Trước cả khi Upcycling (tái chế sáng tạo) trở thành một xu hướng mới, Ngure đã biến căn hộ của anh ở thành phố Nairobi thành một xưởng chế tác, tái chế rác thành tác phẩm nghệ thuật. Cách thể hiện nghệ thuật của anh lan tỏa 1 nền văn hóa tái chế cần thiết đối với thế giới đang phát triển này.
Ngure cho biết: “Mục đích của tôi khi trở thành 1 nghệ sĩ rác là tạo nên một tác động lan tỏa trong xã hội, từ nơi tôi sống tới những người tiếp xúc với các tác phẩm của tôi”. “Mọi người nhìn thấy các tác phẩm của tôi, liên hệ bản thân họ với chúng và cùng tham gia sáng tạo bằng cách cung cấp cho tôi những vật liệu tôi có thể sử dụng”.
Dấu ấn của người nghệ sĩ được in đậm trên mái tòa nhà tập thể 4 tầng nơi anh sống ở bắc thủ đô Kenya: Nghệ thuật tái sinh được rải rác khắp nơi, với 1 chiếc rèm làm từ các nút áo che phủ con đường dẫn vào xưởng chế tác. Để kiếm sống, Ngure sản xuất và bán mọi thứ từ đồ trang sức nhỏ tới các tác phẩm nghệ thuật lớn. Dây chuyền chế tác từ sợi kim loại, bông tai và vòng tay được bán với giá từ 5 tới 20 USD trong khi các tác phẩm lớn như điêu khắc được bán với giá lên tới hàng trăm USD.
Ngure luôn mường tượng mình đang tái sinh cho các vật thể bị bỏ đi và thường xuyên tìm kiếm chúng bằng việc lang thang trong trung tâm thành phố hoặc làm sạch các bãi rác. “Tôi thu thập chúng từ nhiều nơi khác nhau. Tôi nhặt chúng kể cả khi đang đi bộ trong thị trấn, tôi nhận được chúng từ bạn bè và khách hàng. Tôi cũng thường có 1 bãi rác quen để thu thập vật liệu” - người nghệ sĩ 29 tuổi chia sẻ.
“Tôi đang thu thập bất cứ vật liệu nào tôi có thể tìm được... Cái này là 1 phần của 1 chiếc xe máy và trông sẽ rất tuyệt khi tôi biết nó thành 1 phần của tác phẩm điêu khắc” - anh cười đầy háo hức.
“Từ nhỏ tôi đã luôn là 1 đứa trẻ thích sưu tập đồ vật nhưng thiên hướng nghệ thuật chưa bao giờ nở rộ cho tới khi đến trường đại học, nơi tôi và mọi người bắt đầu sáng tạo tác phẩm nghệ thuật từ các nguyên liệu độc đáo” - Ngure nói về thời kỳ học vẽ tại ĐH Kenyatta ở Nairobi. “Tôi bắt đầu thêm nhiều thứ vào các bức vẽ của mình, như nút áo và các mảnh áo quần bị cắt và cuối cùng tác phẩm từ từ phát triển thành 1 bức vẽ tạo dựng hoàn toàn từ các vật dụng có thể tìm thấy”.
Để lấy ví dụ, Ngure lấy ra 1 con công với cơ thể làm hoàn toàn từ những dải thắt lưng da cũ với phần đuôi được làm từ dao kéo. Tái chế đã trở thành 1 yếu tố cốt lõi trong đời sống và công việc của Ngure tới mức anh không thể không nhân cách hóa các thành phần có trong tác phẩm của mình.
“Không chỉ con người mới cần có cơ hội thứ 2. Đồ vật cũng vậy, chúng chỉ không thể tự nói lên điều đó. Vậy nên hay nghĩ lại trước khi vứt chúng đi” - anh trao đổi.
Nghệ sĩ rác Ngure cũng muốn nâng cao nhận thức của mọi người về việc bảo vệ động vật hoang dã qua việc trưng bày các tác phẩm collage (tạo dựng từ nhiều bức ảnh ghép) có dáng hình động vật như bướm và bọ rùa cùng với nhiều tác phẩm khác tại Bảo tàng Nghệ thuật Anh quốc.