Bình bát tình quê

GD&TĐ - Cứ mỗi lần về quê có dịp đi ngang nhà ngoại thì tôi lại tạt vào khu vườn của ngoại như một dịp để nhắc nhớ, ôn lại ký ức những ngày còn thơ dại.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngày đó khu vườn và hàng bình bát của ngoại như là thiên đường vui chơi của tụi tôi. Mới đó mà đã thấm thoắt hơn mười năm, bây giờ mỗi đứa một phương, mỗi công việc khác nhau, có đứa đã lập gia đình đã làm cha làm mẹ, có đứa bôn ba xứ người với nặng gánh lo toan, không còn dịp quây quần chuyện trò rôm rả như thời lên tám lên mười, cái thời không cần điện thoại, không cần Internet.

Cứ mỗi thứ Bảy, Chủ nhật ăn cơm xong là lại hẹn nhau tụ hợp ở hàng bình bát của ngoại, để chơi đủ thứ trò nào là u hơi, chọi lon, đá gà... không cần một phương tiện hiện đại không một cuộc gọi nhưng lại đúng giờ lắm. Hôm nào có đứa lại trễ thì y rằng hôm đó mình có lỗi dữ lắm.

Chưa kịp hỏi lý do thì đã lí nhí giải thích mọi chuyện rằng “Hôm nay bầy vịt của tao nó hổng có chịu nghe lời gì hết trơn hết trọi. Tao lùa tụi nó vô chuồng mà tụi nó cứ chạy ra làm tao mất cả buổi”.

Hoặc giả “Hôm nay mẹ tao đi chợ mua cái gì mà lâu quá làm tao phải ở nhà chừng mấy con gà đừng ăn lúa nên mới lại trễ”. Hầu như lý do nào cũng dễ tha thứ cũng có thể chấp nhận được.

Giận thì giận nhưng hễ thiếu người thì mất vui nên tụi nó vừa lại là tụi tôi kêu nhào vô chơi liền. Mà chơi ở hàng bình bát của ngoại thú vị thiệt, vừa mát, thoáng đãng, mà mỗi lần có cơn gió đi ngang thì như âm điệu hòa ca của gió và lá làm xào xạc hàng bình bát xanh rì.

Chơi mệt vậy chứ thằng Tèo thì lúc nào cũng là đứa thính tai lắm, đang chơi mà nghe cái bủm là nó chạy đi liền. Người mới gia nhập chơi không biết nó chạy đi đâu, chứ người cũ là biết ngay là nó chạy đi lụm trái bình bát vừa bị gió làm rơi. Mà ở quê hầu như đứa trẻ nào cũng biết cây bình bát. Không biết nó có từ khi nào mà cây bình bát đã đi vào tuổi thơ của từng đứa trẻ.

Từ chuyện chơi đùa, ăn uống đến bắt phạt hoặc chữa bệnh đều liên quan đến cây bình bát. Có những đứa lấy cây bình bát chơi đùa làm kiếm đánh nhau chí chóe rồi sau trận đánh lại quăng ở một góc nào đó làm củi cho mẹ nấu cơm.

Bữa thằng Đen mải chơi quên cho đàn heo ăn làm nó xé nát cái mùng heo mẹ nó mới may. Cha nó chạy đi kiếm mà trên tay không quên cầm theo cây roi bình bát. Thằng Đen cong đít vội chạy về nhà.

Mà cây bình bát coi thân hình cầu kỳ, xấu xí, lá hôi chứ trái thì ăn ngon ngọt lắm. Ai đơn giản chỉ cần thấy trái bình bát chín vàng bẻ ra là ăn. Còn ai cầu kỳ thì mang về tách bỏ vỏ cho ít đường ít đá là ăn ngon không thua gì đồ bán ở chợ.

Có những mùa bình bát nhiều quá ăn không hết tụi tôi cũng lụm về quăng xuống đìa cho cá ăn, con cá tra thích trái bình bát lắm. Bữa cả đám chơi vui quá, chơi từ nắng chang chang đến trời mưa rỉ rả mà chưa chịu về làm trong đám có mấy đứa đổ bệnh.

Rồi người lớn lại hái lá dại nào là lá ổi, nhãn lồng, lá sả, mà đặc biệt không thiếu thể thiếu lá bình bát, làm một nồi xông thiệt lớn cho mấy đứa đổ bệnh.

Nhờ nồi xông đó mà mấy đứa nhỏ tụi tôi lại khỏi bệnh. Hôm sau lại tung tăng chạy đi chơi mà không quên đội cái nón lên đầu không thôi lại đổ bệnh thì khổ cho người lớn phải nhọc công chăm sóc, có khi bị cầm chân cả tuần không được đi đâu chơi thì buồn lắm...

Bây giờ về lại chốn xưa, hàng bình bát năm nào vẫn còn đó, vẫn vẹn nguyên những nét xưa cũ. Nhưng những đứa trẻ ngày xưa bây giờ đã trôi về phố vào những công ty, xí nghiệp, mỗi đứa một nơi, mỗi công việc khác nhau...

Giữa những xô bồ của cuộc sống chắc rằng những đứa trẻ ngày xưa sẽ có những phút giây chợt nhớ về loài cây dại, một loài cây chẳng cao sang, hào nhoáng nhưng đã dung dưỡng tuổi thơ của những đứa trẻ ngày ấy những ký ức chẳng thể nào phai...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.