Sinh viên biến giấy thải thành mực in

GD&TĐ -Từ giấy thải bỏ như vỏ carton, hộp sữa, đồ đựng thức ăn, vở viết… nhóm sinh viên Trường Đại học RMIT xây dựng quy trình biến thành mực in để bảo vệ môi trường.

Nhóm HayDay mong muốn sẽ ngày càng có nhiều dự án của giới trẻ vì môi trường.
Nhóm HayDay mong muốn sẽ ngày càng có nhiều dự án của giới trẻ vì môi trường.

“Phù phép” giấy thành mực in

Nhóm sinh viên có tên HayDay, Trường Đại học RMIT: Diệp Phan Anh Tài, chuyên ngành Digital Marketing; Hùng Huệ Lan, Nguyễn Phan Quốc Duy, chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế và Nguyễn Thái Minh Thư, chuyên ngành Quản trị nhân sự vừa xây dựng thành công quy trình biến giấy thải thành mực in.

Nhóm cho biết, dựa vào kiểm toán của RMIT 2021 (RMIT Waste Audit 2021), ước tính Trường RMIT môi trường thải ra tất cả 20,6 tấn giấy, chủ yếu là giấy in, hộp đựng thức ăn và thùng carton. Có đến 90% học sinh được ghi nhận vứt bỏ giấy như tài liệu học tập hoặc hộp đựng thức ăn ngay lần sử dụng đầu tiên.

Hiện tại, trường chưa có biện pháp xử lý bền vững nào đối với các loại rác thải giấy. Mặc dù, trong khuôn viên nhà trường có thùng rác phân loại, nhưng đến cuối ngày, rác thải vẫn chưa được phân loại đúng cách.

Trước các ảnh hưởng to lớn của rác thải giấy, HayDay đã nghĩ ra ý tưởng chuyển đổi giấy sang một dạng mới để phục vụ đời sống con người tốt hơn. Sau một quãng thời gian tìm hiểu, chúng em đã tìm ra một công nghệ chuyển đổi giấy sang mực in thân thiện với môi trường hơn so với mực in thông thường.

Quy trình công nghệ không quá phức tạp. Các loại rác thải giấy sẽ được thu gom và phân loại trong khuôn viên trường thông qua các thùng rác phân loại đặc biệt. Sau đó, những tờ giấy thu thập này sẽ được đưa vào máy sản xuất mực in và được cắt thành những mảnh nhỏ hơn để chuyển hóa thành mực in bằng công nghệ sinh học.

Công nghệ này sẽ chuyển đổi giấy thành than sinh học thô, một vật liệu rắn thu được từ quá trình chuyển đổi nhiệt hóa. Để có được than sinh học tinh khiết, một số hóa chất sẽ được bổ sung để loại bỏ các chất gây ô nhiễm khoáng chất từ than thô. Cuối cùng, than sinh học nguyên chất được thêm vào dung môi để tạo ra mực in. Mực in sẽ được sử dụng trong khuôn viên trường phục vụ cho mục đích học tập và làm việc.

“Trong quá trình tạo ra mực in, máy sẽ tạo ra dầu sinh học. Vì dầu sinh học có thể được sử dụng để làm phân bón nên nhà trường có thể sử dụng dầu này để làm cho cây cối và cỏ trong khuôn viên trường màu mỡ hơn”, Hùng Huệ Lan chia sẻ.

Giấy nào cũng có thể chuyển thành mực

Chia sẻ thêm về dự án của nhóm, Quốc Duy cho hay, ý tưởng ban đầu của bọn em là sử dụng giấy thải sử dụng trong việc học như là giấy in. Nhưng sau khi đào sâu vào thực tế thì bất kỳ sản phẩm làm từ giấy đều có thể làm mực được.

Một sự thật bất ngờ là mỗi năm 1 trường đại học có thể thải ra khoảng 18 - 22 tấn giấy, số lượng này tương đương với khoảng 10 - 12 nghìn lít mực có thể sản xuất. Số mực này có thể cung cấp cho thị trường để các trường có nguồn thu nhập giảm bớt gánh nặng chi phí khi lắp đặt máy.

“Chúng em nghĩ rằng đây là một ý tưởng có tính thực tiễn cao, có thể áp dụng ở nhiều nơi chứ không chỉ giới hạn ở trong khuôn viên trường học. Vì mọi người cũng hiểu là rác thải từ giấy có ở khắp mọi nơi và hằng năm chiếm một số lượng rất lớn gây ảnh hưởng đến môi trường. Chúng ta cần phải tìm cách tận dụng lượng rác thải này”, Minh Thư cho biết.

Tuy nhiên, Minh Thư cũng chia sẻ thật rằng, để so sánh với những loại mực trên thị trường hiện nay thì loại mực từ giấy thải rất khó để có chất lượng giống bằng (độ chính xác màu và độ đậm). Thế nhưng, ý tưởng này sẽ càng hiệu quả hơn khi được đầu tư nghiên cứu và phát triển nhiều hơn vào công nghệ sinh học chuyển đổi giấy thành mực.

Nhóm mong muốn, dù đây là một giải pháp giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng sản phẩm mực in bền vững được tạo ra sẽ có một chất lượng nhất định so với sản phẩm trong thị trường hiện nay.

Minh Thư cũng cho hay, nhóm đặt tên là HayDay vì có 2 ý nghĩa: “Một là Hay Day - chúng em sẽ luôn tận hưởng trong suốt quá trình làm việc với nhau, không quá áp lực nhau nhưng phải thực sự nghiêm túc vì mục tiêu chung, chính là tạo ra giá trị cho trái đất.

Đó là tinh thần chung của cả nhóm. Hai là “Hay Đấy”. Chúng em mong muốn mọi người khi đọc ý tưởng của chúng mình sẽ phải thốt lên “Đội này Hay Đấy”. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu các ý tưởng mới theo hướng vì môi trường xanh và sức khỏe con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ