Thay đổi chiến lược để sống chung với virus SARS-CoV-2

GD&TĐ - Để chung sống với dịch Covid-19, Việt Nam đang đưa ra con số 80% dân số trên 18 tuổi được tiêm vắc-xin.

Chỉ tiêu 80% dân số trên 18 tuổi tiêm vắc-xin nên áp dụng đối với các vùng mật độ dân cư dày.
Chỉ tiêu 80% dân số trên 18 tuổi tiêm vắc-xin nên áp dụng đối với các vùng mật độ dân cư dày.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, đây là con số quá cao và sẽ có nhiều địa phương không đạt được. Vì vậy, nên áp dụng chỉ tiêu này đối với các vùng mật độ dân cư dày, ở thành phố lớn có nguy cơ lây nhiễm cao.

Chỉ số tiêm chủng cao

Một số quốc gia trên thế giới quyết định sống chung với virus, trong bối cảnh vắc-xin được coi là “chìa khóa” mở cửa. Tại Việt Nam, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang dần ổn định, một số tỉnh, thành đã nới lỏng các biện pháp “giãn cách xã hội” như: TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng...

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam cần thay đổi chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19 từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt. Đồng thời, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Một trong những chỉ số để Việt Nam có thể sống chung với Covid-19 là vắc-xin. “Để chung sống với dịch Covid-19, Việt Nam đang đưa ra con số 80% dân số trên 18 tuổi được tiêm vắc-xin. Đây là con số quá cao và sẽ có nhiều địa phương muốn chung sống với dịch nhưng không đạt được”, PGS Nga nhận định.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, hiện, nguồn cung ứng vắc-xin của Việt Nam còn khan hiếm. Do đó, chưa có đủ vắc-xin trong thời gian gần để đạt được mục tiêu. Hoặc, khi có đủ vắc-xin cũng không thể tiêm hết, do nhiều khó khăn khi mở rộng tiêm chủng ra các vùng không đông dân cư. Vì vậy, chuyên gia này nhấn mạnh, chỉ tiêu 80% dân số trên 18 tuổi tiêm vắc-xin nên áp dụng đối với các vùng mật độ dân cư dày, ở thành phố lớn có nguy cơ lây nhiễm cao.

Bên cạnh đó, một trong những chỉ số sống thích ứng với dịch bệnh được đưa ra là 100% xã có oxy và bình oxy cùng các phụ kiện đi kèm. Song, PGS Nga cho rằng, việc lấy kinh nghiệm của TPHCM về cấp cứu để áp dụng cho các tỉnh khác là không hợp lý.

“Dịch nơi khác sẽ không thể lặp lại như ở TPHCM. Giả dụ, dịch xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc không thể quá tải như TPHCM, do dân cư thưa hơn, sự lây truyền dịch không ồ ạt như ở các khu đô thị, công nghiệp đông dân.

Thêm vào đó, bình oxy là loại thiết bị rất nguy hiểm nếu không biết bảo quản. Khi chẳng may phát nổ sẽ thiệt hại rất lớn cho trạm y tế xã, khu dân cư và có thể có người tử vong”, chuyên gia lý giải.

Tính ca bệnh có triệu chứng

Bên cạnh đó, PGS Nga cho rằng, không nên bắt buộc xét nghiệm Covid-19 đối với doanh nghiệp. Thay vào đó, nên để doanh nghiệp tự xét nghiệm để đảm bảo an toàn cho mình. Ngoài ra, điều quan trọng là chỉ nên tính số ca bệnh có triệu chứng.

“Vì 80% người nhiễm không có triệu chứng, nên muốn biết chỉ số nhiễm này để đưa vào đánh giá mức độ dịch, lại phải xét nghiệm toàn dân của địa phương. Việc này vừa khó thực hiện, vừa gây tốn kém. Do vậy, khi dịch đã lây lan trong cộng đồng và có tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cao, nên lấy chỉ số ca có triệu chứng được xét nghiệm PCR dương tính với virus SARS-CoV-2”, chuyên gia khuyến cáo.

PGS Nga cho biết, nên sử dụng chỉ số ca bệnh (có biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm dương tính) đúng theo khuyến cáo của WHO để đảm bảo hệ thống giám sát dịch ở tuyến cơ sở được vận hành đồng thời ba tiêu chí: Xuất phát từ người dân hợp tác với y tế cơ sở; Đảm bảo xét nghiệm theo chỉ báo dịch tễ; Tăng khả năng chẩn đoán đúng (giảm tỷ lệ dương tính giả, âm tính giả) trong cộng đồng.

Chuyên gia này cho rằng, việc lấy tỷ lệ số ca mắc Covid-19 trong 100.000 dân để quyết định chuyển mức độ nguy cơ đối với địa phương là chưa hợp lý. Do khó có thể biết được có bao nhiêu ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Muốn xác định được, phải làm xét nghiệm thường xuyên và diện rộng. Việc xét nghiệm diện rộng sẽ tốn kém. Ngay cả khi xét nghiệm toàn bộ người dân, con số này cũng có giá trị tương đối. Do vậy, thay vì tính ca nhiễm, cần phải tính toán tới tỷ lệ số ca mắc/100.000 dân là số nhập viện mới.

“Ngoài ra, cần tính cả số người đã mắc bệnh, có kháng thể bảo vệ ngoài số người đã được tiêm chủng. Việc phân vùng nguy cơ và người dân ở các vùng nguy cơ được cho phép các hoạt động tương ứng là hợp lý.

Tuy nhiên, cần lưu ý trong tất cả vùng màu, khi tổ chức các hoạt động bao nhiêu người ở khu vực nào thì phải có chuẩn riêng cụ thể”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink.

Truyện ngắn: Nốt nhạc đầu tiên

GD&TĐ - Thời gian này lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường...