Big C tạm dừng nhập hàng may mặc Việt Nam: Lời cảnh tỉnh về chất lượng hàng Việt

GD&TĐ - Central Group (chủ sở hữu hệ thống siêu thị Big C Việt Nam) vừa có thông báo tạm dừng nhập hàng may mặc Việt Nam để xem xét điều chỉnh. Mặc dù là một hành động hết sức bất ngờ nhưng đây cũng là lời cảnh tỉnh để nhìn lại chất lượng hàng Việt Nam đang bày bán tại thị trường.

Hệ thống siêu thị Big C không còn thu hút khách như ngày mới mở cửa
Hệ thống siêu thị Big C không còn thu hút khách như ngày mới mở cửa

“Ngã ngửa”

Ngày 2/7 vừa qua, Central Group Việt Nam đã có văn bản gửi tới các nhà cung cấp hàng dệt may cho Big C Việt Nam thông báo về việc tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc. Văn bản ghi rõ: “Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của

Central Group tại thị trường Việt Nam, chúng tôi quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam kể từ tháng 7/2019”. Theo thông báo trên thì việc tạm dừng nhập hàng may mặc sẽ được thực hiện cho đến khi có thông báo mới. Central Group Việt Nam giải thích việc tạm ngừng đặt hàng nói trên là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan.

Trao đổi với báo chí, đại diện một số công ty dệt may Việt Nam cho rằng, hành động của Central Group đã đẩy hàng loạt nhà cung cấp sản phẩm may mặc Việt Nam vào khó khăn. Bởi theo họ, việc đột ngột ngưng hợp tác này gây ra nhiều thiệt hại về tài chính, đồng thời là nỗi lo việc hàng ngoại nhập sẽ thoải mái vào hệ thống siêu thị này sau khi đã đẩy toàn bộ hàng may mặc Việt Nam ra khỏi hệ thống siêu thị. “Không chỉ hàng may mặc mà các mặt hàng khác của Việt Nam trong siêu thị do nước ngoài sở hữu có thể sẽ từng bước bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập”, đại diện một công ty cảnh báo.

Các doanh nghiệp còn tỏ ra bức xúc khi biết thông tin, mục đích Big C giảm mặt bằng cho hàng may mặc để phát triển ngành điện máy. Điều này khiến các doanh nghiệp lo ngại thời gian tới không gian dành cho ngành hàng may mặc sẽ ngày càng bị thu hẹp. Được biết, có khoảng 200 doanh nghiệp may mặc nhận được thông báo với nội dung tạm ngừng đặt hàng của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa 2 bên. Quá bức xúc, hàng trăm doanh nghiệp đã tới trụ sở của Central Group Việt Nam đóng tại TPHCM để phản đối quyết định bất ngờ trên.

Theo cam kết mới nhất, Big C sẽ mở lại đơn hàng cho khoảng 150/200 doanh nghiệp dệt may Việt Nam
  • Theo cam kết mới nhất, Big C sẽ mở lại đơn hàng cho khoảng 150/200 doanh nghiệp dệt may Việt Nam

Nhìn nhận chất lượng hàng Việt

Việc Big C tạm ngừng nhập hàng may mặc Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Một bộ phận bức xúc khi cho rằng doanh nghiệp nước ngoài tẩy chay hàng Việt Nam. Bạn đọc Vũ Hải bình luận: “Người Việt dùng hàng Việt, nếu Big C không dùng hàng Việt Nam thì xin chào nhé”. Nhiều người còn kêu gọi: “Chỉ xài hàng Việt để các mặt hàng khác không thể cạnh tranh trên đất Việt”.

Trong khi đó, một bộ phận cũng nhìn nhận quyết định trên của Central Group là bình thường, bởi khi đã chuyển nhượng cho người Thái thì họ có quyền sử dụng. “Hàng họ mà chất lượng và giá cả tốt thì thì sao lại bắt người mua phải mua hàng cùng loại lại đắt hơn. Không phải sính ngoại nhưng trước khi trách họ thì ta phải tính trước đến ngày chúng ta có theo kịp họ không”, bạn Hoài Nam chia sẻ.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo - Phó Giám đốc Công ty Luật TAT Law firm cho biết, hành động từ chối nhập hàng dệt may Việt Nam của Big C có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm chuẩn mực kinh doanh. “Là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, bán hàng hóa cho người dân Việt Nam thông qua hệ thống siêu thị rộng lớn trên cả nước nhưng lại từ chối tiếp nhận những sản phẩm của nhà cung ứng đến từ Việt Nam thì không khác gì đang tuyên chiến với người tiêu dùng Việt Nam”, Luật sư Phương Thảo nhấn mạnh. Vị luật sư này cũng cho biết thêm, nếu người Việt Nam “quay lưng”, Big C sẽ phải trả giá cho hành động thiếu khôn ngoan này. 

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Mỹ Hào - một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực may mặc thắc mắc: “Việc Big C ngừng nhập hàng may mặc Việt Nam cần nhìn nhận một cách khách quan. Nếu mặt hàng đó vẫn đang bán tốt, vẫn đang mang lại lợi nhuận thì việc gì họ phải ngừng bán?”. Theo phân tích của ông Hào, trong một ngày, mỗi công nhân chỉ may được tối đa 15 chiếc áo sơ mi đạt chất lượng với tiền công khoảng 20.000 đồng/áo. Cùng với nguyên phụ liệu thì chiếc áo thành phẩm sẽ có giá khoảng 100.000 đồng. “Nếu chịu các loại thuế cùng chi phí phát sinh, những chiếc áo đó phải được bán với giá khoảng 300.000 đồng. Như vậy, những chiếc áo bán trong Big C với giá từ 150.000 đến 200.000 đồng có đủ chất lượng không”, ông Hào nói.

Cơ quan chức năng làm việc với Central Group

Việc hàng Việt bị đẩy ra khỏi hệ thống bán lẻ trên thị trường không phải là mới. “Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài cam kết ưu tiên hàng Việt nhưng thực tế họ sẽ đẩy dần ra và thay vào đó là hàng hoá ngoại nhập”, giám đốc một doanh nghiệp chia sẻ.

Liên quan tới vụ việc trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngay trong sáng 4/7, Bộ Công Thương đã có cuộc làm việc với

Central Group của Thái Lan và lãnh đạo Big C xung quanh thông báo ngừng nhập hàng dệt may của các doanh nghiệp Việt trong hệ thống của Big C. Buổi làm việc còn có sự tham dự của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Big C và các doanh nghiệp dệt may để bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan. Cũng tại buổi làm việc, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng ký thoả thuận với phía Central Group sẽ làm việc để giải quyết các vấn đề liên quan đến các thỏa thuận của các doanh nghiệp.

Chưa ngừng nhập hàng may mặc Việt

Trước làn sóng phản ứng của các doanh nghiệp cung cấp hàng may mặc vào hệ thống siêu thị Big C, Central Group Việt Nam đã có thông báo chính thức về việc đột ngột ngừng lấy hàng dệt may của các nhà cung cấp Việt Nam. Theo đó, để đảm bảo mô hình kinh doanh mới này có thể phát triển thành công, Big C Việt Nam đang xây dựng lộ trình cụ thể để hiện thực hóa kế hoạch. Tìm kiếm các nguồn cung ứng là nhà cung cấp Việt Nam là ưu tiên trong kế hoạch phát triển đó.

Ngoài ra, Big C Việt Nam cũng cho biết, doanh nghiệp đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nhất để phục vụ khách hàng. Hiện tại, Big C Việt Nam có hơn 4.000 nhà cung cấp trong chuỗi siêu thị của mình. Và đợt này, Big C Việt Nam đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhằm thỏa mãn điều kiện không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng. “Việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam”, văn bản của Central Group Việt Nam nêu rõ.

Chiều 4/7, một tin vui đã đến với doanh nghiệp may mặc Việt Nam khi lãnh đạo Bộ Công Thương thông báo Big C đã cam kết mở đơn hàng cho 50 trong số 200 doanh nghiệp may mặc của Việt Nam trong hôm nay và trong 2 tuần tới sẽ mở thêm đơn hàng cho khoảng 100 nhà cung cấp khác. Như vậy sẽ có 150 nhà cung cấp sẽ tiếp tục cung cấp hàng cho Big C. Còn 50 nhà cung cấp khác Big C sẽ làm việc kỹ hơn để bảo đảm yêu cầu về việc cấp hàng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ