Ấn Độ cảnh báo về biến thể Delta Plus
Một loạt bang tại Ấn Độ ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng có tên Delta Plus, 40 ca nhiễm biến thể này đã được báo cáo. Phiên bản đột biến mới của biến thể Delta khiến Ấn Độ đứng trước nguy cơ hứng chịu làn sóng dịch lần 3 tại đất nước tỷ dân này.
Ngày 20/6, ngành y tế Ấn Độ lần đầu tiên phát đi cảnh báo về các trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tên gọi là Delta Plus.
Đây là thể mới nhất của biến thể Delta đã được phát hiện trước đó tại Ấn Độ. Các nhà chức trách địa phương đã lập nhiều khu cách ly, phong tỏa tại những nơi phát hiện ra biến thể này.
Biến chủng Delta plus đã tìm thấy ở 11 quốc gia trên thế giới
Nếu biến chủng Delta đã xuất hiện ở 80 quốc gia, Delta plus đã được tìm thấy ở 11 quốc gia trên thế giới. Nó đang là chủng có tốc độ lây lan mạnh mẽ và khiến đại dịch đang quay trở lại Vương quốc Anh, Mỹ và Ấn Độ.
Biến chủng này được xác định là B.1.617.2.1 hoặc AY.1 - viết tắt là Delta plus, một phiên bản của biến chủng Delta phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 2.
Delta plus được báo cáo lần đầu tiên bởi Cơ quan y tế công cộng Anh ngày 11/6, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, biến thể này có thể đã xuất hiện tại Anh và lây lan từ ngày 26/4.
Đến nay, khoảng 200 trường hợp mắc Delta plus được phát hiện ở 11 quốc gia, đã có hàng chục người mắc bệnh và một vài trường hợp tử vong được báo cáo ở Ấn Độ.
Biến thể Delta plus nguy hiểm thế nào?
Tất cả các biến thể đều mang các cụm đột biến. Delta Plus có một đột biến bổ sung được gọi là K417N, giúp phân biệt nó với biến thể Delta thông thường. Đột biến này ảnh hưởng đến protein gai - một phần của virus gắn vào các tế bào mà nó lây nhiễm.
Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về COVID-19, nói thêm rằng nhóm của ông đang "xem xét những đột biến cụ thể này, ảnh hưởng về sự lây truyền, mức độ nghiêm trọng và xem những đột biến này có ý nghĩa gì đối với các biện pháp đối phó y tế”.
Trong khi đó, biến thể Delta thông thường, còn được gọi là chủng B.1.617.2, tiếp tục lây lan nhanh chóng. Nó đã được ghi nhận ở hàng chục quốc gia và có khả năng lây truyền cao hơn từ 40% đến 60% so với biến thể Alpha lần đầu tiên được xác định ở Anh.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Trên toàn cầu hiện đang có rất nhiều mối quan tâm về biến thể Delta và WHO cũng lo ngại về nó”. "Delta là biến thể dễ lây truyền nhất trong số các biến thể được xác định cho đến nay".
Giám đốc của WHO cũng cảnh báo rằng, Delta sẽ là mối đe dọa lớn trong khu vực khi nhiều quốc gia chuẩn bị nới lỏng các lệnh hạn chế và việc đi lại xuyên biên giới. Tính đến nay, biến thể Delta chiếm 10% các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Mỹ.
Hiện có 4 biến thể SARS-CoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng lo ngại bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta được phát hiện lần đầu tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. Trong đó, biến thể Delta được coi là nguy hiểm nhất, là chủng lây nhiễm chủ đạo trên toàn cầu, theo cảnh báo mới đây của WHO.
Delta có 2 đột biến khiến nó nguy hiểm hơn phần còn lại gồm đột biến L452R (khiến virus dễ lây lan từ người sang người hơn) và đột biến E484Q (giúp virus tăng khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch, ngay cả người đã mắc Covid-19 cũng có khả năng bị nhiễm biến thể này).
Ngoài những tính chất của Delta, biến thể Delta Plus còn chứa một đột biến bổ sung được gọi là K417N, được tìm thấy trong các biến thể Beta và Gamma. Beta có liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong trong đợt nhiễm bệnh đầu tiên ở Nam Phi, trong khi Gamma được cho là có khả năng lây truyền cao.
Ấn Độ cho biết, "các biến thể Delta plus khác với các đột biến khác" và AY.1 là loại được biết đến nhiều nhất hiện nay.
Theo cơ quan giải trình tự bộ gene Covid-19 của Ấn Độ, biến thể Delta plus có một số đặc điểm đáng lo ngại như tăng khả năng lây truyền, liên kết mạnh hơn với các thụ thể của tế bào phổi và giảm khả năng đáp ứng kháng thể đơn dòng trong liệu pháp điều trị Covid-19.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định được liệu đột biến có ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin hay không– nhưng Giáo sư về hô hấp tại Đại học Leicester Julian Tang cảnh báo rằng biến chủng này có thể lẩn trốn vắc xin.
Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ bằng chứng để kết luận điều gì, các chuyên gia đều bày tỏ sự thận trọng. Chính phủ Ấn Độ cho biết loại biến chủng này đang được tiếp tục giám sát.
Hiện các chuyên gia y tế đều coi Delta là biến thể virus SARS-CoV-2 nguy hiểm nhất trên thế giới. Tại Anh, 98% các ca mắc Covid-19 mới đều là do biến thể Delta gây ra.
Tại Bồ Đào Nha, con số này là 96%. Với khả năng lây nhiễm cao, biến thể Delta có nguy cơ đảo ngược cả những thành quả chống dịch khá ấn tượng tại các quốc gia có độ tiêm chủng nhanh như Mỹ và châu Âu.
Cả Delta hay Delta plus đều là những “kẻ thù giấu mặt”, có thể khiến đại dịch quay trở lại trong thời gian tới nếu các quốc gia không tăng tốc chương trình tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19.
Tiến sĩ Chandrakant Lahariya, một bác sĩ và nhà dịch tễ học, chuyên gia về vắc xin tại New Delhi chia sẻ với CNBC ngày 24/6 rằng: Khuyến khích người dân các quốc gia nên tuân theo các biện pháp phòng dịch và thực hiện tiêm vắc xin càng sớm càng tốt.
Theo phân tích từ Bộ Y tế Công cộng Anh được công bố vào tuần trước, hai loại vắc xin Pfizer-BioNTech và Oxford-AstraZeneca có hiệu quả cao trong việc ngăn bệnh diễn biến nặng từ biến thể Delta.
Hiện Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể Delta Plus mới.