Quan sát, đánh giá để tìm hiểu nguyên nhân mắc lỗi
Theo ThS Hoàng Thị Nho, để giúp học sinh vượt qua khó khăn trong học Toán, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân mắc lỗi. Việc này cần thực hiện qua các bước:
Tập hợp những sản phẩm làm việc của học sinh cho thấy mắc lỗi thường xuyên của các em;
Khuyến khích học sinh cố gắng trong thực hiện mọi loại hình bài tập và quan sát quá trình thực hiện của các em: Học sinh học thụ động hay tích cực, có hứng thú và tập trung với nhiệm vụ, bài tập không?
Cho học sinh thực hiện nhiều lần các nhiệm vụ mắc lỗi sai và phát hiện những mắc lỗi lặp lại ở giai đoạn nào trong thực hiện.
Phân loại các lỗi mắc: Do nhiệm vụ quá khó hay kỹ năng, hành vi hay quá trình tư duy qua quan sát, hỏi học sinh. Ví dụ: Em làm cách nào tính ra được kết quả này?
Phát hiện, phân loại những kỹ năng học sinh chưa đạt được. Khi tìm hiểu chính xác nguyên nhân mắc lỗi của học sinh, cần phân loại, dự tính khó khăn tiếp tục học sinh gặp phải và tìm các giải pháp hướng dẫn học sinh học tập
Hỗ trợ cá nhân giúp học sinh học cách giải quyết vấn đề
Việc này thông thường cần tập trung vào 2 vấn đề chính: Các chiến lược hỗ trợ về nhận thức và các chiến lược hỗ trợ chu trình cách làm Toán
Về hỗ trợ nhận thức, học sinh đọc nhiệm vụ thực hiện, giáo viên khuyến khích các em sử dụng các chiến lược để hiểu các nhiệm vụ, các quy tắc Toán có liên quan và đọc lại những phần khó hiểu; để học sinh diễn giải thực hiện nhiệm vụ và nhấn mạnh những bước quan trọng.
Giáo viên hướng dẫn học sinh hình dung vấn đề qua vẽ một sơ đồ hình ảnh; đề nghị học sinh đưa ra cách giải quyết nhiệm vụ; khuyến khích các em đưa ra cách làm và các bước cần thiết để đạt được điều đó.
Sau đó, hướng dẫn học sinh dự đoán và ước tính câu trả lời, sử dụng các cách tính toán như làm tròn số lên hoặc xuống, tính có nhớ con số…; yêu cầu học sinh phải tính toán theo các bước và làm các phép tính số học để có được đáp án; so sánh câu trả lời cho các con số dự đoán mà học sinh đã nghĩ.
Cuối cùng, yêu cầu học sinh kiểm tra đáp án và trả lời, đảm bảo chắc chắn học sinh đã sử dụng đúng các bước; đề nghị học sinh đưa ra kết quả cuối cùng.
Với hoạt động hỗ trợ về chu trình cách làm Toán, giáo viên cần nêu rõ mục đích của từng bước; đảm bảo để học sinh hiểu được ý nghĩa của mõi bước. Sau đó, học sinh tự kiểm tra xem mình đã làm đúng các bước chưa.
Giáo viên có thể yêu cầu học sinh đo tốc độ làm bài tập; đồng thời đề nghị các em rèn luyện kỹ nang còn gặp khó khăn qua sử dụng hình ảnh, trò chơi, phương tiện trực quan…
Giáo viên giúp học sinh viết ra các bước giải quyết nhiệm vụ và biết tự giám sát, đánh giá; kết hợp việc sử dụng thuật nhớ trong lớp học; thiết kế các hoạt động thảo luận trong lớp; khuyến khích học sinh từ đặt câu hỏi, tạo điều kiện để các em làm việc nhóm và cặp… để kích thích quán trình nhận thức…
Thiết kế, lựa chọn hoạt động học Toán
Giáo viên thiết kế các hoạt động giúp việc học Toán trở nên thú vị bằng cách đưa các nhiệm vụ Toán vào những tình huống, câu chuyện, đóng vai, trò chơi học tập hoạc sử dụng các phần mềm Toán học.
Khi có hoạt động phong phú, nhiều lựa chọn, học sinh khó khăn về Toán có cơ hội được tự chọn hoạt động theo ý muốn của mình bằng cách đưa ra nhiều phương án, nhiệm vụ học tập khác nhau.
Lưu ý, giáo viên thiết kế hoạt động dựa vào tích hợp các nội dung học Toán theo các chủ đề gần gũi với cuộc sống như: Làm việc với các biểu đồ, nhiệt độ, đồng hồ bấm, sắp xếp “cửa hàng” trong lớp và sử dụng “tiền” để mua sản phẩm; làm lịch trình thời gian cho cả lớp. Những kết nối này sẽ kích hoạt kiến thức và khắc sâu các kinh nghiệm học tập.
Hướng dẫn học phù hợp từng đối tượng
Theo ThS Hoàng Thị Nho, học sinh khó khăn về Toán thường có phong cách học và sở thích khác nhau, học sinh có thiên hướng học qua quan sát hình ảnh, nghe âm thanh, hoặc sử dụng xúc giác để nhận biết…
Theo đó, trong quá trình học, giáo viên cần chú ý quan sát để hiểu được nhu cầu và có hướng dẫn phù hợp với từng phong cách học tập.
Giúp học sinh học bằng thính giác, giáo viên tận dụng các hoạt động và minh họa với hướng dẫn bằng lời như: Tóm lược, nhắc lại bằng lời ở mỗi bước dạy với học sinh; có thể sử dụng các từ khóa để giúp học sinh tập trung chú ý; loại bớt các thông tin về thị giác.
Giúp học sinh học bằng thị giác, trước kh hướng dẫn bằng lời, giáo viên cần minh họa cụ thể, tóm lược bằng hình ảnh ở từng bước hướng dẫn; khuyến khích học sinh tạo ra hình ảnh kích thích về thị giác, tạo cho học sinh cơ hội thể hiện sản phẩm ở dạng hình ảnh.
Giúp học sinh học qua xúc giác, với hoạt động này, giáo viên cần hướng dẫn bằng thao tác xúc giác và cảm nhận cơ thể về đồ vật trước khi sử dụng những cách hướng dẫn khác.
Giáo viên nên hướng dẫn tất cả các thao tác, tóm lược và nhắc lại ở mỗi bước dạy với học sinh; sử dụng hệ thống tín hiệu để thu hút sự chú ý của học sinh; sử dụng hệ thống đồ dùng xúc giác cho học sinh học tập
Sử dụng hiệu quả các đồ dùng hỗ trợ
Đồ dùng thao tác Toán học được cho là bất cứ đồ dùng, đồ vật nào học sinh sử dụng, giúp gợi mở về khái niệm Toán học, thông qua sử dụng và thao tác với đồ dùng.
Để đồ dùng thao tác hỗ trợ có hiệu quả với học sinh khó khăn về toán, theo ThS Hoàng Thị Nho vì những đối tượng này phát triển các kỹ năng và khái niệm Toán học thông qua trải nghiệm. Học sinh cần trải nghiệm mối liên hệ giữa đồ vật thật để chuẩn bị cho việc hiểu mối liên hệ tương tự về số và tính toán.
Những khó khăn của học sinh khó khăn về Toán làm cho các em bị phụ thuộc vào việc quan sát và học tập, tưởng tượng để hiểu được tất cả các yếu tố có liên quan đến một khái niệm cần học…
Động viên, khích lệ kịp thời
ThS Hoàng Thị Nho cho biết, thái độ, niềm tin và động cơ đóng vai trò quan trọng với việc học Toán. Hầu hết các học sinh khó khăn về Toán không có thái độ tốt đối với việc học môn học này, dẫn đến kết quả học tập của các em thấp hơn…
Để giúp học sinh khó khăn về Toán đạt thành công và có thái độ tích cực, giáo viên chú ý: Đảm bảo học sinh thành công thông qua xây dựng mục tiêu dựa trên những kỹ năng mà học sinh đã đạt đượ; tạo điều kiện cho học sinh đưa ra nhận xét của mình; giúp học sinh hiểu giáo viên có kỳ vọng và tin tưởng về kết quả của các em…
Học sinh cần hiểu rõ cố gắng có ảnh hưởng trực tiếp với bản thân, dần dần, các em sẽ nhận ra chính mình là người điều khiển việc học tập.
Tuy nhiên, giáo viên cần làm mẫu về thái độ tích cực và nhiệt tình thông qua việc hướng dẫn học sinh học tập một cách sống động, hấp dẫn. Đồng thời, khích lệ cố gắng dù là nhỏ nhất của học sinh và nhấn mạnh việc mắc lỗi chỉ là một cơ hội trải nghiệm trong việc học Toán.