Trợ lý ảo tiếng Việt của người Việt

GD&TĐ - Nền tảng trợ lý ảo giọng nói Maika sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), có thể nghe, hiểu, phản hồi các lệnh thoại bằng tiếng Việt và thực hiện các tác vụ cho người dùng.

Loa trợ lý ảo tiếng Việt Maika là sản phẩm duy nhất chỉ dùng ngôn ngữ tiếng Việt.
Loa trợ lý ảo tiếng Việt Maika là sản phẩm duy nhất chỉ dùng ngôn ngữ tiếng Việt.

Biến thiết bị điện tử bình thường thành thông minh

Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ OLLI vừa tổ chức hội thảo giới thiệu: “Nền tảng trợ lý ảo tiếng Việt MAIKA” vào ngày 25/8 vừa qua.

Ông Tạ Thanh Hải, đồng sáng lập Công ty CP Công nghệ OLLI cho biết, với niềm tin công nghệ sẽ đem lại tiện ích cho mọi người, mọi nhà, OLLI theo đuổi suốt 5 năm nghiên cứu và phát triển để làm chủ cả phần mềm và phần cứng, mang công nghệ của người Việt đến người Việt.

OLLI là một startup công nghệ Việt, hiện tại sở hữu 2 bằng sáng chế, 12 công bố khoa học về AI quốc tế, được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào tháng 12/2021.

Theo ông Hải, công nghệ trợ lý giọng nói cá nhân là một xu hướng tất yếu của tương lai. Các giá trị của công nghệ này thể hiện ở sự tiện lợi, dễ sử dụng, hữu ích, tính cá nhân hóa.

Do đó, mục đích hướng tới của nhóm startup là phụng sự và giúp tiện nghi hóa cuộc sống của hàng chục triệu người dân Việt Nam thông qua hệ sinh thái các thiết bị phần cứng thông minh được kết nối với một nền tảng trợ lý ảo bằng giọng nói đơn giản, đáng tin cậy và thuần Việt.

Ông Phan Đức Duy, Giám đốc Kinh doanh của OLLI cho biết, hiện tại, Maika đang được tích hợp trên loa thông minh OLLI Maika. Trên thiết bị này, có một phím vật lý nhằm ngắt kết nối giữa việc loa ghi nhận yêu cầu của người dùng và thực thi lệnh đó.

Hệ thống có thể xử lý giọng nói ứng dụng cho nhiều lĩnh vực trong đời sống hàng ngày, giúp các hoạt động trở nên tiện lợi, linh hoạt, dễ dàng hơn. Cụ thể như ứng dụng điều khiển nhà thông minh, chăm sóc sức khỏe, thanh toán điện tử, giáo dục, du lịch, nhà hàng khách sạn, dịch vụ kinh doanh, bán hàng, tìm kiếm thông tin…

Nền tảng trợ lý ảo tiếng Việt Maika có 7 tính năng chính là nghe nhạc, gọi điện thoại, nhắc công việc, điểm tin, nghe đài, kể chuyện, và điều khiển nhà thông minh. Bên cạnh đó, Maika có thể tương thích với các hệ thống thiết bị điện tử, ứng dụng, thiết bị IoT và smarthome phổ biến tại Việt Nam, với POS, loa thông minh, điện thoại di động; được tích hợp sẵn trong các thiết bị điện, điện tử như đèn bàn, quạt, camera… Vì vậy, Maika có thể trở thành quản gia ngôi nhà, trở thành trợ lý khách sạn, thư ký tài chính với ví điện tử, hay trợ lý hành chính thông minh, biến một thiết bị bình thường trở nên thông minh hơn.

Công nghệ sẵn sàng ứng dụng chuyển giao

Ông Phan Đức Duy cho biết, đối với nhà thông minh, trợ lý ảo Maika giúp các thành viên trong gia đình có thể đặt lệnh điều khiển các thiết bị thông qua giọng nói. Nhờ đó, người dùng có thể dễ dàng kiểm soát và điều khiển các thiết bị điện trong nhà bằng tiếng Việt với khả năng tương tác, thân thiện trong việc điều khiển tắt/bật đèn, quạt, điều hòa, tivi, mở nhạc, mở rèm, xử lý việc nhà…

Đối với khách sạn, trợ lý ảo Maika không chỉ giúp khách sạn đón tiếp khách hàng chu đáo, thân thiện mà còn cho phép khách hàng dễ dàng tìm kiếm các thông tin về dịch vụ của điểm đến. Ví dụ yêu cầu thông tin về dịch vụ phòng, hỏi các thông tin về nhà hàng, các điểm vui chơi, ăn uống xung quanh, dự báo thời tiết, spa làm đẹp, tập gym… Nhờ vậy, khách hàng không cần phải gọi điện thoại hay tra cứu trên điện thoại, máy tính, mà chỉ cần hỏi sẽ được cung cấp ngay tức thì.

Đối với hành chính thông minh, hệ thống giúp truy xuất thông tin của các sở ban ngành; chuyển đổi giải pháp trả lời điện tử cho chính phủ; cổng thông tin cho người dân của các cơ quan Nhà nước; hướng dẫn người dùng các thủ tục hành chính; tra cứu, trích xuất thông tin liên quan quy định pháp luật;…

Ông Duy cho biết thêm, sau 5 năm nghiên cứu và 1 năm đưa sản phẩm ra thị trường, hiện tại có hơn 10.000 user sử dụng loa và app (ứng dụng). Nhóm startup đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 sẽ có 30.000 người dùng Maika từ ứng dụng và loa thông minh.

Theo ông Tạ Thanh Hải, nếu so sánh với tất cả các trợ lý ảo trên thế giới thì Maika là trợ lý ảo đầu tiên được phát triển chỉ dùng duy nhất ngôn ngữ tiếng Việt để tiếp nhận lệnh từ người dùng. Đây là một điểm khá thú vị vì tại thị trường Việt Nam chưa có một thiết bị thông minh nào có thể giao tiếp tiếng Việt thuần phục như trợ lý thông minh Maika.

Hiện tai, công ty OLLI cũng demo sản phẩm MAIKA với mong muốn hợp tác, chuyển giao công nghệ với các đơn vị sản xuất thiết bị công nghệ, hệ thống nhà hàng khách sạn và các cơ sở giáo dục để đưa sản phẩm công nghệ Việt vào phục vụ cho nhiều người dùng Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ