hỏi không ngừng, ông đã không mất quá nhiều thời gian để có bài viết đầu tiên. Đó là bài bình luận về phong trào đấu tranh của anh em Nghiệp đoàn xích lô Sài Gòn phát trên sóng chương trình “Thành thị miền Nam”.

“Lúc ấy là viết tay chứ làm gì có máy chữ. Có đêm, chờ cho vợ con đi ngủ, tôi kéo đèn ra hành lang cặm cụi viết cho tới quá nửa đêm, mặc cho muỗi đốt. Gạch xóa be bét, viết đi viết lại rồi cuối cùng cũng hoàn thành. Bài viết được nhà báo Mai Thúc Long, Trưởng ban Miền Nam nhận xét: “Bước đầu cậu làm việc như thế là được, nhưng nhớ là phải cố gắng nhiều hơn nữa”, nhà báo Đình Khải nhớ lại.

Sau một thời gian làm việc ở Ban Miền Nam, làm quen với nghề báo với tư cách là người “ngoại đạo”, năm 1975 Đình Khải được cơ quan cử đi học và thi đỗ Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Sau khi tốt nghiệp, ông công tác tại Phòng Văn hóa - Đời sống, Ban Văn hóa - Xã hội (Đài Tiếng nói Việt Nam).

Thời gian đầu ông thường đi theo bình luận viên Hoài Sơn để “xem” tường thuật bóng đá nhưng qua quá trình “học lỏm” ông đã tiếp thu được nhiều kiến thức về tường thuật, để rồi sau đó ông và Hoài Sơn trở thành “cặp bài trùng” trong các chương trình bình luận bóng đá của Đài.

Nếu như Hoài Sơn có ưu điểm là nhìn nhận trận đấu dưới khía cạnh chuyên môn để đưa ra những phân tích, đánh giá cục diện trận đấu sắc sảo, chuẩn xác, thì Đình Khải có lợi thế trong việc sử dụng ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ đời thường, đôi khi hài hước, dí dỏm, làm chương trình thêm phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt, ông có khả năng sử dụng ca dao, tục ngữ một cách linh hoạt vào từng diễn biến cụ thể trên sân.

“Biết 10, nói 1 mới hay và sâu sắc”

Nhà báo Đình Khải trong một chương trình truyền hình.

Nhà báo Đình Khải trong một chương trình truyền hình.

Trong suốt mấy chục năm, Đình Khải không nhớ nổi mình đã bình luận bao nhiêu trận đấu, nhưng có lẽ với ông, việc được 3 lần bình luận cho Giải vô địch bóng đá thế giới (năm 2002, 2006, 2010) đem đến cho ông những cảm xúc đặc biệt nhất.

Ông kể, tại World Cup 2006, lúc này ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn làm cố vấn cho Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Để hoàn thành nhiệm vụ ở cả hai cơ quan, ông không chỉ căng sức làm việc mà còn phải sắp xếp thời gian một cách khoa học và hợp lý. Ban ngày ông đến Đài VTC để duyệt các tạp chí thể thao cũng như một số chương trình phát trên kênh VTC3, đêm ông lại tới Đài VOV để cùng các bình luận viên tường thuật trực tiếp các trận đấu World Cup.

Không chỉ bình luận bóng đá trên sóng phát thanh, Đình Khải còn sớm “lấn sân” trên sóng truyền hình. Lần đầu tiên là tại Giải vô địch bóng đá nữ thế giới tổ chức tại Trung Quốc năm 1992, khi ông nhận lời bình luận trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.

Hai năm sau, ông tham gia bình luận bóng đá trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam. Ông so sánh: “Nếu trên phát thanh người bình luận viên phải tường thuật để người nghe hình dung ra những gì diễn ra trên sân thì truyền hình phải có dự báo được về mặt chiến thuật, chiến lược.

Những người bình luận trên sóng phát thanh phải rèn luyện để bằng đôi mắt tinh tường của mình phát hiện ra ngay lập tức những chi tiết đắt cần truyền tải tới người nghe, như cầu thủ nào vừa ghi bàn, bóng đi qua đường biên ngang hay dọc…

Bình luận phát thanh khó hơn, đòi hỏi kỹ thuật, năng lực, sự nhanh nhẹn, tinh tường và sử dụng tiếng Việt tốt”.

Nhà báo Đình Khải từng đưa ra lý giải vì sao ở Việt Nam các bình luận viên hiếm người xuất phát từ cầu thủ chuyên nghiệp? Là bởi cầu thủ đá bóng giỏi là người có tố chất, có sức khỏe và biết học hỏi đồng nghiệp và huấn luyện viên.

Họ không có thời gian và điều kiện để học những yêu cầu nghiệp vụ của một bình luận viên. Tất nhiên, nếu một cầu thủ sau khi giải nghệ biết bổ sung những kiến thức về nghề bình luận thì họ có thể trở thành một bình luận viên được.

“Một bình luận viên bóng đá hay là người trước hết phải học và hiểu sâu nghề bình luận nói chung và bình luận bóng đá nói riêng. Thêm nữa, và là điều rất quan trọng, họ phải tìm hiểu và nắm chắc về chuyên môn, nghiệp vụ của môn bóng đá. Ai đó đã nói: “Biết 10, nói 1 mới hay và sâu sắc” là thế”, ông nhấn mạnh.

Tạo ra một phong cách riêng

Nhà báo, bình luận viên Đình Khải

Nhà báo, bình luận viên Đình Khải

Dù nổi tiếng với nghề bình luận bóng đá nhưng đó chỉ là nghề “tay trái” của nhà báo Đình Khải. Công việc chính của ông là tường thuật các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Đặc biệt, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi Văn phòng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bắt đầu cho phép Đài VOV cử phóng viên tham gia những chuyến công tác của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ở trong và ngoài nước. Lãnh đạo Đài đã cử ông tham gia những chuyến công tác của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, sau đó là Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.

Ông kể, lần đầu tiên được tháp tùng Thủ tướng đi nước ngoài là vào tháng 6/1993, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ nước ta thăm hữu nghị các nước Pháp, Đức, Bỉ, Anh và Cu Ba.

Ông nghĩ nếu chỉ truyền thông tin về các cuộc làm việc của đoàn thì bài viết sẽ thiếu sinh động, ít hấp dẫn người nghe, vì vậy ông đã đưa vào bài viết những quan sát tinh tế, những chi tiết bên lề mang đậm tình hữu nghị của nhân dân các nước đối với Thủ tướng và nhân dân ta. Đó chính là kinh nghiệm nghề nghiệp mà sau này nhiều đồng nghiệp đã học tập Đình Khải.

Không chỉ là một bình luận viên bóng đá được nhiều người mến mộ, ông còn thường xuyên làm thơ, viết truyện ngắn và đã xuất bản nhiều tập sách như: “Nghiệp truyền lửa” (bút ký, Nhà xuất bản Lao Động, 2006), “Vào... Lại không vào” (bút ký, Nhà xuất bản Lao Động, 2007), “Lá rụng về cội” (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Lao Động, 2008), “Đam mê” (tự truyện, Nhà xuất Lao Động, 2015), “Những đêm trắng” (tập thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016), “Bên bến sông quê” (Tập thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019), “Về với quê hương” (NXB Hội Nhà văn, 2020)... Tất cả công việc đã tương hỗ giúp ông làm tốt nhiệm vụ của mình ở Đài.

Với một nhà báo việc tạo ra một phong cách riêng là điều mà ai cũng mơ ước nhưng không phải ai cũng làm được. Nhà báo Đình Khải đã được thính giả nhớ tên, nhớ giọng và coi như một người bạn thân thiết, gần gũi của mọi nhà - đó chính là phong cách riêng mà ông tạo dựng được trong lòng công chúng và cũng là “món quà” vô giá mà nghề đã dành cho ông.

Thật đúng như nhận định của nhà báo Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam: “Với những ưu thế trời cho: Sự cảm nhận nhạy bén, trí xét đoán nhanh, ngôn từ sáng sủa, mạch lạc, giọng nói cuốn hút... cộng với quá trình không ngừng học hỏi, rèn luyện để vươn đến mức cao hơn, tốt hơn, hoàn thiện hơn, Đình Khải đã tạo được cho mình một phong cách riêng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.