“Nắng phủ mùa hoa” là tiếng nói của những hoài niệm, một lời nhắc nhở về những giá trị văn hóa và lịch sử, kết nối mọi người cùng suy ngẫm về những khoảnh khắc đã qua trong cuộc sống.
Tìm kiếm vẻ đẹp xa xôi của dĩ vãng
Triển lãm “Nắng phủ mùa hoa” như một sự bịn rịn khi chia xa của thiên nhiên cây cỏ với ánh nắng mặt trời. Vốn là nghệ sĩ có tiếng trong kỹ thuật vẽ ánh sáng và ánh nắng, những đóa hoa như được sưởi ấm bởi những nét bút tả thực tinh tế từ mảng màu tranh nước.
Triển lãm “Nắng phủ mùa hoa” kéo dài từ 7/12/2024 đến hết ngày 12/1/2025 tại không gian nghệ thuật Annam Gallery (TPHCM) với giá vé 50.000 đồng/người/lượt tham quan, là một trong số rất ít triển lãm mỹ thuật “dám bán vé” trong lĩnh vực nghệ thuật hội họa ở Việt Nam.
Từ trước tới nay, hoạt động triển lãm mỹ thuật ở Việt Nam thường được coi là sinh hoạt nội bộ. Có nhiều triển lãm, khách đến xem chỉ là người trong giới và đa số rất nhộn nhịp trong ngày khai mạc. Bạn bè, đồng nghiệp, người thân… đến chúc tụng, nhưng sau đó là những ngày vắng vẻ.
Công chúng có nhu cầu tham quan triển lãm mỹ thuật vốn rất ít ỏi. Mở cửa miễn phí, mời gọi đưa rước cũng chưa chắc có ai đến xem. Bởi vậy, hoạ sĩ tổ chức bán vé xem tranh, không chỉ thể hiện sự dũng cảm mà còn rất mạo hiểm.
Tuy nhiên sự dũng cảm và mạo hiểm của Đoàn Quốc hoàn toàn có lý do bởi những triển lãm trước đó đã gây tiếng vang lớn trong giới hội họa. Nhà sưu tập tranh, công chúng mộ điệu cũng đón chờ những tác phẩm mới của Đoàn Quốc để ngắm những vệt nắng, những tia sáng phủ lên căn phòng tối.
Nhà nghiên cứu Đỗ Viết Tuấn nhận định rằng, Đoàn Quốc với tài năng và cảm nhận tốt trong cách thể hiện, đã khéo léo sử dụng những gam màu nhuốm vẻ đẹp thăng trầm của thời gian, kết hợp với những nét vẽ mềm mại để tạo nên những khung cảnh đầy thơ mộng.
Việc sử dụng các kỹ thuật hiện đại trong màu nước như lớp phủ, sự chuyển tông và thủ pháp chồng lớp không chỉ làm mới hình ảnh truyền thống mà còn tạo ra những khung cảnh sống động, khiến người xem cảm nhận được sức sống mạnh mẽ trong từng tác phẩm.
Các tác phẩm trong triển lãm phản ánh một cuộc trở về, nơi họa sĩ thể hiện sự nhạy bén của bản thân đối với những vẻ đẹp xa xôi của dĩ vãng. Mỗi bức tranh dường như là một lời tự sự khiêm tốn, thể hiện cảm xúc sâu lắng của một người trẻ đang nhìn ngắm và tìm kiếm những giá trị trường tồn trong cuộc sống. Họa sĩ khai thác những hình ảnh giao thời, khắc họa những khoảng lặng của thời gian, nơi mà những ký ức và cảm xúc chồng chéo lên nhau.
“Nắng” tượng trưng cho sức sống, hy vọng và ánh sáng. Nắng không chỉ mang lại ánh sáng và ấm áp mà còn là yếu tố thúc đẩy sự sinh trưởng của cây cối, hoa lá. Trong ngữ cảnh của mùa Xuân, ánh nắng mặt trời gợi nhớ đến khởi đầu mới, sự hồi sinh và năng lượng tích cực của cuộc sống.
“Phủ” gợi lên hình ảnh bao bọc, che chở, và lan tỏa. Sự kết hợp này có thể hiểu là ánh nắng nhẹ nhàng phủ lên muôn hoa, tạo ra một không gian ấm áp, dịu dàng và thư giãn. Nó cũng phản ánh những cảm xúc nhẹ nhàng, êm ái mà mùa Xuân mang lại, như một lớp áo ấm áp phủ lên cảnh vật.
“Mùa hoa” không chỉ đơn thuần đề cập đến mùa Xuân, mà còn chứa đựng những hình ảnh tươi đẹp của thiên nhiên, của sự nở rộ và phát triển. Mùa hoa gợi nhớ đến những điều tốt đẹp, sự hạnh phúc và vẻ đẹp trong sự tương tác giữa con người và thiên nhiên. Đào, cúc, quỳnh, những loài hoa biểu trưng cho các giá trị văn hóa và cảm xúc như tình yêu, hy vọng, và sự đoàn tụ trong dịp Tết.
“Nắng phủ mùa hoa” chính là tiếng nói của những hoài niệm, một lời nhắc nhở về những giá trị văn hóa và lịch sử, triển lãm sẽ là một không gian kết nối, nơi mọi người có thể cùng nhau suy ngẫm về những kỷ niệm, những khoảnh khắc đã qua.
Những đóa hoa lơ lửng giữa thực và mộng
“Nắng phủ mùa hoa” thể hiện một cuộc trở về khám phá những hình ảnh giao thời, những gam màu nhuốm thăng trầm của thời gian, những khoảng lặng vô hình trong tâm tưởng người xem, để qua đó người ta rớt sâu vào tâm thức của chính họ.
Như một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, mảng tranh tĩnh vật thật sự là một giai điệu trẻ. Những đồ vật như những nhân chứng về lịch sử và thời gian, qua bao lần đổi chủ, sự thịnh suy thời cuộc tự thân đã cất lên tiếng nói về hoài niệm, quá khứ.
Này đây là hoa cúc, hoa hồng, hoa sen... những vẻ đẹp đã gắn bó từ ngàn xưa với con người Việt. Vẻ đẹp ấy bừng sáng, toả hương một cách vừa lặng lẽ vừa sinh động, vừa huyền bí vừa mong manh, vừa trong vừa đục, vừa thực vừa hư. Đoàn Quốc thổi hồn vào từng cánh hoa, để chúng vừa tỏa sáng rực rỡ, vừa mang trong mình sự huyền bí và tinh tế.
Hoa của Đoàn Quốc không chỉ sống động trong hiện thực mà còn lơ lửng giữa thực và mộng, giữa tự do và ràng buộc, giữa niềm kiêu hãnh vươn cao và khát khao được lặng thầm an nghỉ. Những sắc thái đối lập ấy phải chăng là chiếc gương phản chiếu sự đa đoan của kiếp người?
Phải chăng những mâu thuẫn ấy chính là tấm gương phản chiếu sự đa đoan của bao thân phận người, khi riêng lẻ đơn độc, khi quấn quýt vào nhau, nương tựa nhau để vươn về ánh sáng? Tất cả dường như là những hoài niệm trôi đi trong quá khứ khiến ta mong mỏi tìm kiếm, mong mỗi góp nhặt để rồi lưu giữ, trân trọng và trình chiếu lại bằng vẻ đẹp của hội hoạ, nơi bút pháp của sắc màu và ánh sáng tỏa lan.
Nhìn về lịch sử, hướng về hoài niệm thật ra chính là để soi rọi bản ngã của mình trong hôm nay. Biết trở về chính là để ngày mai chúng ta bước tiếp. Bởi vậy, 15 tác phẩm màu nước trên giấy trong “Nắng phủ mùa hoa”, mỗi bức tranh như một lời tự sự nhẹ nhàng, tinh tế của một tâm hồn trẻ trung nhưng đầy chiêm nghiệm.
Những bức tranh tĩnh vật như gạch nối vô hình giữa hai bờ thời gian. Các đồ vật quen thuộc như chiếc bình gốm, bó hoa dại, hay cây đèn dầu cũ không chỉ là vật thể vô tri, mà như những nhân chứng lặng lẽ của lịch sử, của những biến thiên cuộc đời. Qua bàn tay tài hoa của Đoàn Quốc, chúng kể lại những câu chuyện của chính mình, về sự thịnh suy của thời cuộc, những vòng xoay của đời người.
Qua đôi mắt của Đoàn Quốc, hoài niệm trở thành nguồn cảm hứng sống động, là chất liệu tinh khôi để tái hiện những giá trị trường tồn bằng nghệ thuật. Sắc màu, ánh sáng và cảm xúc được dệt thành những giai điệu dịu dàng, gợi lên sự đồng cảm và sự tôn kính với những gì đã qua. Nhìn lại lịch sử, hướng về hoài niệm, không phải để mãi đắm chìm trong những gì đã mất, mà là để soi sáng chính mình trong hiện tại.
“Việt hóa” kỹ thuật màu nước phương Tây
Xem “Nắng phủ mùa hoa”, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nói rằng, đó là những ánh sáng lấp lánh đằng sau tầng tầng lớp lớp màu nước, tạo nên hiệu ứng nhẹ nhàng kỳ diệu, để những đóa hoa xuân trong tranh như vẫy gọi mùa về trong con tim ngập nắng.
Dù chỉ với 15 tác phẩm, nhưng “Nắng phủ mùa hoa” được người xem ví như bữa tiệc thị giác mãn nhãn bởi sự dẫn dắt từ những lát cắt về văn hoá và lịch sử qua góc nhìn độc đáo của nghệ sĩ trẻ.
Đoàn Quốc có tên đầy đủ là Đoàn Cao Quốc, sinh năm 1996 tại Quảng Ngãi. Anh học Đại học Mỹ thuật TPHCM và hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ năm 2014. Họa sĩ Đoàn Quốc là thành viên Hội Mỹ thuật TPHCM; thành viên Internationl Watercolor Society; thành lập và quản lý Vietnam Watercolor Art.
“Với tôi, hội hoạ đến một cánh nhẹ nhàng và y hệt cách mà cuộc sống nuôi dưỡng tôi. Ngay từ hồi bé, tôi luôn bị thôi thúc bởi những hình vẽ trong sách báo hay bất cứ tạo hình xung quanh. Những điều như vậy nuôi dưỡng trí tưởng tượng và thúc đẩy những khát khao được chinh phục cuộc sống bằng thị giác trong tôi”, họa sĩ Đoàn Quốc chia sẻ.
Trong triển lãm “Tranh màu nước Quốc tế 2021” tổ chức tại TPHCM, họa sĩ Đoàn Quốc khi ấy vừa tròn 25 tuổi được Hiệp hội Màu nước Quốc tế Anh trao chứng nhận “International Watercolor Masters”, bởi sự ấn tượng từ 2 bức tranh khổ lớn (70x150cm) chất liệu màu nước mang tên “TPHCM - Khát vọng vươn cao”.
Tháng 6/2022, Đoàn Quốc mở triển lãm cá nhân đầu tay mang tên “Như một hoài niệm” gồm 21 tác phẩm bằng màu - nước - giấy, thể hiện cho cuộc trở về của một người trẻ. Họa sĩ khám phá những hình ảnh giao thời - đó là những chiếc bình gốm cổ, chiếc khăn trải bàn thời Pháp, hộp tráp, bao lì xì, những bức tranh tố nữ.
Năm 2023, Đoàn Quốc lại đem đến cho công chúng một “kỳ quan đô thị” với tác phẩm “Nơi các thành phố hội tụ” (dự án tranh 5 năm) đoạt giải Ba - Giải thưởng Sáng tạo TPHCM.
Bức tranh thể hiện 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM cùng chung trong một bố cục, thể hiện sự kết nối một mái nhà và sự phát triển song hành của đất nước. Trong tranh, Đoàn Quốc dùng hình ảnh dòng sông xuyên suốt để kết nối 3 thành phố - thể hiện văn hóa gốc lúa nước, như là nền móng của sự phát triển hiện đại.
Tháng 8/2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Đoàn Quốc cho ra mắt triển lãm “Soi tìm những hồi ức” với 31 tác phẩm trọn vẹn nhất về Hà Nội xưa, về kinh thành, với cửa ô, với những con người rất xưa trong những bộ cổ phục, trên đầu vấn khăn hay đội chiếc nón ba tầm quai thao.
Đoàn Quốc nói rằng, một tác phẩm hoàn thiện phải hội tụ được đầy đủ các yếu tố: Kỹ thuật, kỹ năng và chất liệu. Nói về chất liệu màu nước thì sẽ tương đối mới so với các chất liệu truyền thống được phát triển sớm ở Việt Nam.
Kỹ thuật màu nước của Đoàn Quốc trên nền tảng của kỹ thuật màu nước phương Tây, kết hợp với cách nhìn và văn hoá phương Đông tạo ra những tác phẩm tái hiện văn hoá thuần Việt.
Bởi kỹ thuật ấy mà những bông hoa trong tranh như tự phát sáng, dù trong lớp màu bụi vàng, chúng vừa sinh động vừa lặng lẽ lại huyền bí mong manh. Hoạ sĩ đã khai thác triệt để tính tự nhiên của chất màu và giấy, màu chiết xuất từ khoáng chất hiếm và đá quý được ưa chuộng từ thời phục hưng.
Màu nước hiện đại đã làm sống lại những tính chất quý giá, nên giữ được các hạt màu tạo hiệu ứng vỡ hạt rất đặt biệt. Nhờ đó giúp các tác phẩm mang nét hoài cổ thú vị và sắc độ sẽ được trường tồn theo thời gian.
Khác với sơn dầu, màu nước đòi hỏi ở người họa sĩ một trạng thái cân bằng và lặng lẽ xuyên suốt quá trình vẽ. Trong tranh Đoàn Quốc, tính đục - mờ - nhạt làm nền cho sự phát sáng mạnh mẽ và huyền bí nơi nhân vật chính, đôi khi là bông hoa sen, có khi là bông cúc, bông đào, cánh chim… Chính điều này lại mang đến thẩm mỹ cổ điển sang trọng cho mỗi tác phẩm.
“Nghĩ về màu nước người ta thường nghĩ về những bản phác thảo nhỏ, tốc họa, diễn họa… Còn với tranh, thường chỉ là những bức vẽ nhỏ, không mạnh về giá trị tác phẩm. Theo tôi, quan điểm này được nhìn nhận, đúc kết từ thực tế phát triển của lịch sử màu nước Việt Nam. Bởi từ trước đến nay, vẫn rất ít họa sĩ dùng màu nước trên giấy để làm sáng tác chính, chỉ mặc định vật liệu này như một công cụ bổ trợ cho việc nghiên cứu, ký hoạ. Ngay trong các trường đào tạo mỹ thuật, cũng không có khoa màu nước. Để thay đổi được suy nghĩ này và để màu nước nằm đúng vị trí của nó trong dòng phát triển chung của hội họa, tôi nghĩ mình phải thay đổi từ chính tác phẩm của mình”, họa sĩ Đoàn Quốc.