“Biết sử dụng bao cao su quan trọng hơn biết dùng smart phone”

GD&TĐ - Từng tiếp xúc với rất nhiều học sinh trong vai trò chuyên gia tâm lý, cố vấn tâm lý, ThS Phan Thị Hoài Yến (khoa Tâm thể, Bệnh viện quận Thủ Đức TPHCM) nhận thấy, học sinh bây giờ không phải không biết về tình dục mà biết rất nhiều và rất rõ, nhưng không phải từ nguồn chính thống. Bà đã dành một cuộc trao đổi cởi mở về vấn đề này với Báo GD&TĐ.

ThS Phan Thị Hoài Yến
ThS Phan Thị Hoài Yến

- Bà đánh giá như thế nào về hiểu biết tình dục của học sinh hiện nay?

- Theo tôi học sinh bây giờ có quan hệ tình dục khá mở. Tôi không có số liệu cụ thể nhưng khi hỏi các em về hiểu biết tình dục như thế nào thì tôi thấy các em khá nhiều kiến thức và khá sẵn sàng chia sẻ về chuyện này. Ví dụ như “Con hiểu thế nào về quan hệ tình dục?” thì em trả lời: “Hai người yêu nhau thì quan hệ thôi”. Không phải là hôn nhau, hôn má, hôn môi, cầm tay nữa mà rất rõ ràng là quan hệ tình dục đúng nghĩa giao hợp. Trẻ bây giờ biết nhiều hơn những gì người lớn nghĩ và tỷ lệ đó không hề nhỏ, đặc biệt ở độ tuổi lớp 11, 12.

Tôi nhớ có lần làm về sức khỏe sinh sản cho học sinh phổ thông, khi chia sẻ về vấn đề này, tôi thật sự bất ngờ khi các em hiểu rất rộng và rõ về quan hệ tình dục. Mình cứ nghĩ các em không biết gì nhưng thật ra các em biết hết, thậm chí biết rất nhiều, rất rành. Vấn đề mình đưa đến cho các em là từ lý thuyết đến thực hành làm sao cho an toàn nếu như nó có xảy ra, đồng ý làm chuyện đó khác như thế nào với việc bị cưỡng ép làm và phải hướng cho các em biết có trách nhiệm với những gì mình đã làm.

- Những hiểu biết của trẻ được đến từ nguồn nào thưa bà? Và những hiểu biết có có thật sự có giá trị với cuộc sống của chúng?

- Có quá nhiều nguồn cho trẻ tìm hiểu về tình dục, từ Internet, phim ảnh cho đến bạn bè, bạn xã hội. Điều đáng buồn là hầu như các hiểu biết đó không đến từ cha mẹ hay thầy cô giáo. Đây là một thực trạng. Cha mẹ né tránh; giáo viên thật sự cởi mở về vấn đề này lại không có nhiều trong khi đáng lẽ chuyện này phải do người lớn – những người thật sự hiểu biết và đáng tin cậy - cung cấp cho các em. Không phải chỉ nói cho có hay nói theo kiểu răn đe dọa nạt, bởi điều đó không có tác dụng. Đó phải là một cuộc nói chuyện nghiêm túc, cởi mở chứ không phải nói rồi bỏ đó, nói cho nó sợ.

Tôi vẫn thường nói với các em rằng bây giờ ai cũng biết xài smart phone hết, nếu ai không biết thì bị chê cười. Nhưng nếu hỏi có ai biết sử dụng bao cao su không thì các em lại cảm thấy đó là cái gì rất xa lạ. Không biết xài smart phone thì không phải người hiện đại trong khi không biết dùng bao cao su lại là bình thường. Tôi thì quan niệm hoàn toàn ngược lại: Phải biết xài bao cao su hơn biết xài smart phone. Bởi nếu không dùng bao cao su sẽ dẫn đến những hậu quả trầm trọng hơn rất nhiều.

- Khoảng trống hiện nay giữa cha mẹ, thầy cô và học sinh về vấn đề này rất lớn có phải không thưa bà?

- Đúng như vậy. Bởi họ vẫn nghĩ đây là chuyện của người lớn, họ vẫn xem các em là đối tượng chưa nên biết, thậm chí không cần được biết. Trong khi từ lớp 7, lớp 8, có thể trẻ đã biết rung động khi được một bạn cầm tay, biết thích biết nhớ thì người lớn lại dạy cho trẻ rằng đó là những hành vi không tốt, trong khi cần phải dạy cho trẻ rằng đó là biểu hiện của sự yêu thương và dạy trẻ yêu thương như thế nào là giới hạn, yêu thương như thế nào thì được phép. Chính vì người lớn không dạy cho trẻ cách yêu thương như thế nào là đúng ngay từ nhỏ nên khi có những thay đổi trong tâm sinh lý, khi có những tiếp xúc khác giới, trẻ sẽ dễ nghiêng về suy nghĩ tính dục hơn là thể hiện sự quan tâm, lo lắng, chia sẻ.

Chính vì quan niệm coi các em là trẻ con, không cần biết đến tình dục khiến khoảng cách giữa cha mẹ, thầy cô và con cái ngày càng xa và tình trạng này sẽ còn kéo dài bởi đối với hầu hết người lớn hiện nay vẫn quan niệm tình dục là một điều gì đó cấm kỵ, không sạch đẹp, không thể dạy một cách đàng hoàng được vì liên quan đến đạo đức, chuẩn mực, vì những suy nghĩ như “mất trinh trước khi cưới”…

Tôi đã từng tiếp xúc với một ông bố nổi khùng lên khi thấy trong balo con trai mình có bao cao su. Tôi nói: Anh phải thấy vui, thấy mừng vì con anh có ý thức bảo vệ mình và bạn gái. Chưa biết cậu bé đó có sử dụng bao cao su hay không, nhưng ít ra cậu đã có ý thức đúng về vấn đề tình dục an toàn. Thế nhưng ông bố này rất giận dữ và liên tục nói: “Không được, nó không được, nó còn phải học”. Như vậy làm sao có thể khiến trẻ tin tưởng và chia sẻ cùng người lớn?

- Trẻ cần phải học về giới tính, tình dục như thế nào thưa bà?

- Để sẵn sàng giáo dục cho con mình về vấn đề này, đối với cha mẹ là việc cực kỳ khó khăn. Tôi chưa nói đến các vùng nông thôn xa mà ngay ở thành phố, không phải cha mẹ nào cũng sẵn sàng cởi mở điều đó với con cái, không phải giáo viên nào cũng sẵn sàng trở thành nơi để học sinh có thể tin tưởng hỏi chuyện này.

Đứa trẻ quá ngại để chia sẻ bởi người lớn cho rằng đây là chuyện cấm nên nó sẽ tìm từ những nguồn không chính thống khác. Đứa trẻ cần phải được hiểu một cách rõ ràng rằng, khi con gái bắt đầu có kinh nguyệt lần đầu tiên tức là có nguy cơ mang thai, một bé nam khi bắt đầu xuất tinh, có tinh trùng là hoàn toàn có khả năng làm bố cho dù là 12, 13 hay 15 tuổi. Quan trọng là nhiều trẻ không được dạy và không ý thức được điều này.

Chúng tìm đến những thông tin như “chỉ quan hệ bên ngoài thôi” hay “chỉ cọ cọ vào nhau thôi nên không thể có em bé” để dạy nhau. Không ai đưa ra thông tin chính xác và hướng dẫn cụ thể cho chúng. Vì thế, cần phải đưa vấn đề này một cách nghiêm túc như một môn học trong nhà trường, có thể như chương trình ngoại khóa, nhưng cần phải được dạy một cách bài bản, nghiêm túc, cởi mở, cụ thể và chính xác.

Để làm được điều đó, bản thân người dạy phải vượt qua được sự ngượng ngùng, trở ngại của bản thân. Rõ ràng người lớn chúng ta ai cũng đã từng trải qua tuổi thơ, trải qua những cảm xúc rung động đầu đời, đi qua những giai đoạn của trẻ con tại sao không hiểu những điều đó cho chính con em mình mà lại quay ngược trở lại cấm đoán trẻ thay vì hướng dẫn rõ ràng và cụ thể? Càng cấm đoán, chúng càng tò mò muốn tìm hiểu và khám phá bằng mọi cách.

Lứa tuổi học trò cần được trang bị kiến thức căn bản từ gia đình đến nhà trường về vệ sinh cũng như bảo vệ bản thân. (Ảnh minh họa)
Lứa tuổi học trò cần được trang bị kiến thức căn bản từ gia đình đến nhà trường về vệ sinh cũng như bảo vệ bản thân. (Ảnh minh họa) 

- Bà đánh giá thế nào về vai trò của gia đình, đặc biệt là của cha mẹ, trong việc định hướng cho con cái các vấn đề liên quan đến tìn dục và sức khỏe sinh sản?

- Vai trò của cha mẹ trong chuyện này vô cùng quan trọng, phải dạy trẻ ngay từ rất nhỏ. Hiện nay cha mẹ dạy con rất tốt về việc không cho người lạ chạm vào cơ thể hay cách trẻ bảo vệ bản thân trước các đối tượng không phải ruột thịt… thế nhưng lại không hề dạy trẻ biết rằng, khi một người bạn yêu quý ôm hôn con thì con sẽ có những cảm xúc, rung động như thế nào.

Nó rất khác biệt so với cái ôm hôn của cha mẹ hay anh hai, chị hai, nhưng phải cho trẻ hiểu đó là cảm xúc bình thường và phải dạy cho trẻ những cảm xúc đó sẽ đưa mình đi đến đâu nếu như mình làm những hành vi này, biết dừng ở đâu là tốt đẹp, và nếu có lỡ đi xa hơn nữa thì làm như thế nào để có trách nhiệm với việc này cho tốt hơn, để bảo vệ cho mình và bạn của mình.

- Những sai lầm lớn nhất của cha mẹ trong giáo dục giới tính cho con hiện nay là gì, thưa bà?

- “Mẹ con nói tinh trùng là con trùng nó thành tinh, phải tránh xa ra”, “Mẹ con không cho đi bơi, nói đi bơi có con trai bơi cùng là có thai đó”… những câu nói này không hiếm gặp ngay cả trong thời điểm hiện tại.

Điều rất lạ là đối với không ít gia đình, tình dục là một chuyện cấm kỵ, không được bàn thảo trước mặt con cái nên không bao giờ có chuyện cha mẹ tâm sự, chia sẻ kiến thức giới tính cho con.

Có những bạn nữ 18, 19 tuổi mà thiếu hụt trầm trọng những kiến thức cơ bản về vệ sinh cá nhân. Tôi đi tiếp xúc học sinh, sinh viên, có nhiều bạn nữ đến giờ vẫn được dạy là những ngày có kinh phải kiêng tắm gội. Tôi phải dạy lại các em từ những điều nhỏ nhất như có kinh không phải là cái gì xấu xa hay bẩn thỉu, những ngày đó cơ thể có mệt mỏi đôi chút vì mất máu, vì thay đổi nội tiết thì càng phải uống nhiều nước, tắm gội hàng ngày cho sạch sẽ, ăn những thức ăn bổ máu.

Quần lót phải giặt bằng dầu gội hoặc sữa tắm, phơi trên cao chỗ có ánh nắng, tuyệt đối không được nhét nhét giấu giấu phơi đồ lót trong góc nhà góc phòng cho sinh bệnh. Cứ 6 tháng một lần phải mua đồ lót mới, thay toàn bộ quần nhỏ để giữ vệ sinh. Những điều cơ bản như thế các em còn chưa biết thì nói gì đến việc an toàn tình dục.

Chính từ những sự bưng bít thông tin của phụ huynh, cho rằng con mình còn nhỏ, không được yêu sớm, không cần phải biết về tình dục nên thay vì dạy dỗ đúng cách, nhiều bậc cha mẹ hù dọa con thái quá rằng đi bơi cùng con trai cũng có thai, hay tinh trùng là con trùng thành tinh, phải tránh cho xa. Những kiến thức sai lệch này sẽ khiến cho trẻ hiểu sai về bản chất vấn đề, nên khi tiếp xúc bạn bè, tiếp xúc với mạng xã hội, các em sẽ có chiều hướng tự dạy nhau, tự chỉ nhau và không còn tin vào người lớn.

- Tôi chứng kiến trong một buổi tư vấn tâm lý, tiếp xúc cùng học sinh, khi được chuyên gia tâm lý hỏi: Trong hội trường này, bạn trai nào đã từng sử dụng bao cao su thì cả hội trường mấy trăm người, chỉ có duy nhất một cánh tay giơ lên. Hoặc khi hỏi các bạn nữ: Đã có bạn nào từng quan hệ tình dục, thì hầu hết các bạn đều đỏ mặt né tránh. Theo bà đây có phải là hệ lụy của một quá trình dạy dỗ “không đến nơi đến chốn” của người lớn đối với con trẻ?

- Tâm lý xấu hổ, né tránh ăn sâu từ cha mẹ đến con cái khiến chúng ta không dám nhìn thẳng vào vấn đề. Từ không nhìn thẳng vấn đề dẫn đến việc không thể dạy dỗ và khuyên bảo đúng cách.

Đừng nghĩ học sinh bây giờ không biết gì, chúng biết rất nhiều và rất cụ thể chứ hoàn toàn không mơ hồ, ví dụ như quan hệ tình dục là bắn tinh trùng vào âm đạo của bạn nữ, thậm chí sẵn sàng liệt kê cho tôi các tư thế quan hệ. Điều này cho thấy, cha mẹ, thầy cô cần phải hiểu, tầm hiểu biết của giới trẻ hiện nay đang ở mức độ nào để có những hướng dẫn hay chỉ bảo cho phù hợp. Mà hướng dẫn, chỉ bảo đó phải hoàn toàn nghiêm túc, chính xác với thái độ tôn trọng trẻ và thẳng thắn. Khi trẻ thấy được tôn trọng, được lắng nghe, chúng sẽ chia sẻ.

- Xin cảm ơn bà.

Tôi vẫn thường nói với các em rằng bây giờ ai cũng biết xài smart phone hết, nếu ai không biết thì bị chê cười. Nhưng nếu hỏi có ai biết sử dụng bao cao su không thì các em lại cảm thấy đó là cái gì rất xa lạ. Không biết xài smart phone thì không phải người hiện đại trong khi không biết dùng bao cao su lại là bình thường. Tôi thì quan niệm hoàn toàn ngược lại: Phải biết xài bao cao su hơn biết xài smart phone. Bởi nếu không dùng bao cao su sẽ dẫn đến những hậu quả trầm trọng hơn rất nhiều.                       ThS Phan Thị Hoài Yến

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ