Ấn Độ lo ngại biến thể Delta mới, người Nga không tiêm vắc xin Covid-19 có thể bị phân biệt đối xử

GD&TĐ - Theo Worldometer, số ca mắc Covid-19 toàn cầu đã tiến sát 180 triệu ca, gồm hơn 361 ngàn ca mới. Số ca tử vong là 3.897.123 ca, gồm 7.947 ca mới.

Ấn Độ thử nghiệm phân phối vắc xin bằng máy bay không người lái đến những nơi xa xôi.
Ấn Độ thử nghiệm phân phối vắc xin bằng máy bay không người lái đến những nơi xa xôi.

Tại Mỹ, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết biến thể Delta của virus corona lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ là mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực của Mỹ trong việc loại bỏ đại dịch.

Ông cho biết, các loại vắc xin tại Mỹ như Pfizer-BioNTech có hiệu quả chống lại biến thể mới: “Chúng ta có các công cụ, vì vậy hãy sử dụng chúng và dập tắt sự bùng phát”.

Mỹ hiện không đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% người lớn vào ngày 4/7 và có thể sẽ cần thêm vài tuần nữa để đạt được mục tiêu này – cố vấn cấp cao về Covid-19 tại Nhà trắng Jeffrey Zient cho hay. Trong khi đó nhà khoa học đứng đầu của WHO cho biết biến thể Delta đang trở thành phiên bản thống trị toàn cầu.

Tại Ấn Độ, các quan chức báo cáo biến thể virus corona mới là “Delta plus” đáng lo ngại. Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế liên bang Rajesh Bhushan cho biết đã phát hiện 16 ca mắc biến thể này là đột biến B.1.617.2 ở bang Maharashtra vào hôm qua.

Delta plus được xem là dễ lây truyền hơn so với biến thể Delta ban đầu. Các nhà khoa học cho rằng 2 liều vắc xin của Oxford - AstraZeneca và Pfizer-BioNTech hiệu quả chống lại biến thể Delta nhưng cần thêm dữ liệu để xem xét về các biến thể mới.

Tại Nga, Điện Kremlin cho biết những người không tiêm vắc xin Covid-19 hoặc không có miễn dịch sẽ không được làm việc ở mọi nơi tại Nga và họ có thể bị phân biệt đối xử.

Tổng thống Putin trước đó cảnh báo tình hình virus corona ở một số khu vực của Nga đang trở nên tồi tệ và nhà chức trách bắt đầu khuyến khích người tiêm chủng bằng cách tạo cơ hội sở hữu xe hơi, nhà cửa..

Điện Kremlin cho rằng số ca mắc tăng lên là do người dân ngại tiêm chủng. Hiện Nga đã phê duyệt 4 loại vắc xin sản xuất trong nước và bán vắc xin Sputnik hàng đầu của mình ra nước ngoài.

Tại Nhật Bản, hàng nghìn công ty Nhật Bản đã bắt đầu phân phối vắc xin Covid-19 cho nhân viên và gia đình họ trong một chiến dịch tiếp cận hơn 13 triệu người nhằm cải thiện việc triển khai vắc xin chậm chạp tại Nhật.

Khoảng 3.500 công ty đã đăng ký vắc xin miễn phí và con số này đang tăng lên. Ngoài các công ty, các trường ĐH cũng có thể triển khai tiêm vắc xin. Nhật Bản đang dựa hoàn toàn vào vắc xin nhập khẩu để tiêm cho công dân, hiện nay chỉ có 6% người Nhật được tiêm vắc xin trong khi đã có hơn 14.000 tử vong vì Covid-19.

Theo CNA/Worldometer/Sky news

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ