(GD&TĐ) - Chiều ngày 1.4, ông Trần Sỹ Dũng – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Bình Định cho biết: “Hồi 13h ngày 1.4, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc, 107,7 độ Kinh Đông trên vùng bờ biển các tỉnh Bình Thuận – Bến Tre.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, tức từ 62 km đến 74 km một giờ, giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 1 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 – 15 km, đi vào đất liền các tỉnh Bình Thuận – Bến Tre và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 1h ngày 2.4, vị trí trung tâm cùng áp thấp ở vào khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc, 106,0 độ Kinh Đông, trên vùng biên giới Việt Nam – Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6, tức là dưới 39 km một giờ. Do ảnh hưởng của bão số 1, khu vực tỉnh Bình Định đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, biển động. Đề nghị không cho tàu thuyền ra khơi và thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để có kế hoạch phòng tránh.”
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Bình Định, từ sáng ngày 31.3 đến 13h ngày 1.4, khu vực tỉnh Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to trên diện rộng; biển động mạnh. Theo đó, lượng mưa đo được lớn nhất là tại An Hòa huyện An Lão 147,2 mm; tại huyện Vân Canh 144,0 mm; tại Bình Nghi huyện Tây Sơn 104,2 mm; tại TP. Quy Nhơn 107,2 mm; tại huyện Hoài Ân 89,2 mm; tại huyện Phù Mỹ 83,2 mm; tại huyện An Nhơn 80,9 mm; tại huyện Hoài Nhơn 80,8 mm; tại huyện Phù Cát 64,9 mm; tại Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Thạnh 47,6 mm.
Tại TP. Quy Nhơn, sáng ngày 1.4 mưa như trút nước, đường sá vắng tanh. |
Đến thời điểm này, toàn tỉnh Bình Định có 7.756 tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy hải sản tại các vùng biển trong cả nước. Hầu hết ngư dân đang hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển đã nhận được thông tin về cơn bão số 1 và đã di chuyển tàu ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó, có 4.846 tàu với 26.586 người neo đậu và hoạt động đánh bắt thủy sản ven bờ; vùng biển ở khu vực phía Bắc từ Quảng Ngãi đến Quảng Ninh có 76 tàu với 768 người; khu vực phía Nam từ Phú Yên đến Kiên Giang có 2.360 tàu với16.178 người; khu vực quần đảo Hoàng Sa có 300 tàu với 2.550 người và khu vực quần đảo Trường Sa có 154 tàu với 1.232 người. Chiều ngày 1.4, ông Phan Tuấn – Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP. Quy Nhơn, cho biết: “Nhận được tin bão số 1, hầu hết tàu thuyền của ngư dân TP. Quy Nhơn đã vào nơi trú an toàn cách đây 2 ngày”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, do ảnh hưởng của bão, tất cả tàu thuyền hoạt động khai thác thủy hải sản của ngư dân TP. Quy Nhơn đã về neo đậu tại các khu vực của đầm Thị Nại an toàn. Ngày 1.4, ông Ngô Văn Qúy – Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, TP. Quy Nhơn cho biết: "Từ 3h sáng ngày 1.4 đến trưa nay (1.4), trên đảo Cù Lao Xanh, xã đảo Nhơn Châu có mưa to như trút, gió cấp 5, cấp 6, sóng to biển động mạnh. Chính vì vậy, tàu thuyền của ngư dân trên đảo đều vào nơi trú ẩn an toàn. Do biển động mạnh nên sáng nay 1.4, tàu thuyền của xã không thể vào được nội thành Quy Nhơn. Nhiều khả năng trong vài ngày tới, xã đảo tiếp tục bị cô lập vì biển động mạnh do ảnh hưởng bão số 1 và chuẩn bị đón đợt không khí lạnh phía Bắc tăng cường. Tuy vậy, hiện nhân dân trên đảo đã chuẩn bị lương thực và các nhu yếu phẩm không sợ đói khát”.
Cách đây 2 ngày, tàu thuyền tỉnh Bình Định đã vào neo đậu tại đầm Thị Nại, TP. Quy Nhơn để trú tránh bão số 1. |
Được biết, toàn xã đảo Nhơn Châu có gần 500 hộ với hơn 2.200 nhân khẩu. Toàn xã, hiện có 88 chiếc tàu thuyền, hầu hết có công suất nhỏ nên chỉ hoạt động đánh bắt gần bờ.
Để chủ động ứng phó với bão số 1 và hạn chế những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, sáng ngày 30.3, Sở NN-PTNT Bình Định đã có văn bản khẩn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, yêu cầu Phòng Nông nghiệp/Kinh tế, các đơn vị chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn nhân dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa Đông Xuân đã chín từ 85% theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế thiệt hại đến năng suất lúa Đông Xuân 2011 – 2012 do mưa to và gió lớn gây đổ ngã, ngập úng. Bên cạnh đó, UBND các xã, phường, thị trấn chủ động kiểm tra và có biện pháp hợp lý để hạn chế khả năng mưa lớn gây ngập, úng, trôi dạt mất giống đối với diện tích lúa Hè Thu mới gieo sạ.
Tuy nhiên, từ sáng ngày 31.3, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có mưa và gió cấp 4, cấp 5. Đến tối ngày 31.3 và sáng ngày 1,4, toàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Dù nông dân đã cố gắng thu hoạch lúa tránh ngã đổ, ngập úng, nhưng do thời gian quá ngắn nên nông dân không thể “chạy đồng” để thu hoạch lúa Đông Xuân cho kịp. Chiều ngày 1.4, ông Hồ Ngọc Hùng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết: “Sáng nay, lãnh đạo Sở NN&PTNT đã đi kiểm tra vè tình hình thu hoạch lúa Đông Xuân để tránh mưa gió gây đổ ngã do ảnh hưởng bão số 1 tại các địa phương trong tỉnh. Trong vụ Đông Xuân, toàn tỉnh gieo sạ hơn 47.643 ha lúa, đạt 101,4% so với kế hoạch và tăng 0,2% so với cùng kỳ. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch chỉ còn khoảng 14.000 ha lúa 2 vụ/năm đang vàng và chín. Do mưa to và gió nên đã làm 1/3 (khoảng hơn 4.660 ha) diện tích lúa Đông Xuân gần thu hoạch bị đổ ngã, sẽ ảnh hưởng đến chi phí công cắt lúa bằng thủ công tăng cao gấp đôi, gấp ba so với thu hoạch lúa bằng máy”.
Có thể nói, chưa có năm nào như năm nay trong thời điểm này mà tỉnh Bình Định có mưa to đến như vậy do ảnh hưởng bão. Với thời tiết thất thường và ảnh hưởng bão số 1 như vậy, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, các địa phương và các sở, ngành của tỉnh đã và đang tích cực triển khai công tác ứng phó với mưa lũ với mưa gió bất thường này./.
Phi Hùng