23h ngày 9/2, UBND TP Thủ Dầu Một dỡ phong tỏa tại phường Phú Hòa và ĐH Thủ Dầu Một. Hàng rào, các lều cảnh sát, dân quân túc trực được lực lượng chức năng tháo gỡ, đưa lên xe chở đi.
Dù khuya, nhiều sinh viên, công nhân ở trong khu vực vẫn đợi hết cách ly để về quê ăn Tết. "Nhà em ở huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) cũng gần nên em chạy xe về nhà luôn, mấy nay ở trong phòng trọ cũng buồn", nam sinh viên nói.
Theo Sở Y tế Bình Dương, sau khi phân tích các yếu tố dịch tễ học và giải trình tự gen của virus, Viện Pasteur TP HCM khẳng định 3 bệnh nhân 1843, 1886 và 1887 đều là F1 của "bệnh nhân 1801" (người phụ nữ dự đám cưới ở Hải Dương), và là một chùm ca bệnh liên quan dịch tễ với nhau, nguy cơ cho cộng đồng không quá nghiêm trọng.
Tình hình xuất hiện dịch tại nơi các bệnh nhân sống ở huyện Phú Giáo và TP Thủ Dầu Một, sau tám ngày, cơ bản đã được khống chế. Các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân đã được cách ly tập trung.
Bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một, cho biết, trước khi ban hành quyết định dỡ bỏ phong tỏa, thành phố đã chuẩn bị các giải pháp, bảo đảm an ninh trật tự và phun xịt khử trùng trong khu vực cách ly.
Thành phố cũng yêu cầu người dân tại khu vực phong tỏa cam kết theo dõi sức khỏe hàng ngày và khai báo y tế gần nhất nếu có vấn đề về sức khỏe như sốt, ho, khó thở; nghiêm túc thực hiện 5K...
Trước đó, sau khi ghi nhận nữ sinh viên nhiễm nCoV - "bệnh nhân 1843", TP Thủ Dầu Một đã phong tỏa khu phố 5, một phần khu phố 6 và khu nhà trọ Nguyễn Ngọc Nga, hẻm 574 đường Lê Hồng Phong, khu phố 7 và một phần khu phố 3 với tổng hơn 10.000 dân trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/2.
Tổng 13 ngày từ ngày 28/1 đến 9/2, Bộ Y tế ghi nhận 483 ca nhiễm cộng đồng, ở 13 tỉnh thành gồm Hải Dương (327), Quảng Ninh (53), TP HCM (33), Hà Nội (28), Gia Lai (22), Bình Dương (6), Bắc Ninh (4), Điện Biên (3), Hòa Bình và Hưng Yên (2), Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Giang mỗi nơi một ca.