Biến thể Delta khiến hàng loạt quốc gia thay đổi cách thức chống dịch

GD&TĐ - Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã gây ra những làn sóng Covid-19 mới ở các nước Đông Nam Á.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Khả năng lây truyền mạnh mẽ của biến thể Delta đã khiến hàng loạt quốc gia phải suy nghĩ lại về cách thức chống dịch.

Đặc biệt, khả năng lây lan cao của Delta đang khiến biện pháp đóng cửa biên giới và hạn chế di chuyển bớt hiệu quả. Trong khi đó, chi phí kinh tế của việc đóng cửa biên giới tiếp tục tăng theo thời gian.

Sau hơn một năm rưỡi, hầu như các nước Đông Nam Á vẫn đóng cửa hoạt động du lịch không thiết yếu.

Phần lớn nguyên nhân được cho là liên quan đến tỷ lệ tiêm chủng thấp trong khu vực. Mặc dù tại Campuchia và Malaysia, tỷ lệ người dân được tiêm chủng xấp xỉ 70%, nhưng có rất ít động thái về việc mở cửa biên giới. Tuy nhiên, mức độ nghiêm ngặt tương tự không còn được áp dụng đối với các hạn chế di chuyển trong nước.

Malaysia đã nới lỏng các biện pháp hạn chế trong nước, dù liên tục ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm cao. Trong khi đó, thủ đô Manila của Philippines đã kết thúc phong tỏa vào tháng 8, bất chấp tỷ lệ lây nhiễm hằng ngày đạt mức cao kỷ lục.

Động thái có vẻ mâu thuẫn này được lý giải là do sự mệt mỏi của việc phong tỏa, cũng như nhu cầu ngày càng tăng về việc duy trì nền kinh tế trong khi bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Đến nay, hầu hết các biện pháp vực dậy nền kinh tế đều tập trung vào nới lỏng hạn chế trong nước.

Trên thực tế, việc biên giới các quốc gia phải đóng cửa đã gây áp lực lên quyết định nới lỏng trong nước. Bằng chứng cho thấy là tỷ lệ lây nhiễm tại nhiều quốc gia đã tăng vọt.

Một trong những quốc gia chứng kiến tốc độ lây lan khủng khiếp của biến thể Delta là Singapore. Trước khi biến chủng này xuất hiện, đảo quốc này ghi nhận nhiều trường hợp mắc Covid-19 là người nhập cảnh từ nước ngoài. Song, với Delta, tình thế hoàn toàn bị đảo ngược, khi ca nhiễm mới chủ yếu là trong nước.

Biến thể Delta khiến việc truy vết trở nên khó khăn. Thậm chí, nhiều ổ dịch được phát hiện khi hàng loạt người đã mắc bệnh. Khi số ca mắc là người nhập cảnh chiếm một phần nhỏ so với trong nước, biện pháp đóng cửa biên giới được cho là không quan trọng bằng việc siết chặt hạn chế trong nước.

Điều này cho thấy, việc chuyển trọng tâm chống dịch từ biên giới sang hạn chế trong nước là yếu tố quan trọng. Các chuyên gia y tế nhận định, sự đổi hướng đó sẽ mang lại cơ hội tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.

Minh chứng cụ thể là các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ. Họ đang từng bước mở cửa biên giới, trong khi vẫn duy trì một số biện pháp chống dịch trong nước để bảo vệ cộng đồng.

Trong khi đó, tại Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan là hai quốc gia tuyên bố mở cửa cho khách quốc tế. Nếu biện pháp này thành công trong việc thu hút lượng lớn du khách mà không khiến làn sóng Covid-19 trong nước bùng phát, các quốc gia trong khu vực cũng có thể áp dụng mô hình này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.