Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Tại đây, một trong 4 vấn đề Tổng Bí thư nhấn mạnh cần làm ngay là phát động phong trào “bình dân học vụ số”, nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân. Theo Tổng Bí thư, hiện nay còn tỷ lệ lớn người dân, kể cả cán bộ trong cơ quan Nhà nước chưa nắm vững về chuyển đổi số; trong khi đó, Bộ Chính trị đã bàn và quyết định sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia.

Với trên 25 triệu học sinh, sinh viên và khoảng 1,6 triệu nhà giáo, ngành Giáo dục chắc chắn có vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí là nòng cốt trong thực hiện “bình dân học vụ số”. Bộ GD&ĐT cũng xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần cải thiện chất lượng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục.

Cho đến nay, nhiều chính sách và quy định về chuyển đổi số được Bộ GD&ĐT ban hành, kịp thời tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này trong giáo dục. Toàn ngành đẩy mạnh số hóa; hoàn thành xây dựng 100% cơ sở dữ liệu từ mầm non, phổ thông đến đại học; dịch vụ công trực tuyến phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT mang lại hiệu quả tích cực…

Học bạ số được triển khai nhằm thúc đẩy mạnh mẽ nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành; góp phần minh bạch trong quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Ứng dụng CNTT và thực hiện chuyển đổi số trong dạy - học, quản lý giáo dục được đẩy mạnh…

Đặc biệt, một nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược đang được Bộ GD&ĐT triển khai là xây dựng Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là một trong những bước đi cần thiết để đáp ứng xu thế phát triển của thời đại, khi công nghệ số không chỉ len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống mà còn định hình lại nhu cầu, yêu cầu và cơ hội học tập, làm việc của các thế hệ tương lai.

Là một hệ thống mô tả các kỹ năng, kiến thức cần thiết để người học có thể sử dụng công nghệ số hiệu quả trong học tập, công việc và cuộc sống, khung năng lực này giúp xác định các mức độ thành thạo về công nghệ số, khuyến khích phát triển các kỹ năng phù hợp trong bối cảnh số hóa.

Tuy nhiên, nhiệm vụ chuyển đổi số nói chung, thực hiện “bình dân học vụ số” nói riêng trong ngành Giáo dục cũng đối mặt với không ít thách thức. Theo đó, nhận thức về vị trí, vai trò của ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và trang bị kiến thức, kỹ năng số chưa đến được tất cả cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, người học.

Nguồn lực đầu tư cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý, quản trị, dạy học và kiểm tra, đánh giá còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức; huy động nguồn lực xã hội hóa còn chưa thực sự hiệu quả. Hạ tầng, thiết bị phục vụ chuyển đổi số và an toàn thông tin chưa đồng đều, thiếu đồng bộ…

Có ý kiến cho rằng, cần coi “xóa mù số” diện rộng là cuộc cách mạng mới đúng xu thế. Bản chất của bình dân học vụ là giáo dục cho mọi người và mỗi người, xã hội học tập và học tập suốt đời.

Do đó, khái niệm “bình dân học vụ số” là hiện thân của tư duy này trong bối cảnh số: Người chưa tiếp cận thì có cơ hội tiếp cận; người cập nhật nhiều hướng dẫn, chia sẻ người cập nhật ít. Không phân biệt già trẻ, gái trai, lớn tuổi hay tuổi nhỏ, ai cũng có cơ hội tiếp cận môi trường số, tự cập nhật và nâng cao năng lực số trong học tập, làm việc và cuộc sống.

Để thực hiện được điều này, chắc chắn cần có quyết sách; và trong công cuộc đó không phải cứ dùng mệnh lệnh hành chính là được mà cần có sự tham gia chủ động, tích cực từ người dân ở bất kỳ vị trí, công việc nào trong xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ