(GD&TĐ) - Grigori Perelman, nhà toán học lỗi lạc ở St. Peterburg (Nga), nhân vật nổi tiếng trên toàn thế giới, sau khi đã chứng minh được giả thuyết Poincaré từng gây xôn xao dư luận rồi từ chối nhận giải thưởng của hội Toán học thế giới. Mới đây, Perelman đã hé lộ lý do từ chối số tiền thưởng 1 triệu đô la, mặc dù ông và người mẹ đang sống trong cảnh bần hàn.
Phút trải lòng hiếm hoi
Theo báo Komsomolskaya Pravda của Nga, nhà khoa học thích sống ẩn dật này đã trải lòng với một phóng viên và một đạo diễn của công ty điện ảnh đang thực hiện một bộ phim tư liệu về ông.
Đầu tiên, phóng viên báo đã tiếp xúc với bà mẹ của Grigori Perelman thông qua cộng đồng người Do Thái ở St. Peterburg. Sau đó, bà này nói chuyện lại với con trai mình và cuối cùng, nhà toán học lừng danh đồng ý cho nhà báo phỏng vấn. Điều này hoàn toàn bất ngờ vì từ ngày công bố giải thưởng đến nay, ông chưa hề có cuộc tiếp xúc nào với giới báo chí.
“Perelman tạo ấn tượng về một người đàn ông bình thường, thật sự khoẻ mạnh. Ông tỏ ra thực tế, thực dụng và rất nhạy bén nhưng không kém phần đa cảm. Những gì mà giới truyền thông đồn đại và viết về ông như một người “hâm” là hoàn toàn không căn cứ. Ông ta biết những gì mình đang muốn và biết cách để đạt được điều đó”- phóng viên báo Komsomolskaya Pravda mô tả như vậy sau cuộc phỏng vấn. Được biết, bộ phim tư liệu đề cập ở trên thì không nói về cuộc đời của Grigori Perelman mà chỉ tập trung vào việc hợp tác và nỗ lực làm việc giữa 3 trường phái toán học chính trên thế giới : Nga, Trung Quốc và Mỹ. Ba trường phái này được xem là tiến bộ nhất về mặt học thuật và kiểm soát vũ trụ.
Khi được hỏi vì sao lại từ chối giải thưởng 1 triệu đô la, Perelman trả lời: “Tôi biết cách kiểm soát vũ trụ. Tại sao tôi lại phải nhận 1 triệu đô la?”. Perelman cũng cho biết, ông không giao tiếp với các nhà báo, bởi vì họ không hề quan tâm đến khoa học. Thay vào đó, họ chỉ muốn biết những chi tiết đời thường và cuộc sống cá nhân của ông. Họ chỉ muốn biết vì sao ông từ chối số tiền lớn như vậy và thắc mắc ông có cắt tóc và cắt móng tay hay không. Nhà khoa học cũng thổ lộ rằng ông cảm thấy bị xúc phạm khi giới truyền thông gọi ông với cái tên cụt ngủn là Grisha (dạng rút ngắn của Grigori).
Cũng trong cuộc phỏng vấn, mà phần trích dẫn đã được đăng trên tờ Komsomolskaya Pravda, Perelman nói rằng ông đã huấn luyện bộ não của mình kể từ những năm còn đi học phổ thông. Nhớ lại thời điểm khi đại diện cho Liên Xô trước đây nhận huy chương vàng tại cuộc thi toán quốc tế tổ chức ở Budapest (Hungary), ông nói: “Chúng tôi đã cố gắng làm sáng tỏ những công việc yêu cầu tư duy trừu tượng. Cần phải tưởng tượng về một bộ phận của thế giới để tìm ra giải pháp đúng. Bạn có nhớ câu chuyện trong Kinh thánh về chúa Jesus đi trên nước? Tôi đã phải tính toán vận tốc mà ngài đã di chuyển mà không bị rơi xuống nước”.
Sau thời điểm này, Perelman cống hiến hết sức mình để nghiên cứu trạng thái tự nhiên không gian 3 chiều của vũ trụ. Nhà khoa học này đã làm đề án của mình dưới sự hướng dẫn của Viện sĩ hàn lâm Aleksandrov. Ông nói : “Đề tài không khó: Bề mặt hình yên ngựa trong hình học Euclide. Bạn có thể tưởng tượng bề mặt của không gian không đều và có kích cỡ bằng nhau trong vô cực? Chúng tôi phải đo lường sự trống rỗng giữa chúng. Tôi đã học được cách tính toán các lỗ hổng này. Tôi và các đồng nghiệp của tôi đang nghiên cứu những cơ chế lấp đầy các khoảng trống về mặt kinh tế và xã hội. Khoảng trống có ở khắp mọi nơi, nó thể được ước định và điều này mở ra những cơ hội to lớn”. Perelman nói nghiên cứu của ông có thể mở đường cho sự ra đời của những ứng dụng quan trọng trong nhiều lĩnh vực - từ công nghệ nano tới các bộ môn khoa học xã hội. Nó sẽ giúp nhân loại hiểu bản chất tự nhiên của vũ trụ. Do hoạt động nghiên cứu quá thú vị nên ông không còn thời gian cho những vấn đề khác. Và ông lặp lại: “Tôi biết cách kiểm soát vũ trụ. Tại sao tôi lại phải chạy theo 1 triệu đô la?”.
Theo tờ báo trên, cả các cơ quan nghiên cứu đặc biệt ở nước ngoài và Nga đều đang cho thấy mối quan tâm của họ về các khám phá của Perelman. Cho rằng nhà khoa học này đã sở hữu các kiến thức siêu việt để giúp thực hiện những công trình đầy tính sáng tạo, các cơ quan đặc biệt cần biết liệu Perelman và các kiến thức của ông có thể đe dọa nhân loại hay không. Với sự hiểu biết sâu rộng của mình, ông có thể xếp vũ trụ thành một điểm và sau đó bung nó ra… Nhân loại liệu có tồn tại sau một tiến trình dị thường như vậy? Chúng ta có cần phải kiểm soát vũ trụ hay không?
Sự hoài nghi quanh bài phỏng vấn
Nội dung cuộc phỏng vấn trên đã được các blogger ở Nga “soi” rất kỹ. Điều này cũng dễ hiểu vì Perelman đã là đối tượng được quan tâm toàn cầu sau khi từ chối giải thưởng do Viện Toán học Clay ở Cambridge, Massachusetts trao cho bất cứ ai tìm ra lời giải cho giả thuyết Poincaré.
Nhiều blogger cho rằng, có thể đoạn trích cuộc phỏng vấn đăng trên Komsomolskaya Pravda, một tờ báo khổ nhỏ có nhiều độc giả, là giả tạo. “Có quá nhiều sự khập khiễng, những phát biểu mâu thuẫn và ngớ ngẩn trong bài phỏng vấn. Tôi không biết liệu phóng viên là người thực hiện hay là có một người nào đó gửi bài trả lời phỏng vấn đến cho anh ta. Cũng có thể có một người nào đó tự nhận mình là Perelman. Tôi hoàn toàn không hiểu vì sao một bài báo như vậy lại xuất hiện trên một trong những tờ báo uy tín nhất nước. Rõ ràng nó đã không được thẩm tra kỹ lưỡng”- một blogger viết.
Masha Gessen, một nhà báo từng viết một quyển sách về Perelman, cũng lưu ý về những mâu thuẫn trong bài phỏng vấn Perelman. Gessen đã tìm ra 6 điểm không hợp lý trong bài báo, trong khi blogger nói trên đã chỉ ra đến 13 điểm mâu thuẫn. Đặc biệt theo các cư dân mạng, một điều lạ là một nhà khoa học lỗi lạc khi đề cập đến câu chuyện chúa Jesus đi trên nước lại cho đó là một vấn đề toán học gay go. Trong khi vấn đề này, theo blogger trên, đã được giải đáp cách nay 200 năm và hiện nay, một đề bài như vậy, một học sinh lớp 8 cũng có thể giải dễ dàng. “Thật kỳ lạ khi ông đưa ra một ví dụ về vấn đề toán học phức tạp nhưng nó lại là điều bình thường trong chương trình giảng dạy vật lý ở trường phổ thông hiện nay”- blogger nói.
Và điều mà nhiều blogger cho rằng “quái lạ và không thể có” là Perelman đã nói về “giả thuyết Poincaré” trong bài phỏng vấn. “Ông ta đã chứng minh được giả thuyết, vì vậy nó đã trở thành định lý”.
Ngoài ra, những người hoài nghi cũng cho rằng lý do mà Perelman đưa ra cho việc không tiếp xúc với giới truyền thông là không thỏa đáng. Không phải ai cũng muốn khai thác đời tư của ông mà phớt lờ thành tựu khoa học của ông. Chuyện ông không thích các nhà báo Nga gọi ông là Grisha cũng khá vô lý. Perelman thường ký “Grisha” trong các email của mình. Ngoài ra, tên này cũng được ông ký dưới nhiều bài báo quan trọng.
Grigori Yakovlevich Perelman sinh ngày 13 tháng 6 năm 1966), đôi khi còn được biết đến với tên Grisha Perelman, là một nhà toán học người Nga có nhiều đóng góp đến hình học Riemann và tô pô hình học. Đặc biệt, ông đã chứng minh giả thuyết hình học hóa của Thurston, đưa đến việc chứng minh giả thuyết Poincaré. Vào tháng 8 năm 2006, Hội liên hiệp Toán học quốc tế tuyên bố trao Huy chương Fields cho ông. Perelman đã từ chối giải và không có mặt tại hội nghị. Vào ngày 22 tháng 12 năm 2007, tạp chí Science đã công nhận chứng minh của ông về giả thuyết Poincaré là “đột phá của năm” (Breakthrough of the Year), sự công nhận đầu tiên cho lĩnh vực toán học. Ngày 18 tháng 3.2010, Viện Toán học Clay tuyên bố ông hội đủ điều kiện để nhận giải Thiên niên kỷ đầu tiên trị giá 1 triệu USD, vì đã chứng minh được giả thuyết Poincaré. (Theo Wikipedia) |
Minh Thư (Theo Pravda)