Nằm ở dưới chân núi của huyện Lương Sơn (Hòa Bình), cây sanh cổ thụ hơn 800 năm tuổi phủ bóng cả một vùng của bản Suối Cốc.
Năm 2012, cây sanh này đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Người dân Suối Cốc coi cây sanh như “báu vật” của làng. Trải qua những năm tháng chiến tranh, cây che chở cho dân làng thoát khỏi bom đạn của giặc.
Nhiều ngôi làng khác xây cổng làng bằng gạch, bê tông đồ sộ. Thế nhưng, đến bản Suối Cốc, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng chiếc cổng làng “độc nhất vô nhị” được tạo thành từ thân hai thân cây sanh cổ.
Trước kia, cây sanh có hơn 100 gốc, cành lá xum xuê, chim muông và thú rừng sinh sống nhiều. Trải qua thời gian, hiện tại cây sanh chỉ còn khoảng 35-40 gốc.
Những thân, rễ cây quấn chặt vào nhau tạo thành một khối thống nhất cắm chặt xuống lòng đất.
Cây được xác định có tuổi đời hơn 800 năm. Những vết tích thời gian in hằn trên thân cây.
Rêu mốc phủ đầy thân cây, minh chứng cho tuổi đời “xưa nay hiếm” của cây sanh bản Suối Cốc.
Những thân, cành, rễ cây sanh có hình thù rất kỳ lạ khiến người ta liên tưởng đến nhiều con vật. Có thân thì giống con rồng, thân giống con khủng long…
Dù có tuổi đời vài trăm năm nhưng cây vẫn xanh tốt, sinh trưởng mạnh, vươn lên trời cao.
Những trưa hè, mất điện, người dân bản Suối Cốc lại rủ nhau ra ngồi dưới tán cây sanh hóng gió.
Đã có thời gian, “sanh tặc” lộng hành nhưng cây sanh vẫn tồn tại sừng sững ở đó và trở thành một phần lịch sử của bản Suối Cốc.