Biến phế phẩm thành chuỗi giá trị bền vững

GD&TĐ - Từ những phế phẩm bỏ đi, bằng tri thức, sức sáng tạo của tuổi trẻ, sinh viên đã biến chúng thành những sản phẩm thân thiện môi trường...

Nhóm sinh viên trình bày sản phẩm thảm làm từ sợi tơ chuối.
Nhóm sinh viên trình bày sản phẩm thảm làm từ sợi tơ chuối.

Tạo giá trị cho thứ bỏ đi

Thảm làm từ sợi tơ chuối là sản phẩm độc đáo của sinh viên Trần Thị Ngọc Trầm, lớp đại học Ngôn ngữ Anh khóa 2018, Trường ĐH Trà Vinh. Sản phẩm đã đạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo xanh” năm 2022 do Tỉnh đoàn Trà Vinh tổ chức. Đây là sản phẩm mới, bảo vệ môi trường và được đánh giá cao vì nguồn nguyên liệu dễ tìm.

Hiện nay, thảm vải hoặc thảm nhựa sau sử dụng thải ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nguồn nước. Nếu chôn lấp sẽ phân rã thành các mảnh vi nhựa nhỏ và nằm xen lẫn trong đất, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngầm.

Từ thực trạng đó, ý tưởng làm thảm thân thiện với môi trường được cô sinh viên Ngọc Trầm ấp ủ. Sản phẩm sau khi vứt đi vẫn an toàn với môi trường cũng như tạo ra phân bón cho các loại cây trồng khác.

Chia sẻ về quy trình sản xuất sản phẩm, Ngọc Trầm cho biết: Quá trình sản xuất thảm nhựa đòi hỏi các nhà máy, xí nghiệp sử dụng và thải ra các chất hóa học gây hại cho người sử dụng, làm ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước. Còn sản phẩm từ sợi tơ chuối khá đơn giản, chỉ cần thu hoạch thân chuối và phơi khô là đã có nguyên liệu thực hiện.

Trước tiên, cây chuối sau khi thu hoạch sẽ được loại bỏ phần lá, gốc. Sau đó thực hiện công việc bóc bẹ và đem đi ép loại bỏ hết nước và tạp chất. Thông qua quá trình làm khô, loại bỏ tạp chất, tiến hành lọc lấy sợi hoàn chỉnh và đan lại thành sợi to hơn để bảo đảm độ chắc chắn, dễ dàng trong việc tạo hình sản phẩm. Để tránh tình trạng ẩm mốc, sản phẩm được sấy thật khô, nhờ đó giữ được độ bền cao và tính thẩm mỹ.

Ưu điểm của sản phầm là sợi tơ bảo đảm độ bền, dai, chắc chắn, màu sắc đẹp vì được tách sợi tự nhiên. Nguồn nguyên liệu dễ tìm, giá thành thấp, khối lượng sau khi thu hoạch khá cao. Quy trình được làm thủ công nên ít hao phí hay hư hỏng trong quá trình tạo hình; dễ dàng cuốn thành sợi bền chặt và thuận lợi trong việc sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ.

Sản phẩm sau khi sử dụng dễ dàng phân hủy trong môi trường, có thể tạo thành phân bón cho các loại cây trồng khác. “Đặc biệt, sản phẩm còn giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động. Nếu khai thác, sử dụng sợi chuối để làm nghề đan lát thủ công mỹ nghệ, thu nhập cho người dân sẽ tăng lên”, Ngọc Trầm chia sẻ.

Trong năm 2022, có 6 ý tưởng, dự án khởi nghiệp về lĩnh vực môi trường được Tỉnh đoàn Trà Vinh hỗ trợ và kết nối để hiện thực hóa, trong đó có dự án khởi nghiệp “Sử dụng thảm làm từ sợi tơ chuối - Giải pháp mới bảo vệ môi trường”.

Dự án được hỗ trợ kết nối các diễn đàn, ngày hội khởi nghiệp, hướng dẫn hoàn thiện ý tưởng và đạt giải Nhất cuộc thi ý tưởng sáng tạo xanh tỉnh Trà Vinh năm 2022. Hiện nay, sợi tơ chuối được phát hiện và sử dụng trong nhiều sản phẩm, trong đó vải tơ chuối được biết đến với khả năng dẻo dai. Ngoài khả năng tự phân hủy sinh học loại sợi làm từ thân cây chuối này còn bền chắc và có thể dùng cho nhiều mục đích khác nhau.

Sản phẩm sâm bố chính ngâm mật ong.

Sản phẩm sâm bố chính ngâm mật ong.

Phát huy giá trị sản phẩm địa phương

“Sâm bố chính ngâm mật ong” được hình thành với mục tiêu tạo ra sản phẩm mang tính phát huy giá trị vùng miền, trở thành sản phẩm đặc biệt chăm sóc sức khỏe trong mỗi gia đình.

Đây là dự án của nhóm sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm Nguyễn Thảo Vy, Trần Phạm An Bình, Nguyễn Thị Nguyễn Nhi và Lê Ngọc Như Ý. Dự án lọt vào vòng bán kết toàn quốc cuộc thi Khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2022 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Chia sẻ về sản phẩm, Trần Phạm An Bình, trưởng nhóm cho biết: Sâm bố chính có tác dụng giúp người dùng bổ khí, bổ huyết, giảm ho, trừ đờm. Sản phẩm này còn có thể trị được các chứng như: Cơ thể suy nhược (hư lao), ăn ngủ kém, khí huyết không tốt, thần kinh suy nhược, hoa mắt, chóng mặt, ho, viêm họng, viêm phế quản. Cùng với đó, sâm ngâm với mật ong còn có nhiều giá trị về dinh dưỡng khác và giúp phục hồi nhanh sức khỏe sau khi bệnh.

Chia sẻ về tính độc đáo và sáng tạo của sản phẩm, Nguyễn Thảo Vy cho biết: Sâm bố chính là sản phẩm chưa được bán nhiều trên thị trường, đa phần còn kinh doanh theo hình thức nông nghiệp, đang trong quá trình phát triển theo hình thức công nghiệp sản phẩm.

Sản phẩm kết hợp giữa người dân địa phương và những kỹ sư có kinh nghiệm trong quá trình trồng cây sâm bố chính để mang đến nguồn sâm có chất lượng cao nhất, có tiềm năng phát triển trong và ngoài nước. Quá trình sản xuất sâm mang tính đột phá với giá thành bình ổn, giúp sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm có lợi cho sức khỏe với giá thành vừa phải.

Sâm bố chính ngâm mật ong được thực hiện theo quy trình từ giai đoạn chọn nguyên liệu cho đến khi hoàn thiện sản phẩm. Nguyên liệu chính là sâm bố chính và mật ong.

Nguồn nguyên liệu từ sâm được trồng từ hộ gia đình hoặc chọn mua ở các địa điểm uy tín tại Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng lân cận. Sau khi chuẩn bị, nguồn nguyên liệu được sơ chế, làm sạch, rồi cho sâm bố chính và mật ong vào lọ với lượng vừa đủ. Sau khi thành phẩm đạt đúng tiêu chuẩn sẽ chiết qua lọ thủy tinh với thể tích từ 100ml - 200ml; tiến hành dán logo và đóng bao bì cho sản phẩm.

Nhóm sinh viên kỳ vọng việc thương mại hóa sẽ giúp sản phẩm tiếp cận nhiều hơn đến người tiêu dùng, phát triển sản phẩm thành hàng hóa đặc trưng, đồng thời giúp phát triển cây sâm bố chính tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng, mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.