Biến lốp xe, kính vỡ thành tác phẩm nghệ thuật

GD&TĐ - Từ lốp xe cũ hay mảnh vỡ của tấm kính cường lực, anh Nguyễn Đức Toàn (TP Hạ Long, Quảng Ninh) đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

'Vườn thú lốp xe' nằm giữa lòng TP Hạ Long.
'Vườn thú lốp xe' nằm giữa lòng TP Hạ Long.

Từ lốp xe cũ hay mảnh vỡ của tấm kính cường lực, anh Nguyễn Đức Toàn (52 tuổi) ở phường Cao Thắng (TP Hạ Long, Quảng Ninh) đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

“Vườn thú lốp xe” giữa lòng thành phố

Dù chưa một ngày học về mỹ thuật, thế nhưng bằng sự sáng tạo, anh Nguyễn Đức Toàn đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng với một nguyên liệu cũng vô cùng đặc biệt, chính là những chiếc lốp xe cũ. Nhìn những tác phẩm này, không ai nghĩ rằng chúng được làm từ lốp xe cũ, vật liệu bị vứt bỏ, góp phần lan tỏa ý thức về bảo vệ môi trường và tái chế rác thải.

Anh Toàn cho biết, tháng 9/2023, anh nghỉ hưu sau hàng chục năm làm công nhân mỏ. Mọi thứ bắt đầu từ đây, anh quyết tâm khám phá và tạo ra các sản phẩm tái chế. Anh nhận ra rằng có rất nhiều vật liệu chưa được khai thác hoàn toàn, chỉ cần một chút sáng tạo và tâm hồn nghệ sĩ, những vật liệu đó có thể được biến hóa thành những tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt và ý nghĩa.

Một buổi sáng năm 2023, khi đang đọc báo theo thói quen hằng ngày, tình cờ anh Toàn bắt gặp câu chuyện về một chàng trai ở Bến Tre sử dụng lốp xe để tạo thành mô hình con “king kong” khổng lồ.

Mới về hưu, chưa quen với quỹ thời gian rảnh rỗi kết hợp với câu chuyện truyền cảm hứng này, niềm đam mê sáng tạo trong anh như được khơi dậy. Từ đó, anh tự nghiên cứu, tìm hiểu và một tháng sau anh quyết tâm bắt tay vào làm.

Để làm nên một sản phẩm hoàn thiện, đầu tiên anh Toàn chọn con vật yêu thích, tìm một bức ảnh bao quát thân hình con vật đó để in ra làm mẫu. Từ bức ảnh trên giấy, anh tính toán tỷ lệ sao cho phù hợp với kích thước thực tế.

Theo anh Toàn, những sản phẩm này được làm thủ công nên đòi hỏi thời gian, tỉ mỉ, còn lại không mất nhiều chi phí bởi nguyên liệu chính là những lốp xe.

Để có nguyên liệu thực hiện, anh Toàn đã thu gom lốp xe cũ từ nhiều nơi, đặc biệt là ở các cửa hàng sửa xe. Dần dần, anh trở thành khách quen của những tiệm sửa xe quanh nhà, cứ có lốp xe không sử dụng họ đều nhớ tới anh.

Sau một thời gian, khi nhìn thấy các chị đồng nát đi qua nhà, anh đã nhờ họ đi thu gom lốp xe, mỗi chiếc mang về anh sẽ trả công 5.000 đồng/chiếc.

Bên cạnh lốp xe là nguyên liệu chính, anh Toàn còn chuẩn bị sắt, tôn và sơn. Sau khi có đủ nguyên liệu, anh Toàn tiến hành làm khung sắt, chủ yếu là sắt 6, sắt 8 được anh uốn cong và hàn lại để tạo bộ khung chắc chắn cho con thú.

Đây là công đoạn tốn sức nhất nhưng vô cùng quan trọng, quyết định phần lớn vào thành công của sản phẩm. Khung sắt chuẩn chỉnh, vững chãi thì các bước tiếp theo sẽ dễ dàng hơn.

Tiếp đến, anh bọc một lớp tôn quanh khung, hay theo ngôn ngữ của người thợ mỏ còn gọi là bọc “lập là”. Sau đó, anh cắt lốp xe thành từng miếng nhỏ, kích thước phụ thuộc vào từng bộ phận của con thú và cố định lên bề mặt tôn bằng ốc vít.

Các bộ phận nhỏ lẻ như ngà, răng, móng… cũng được anh Toàn tính toán gắn kết khéo léo, tỉ mỉ. Lúc này sản phẩm gần như đã hoàn thiện, tuy nhiên để con thú trông sinh động hơn và bền bỉ với thời gian, anh Toàn phải sử dụng thêm sơn bóng, loại sơn có thể kháng chịu lại thời tiết, giữ màu cao su không bị bạc.

Theo anh Toàn, công đoạn khó nhất và mất nhiều thời gian nhất đó là việc cắt tỉa lốp xe để tạo chi tiết mềm mại giúp con vật có thần thái giống thật. Đến nay, bộ sưu tập của anh Toàn gồm có: Đại bàng, king kong, tê giác, khủng long, voi… với kích thước lớn, đặc biệt là mô hình khủng long với chiều dài gần 8m, chiều cao 3m và trọng lượng lên tới 480kg.

Khi được hỏi về những khó khăn phải đối mặt trong suốt quá trình thực hiện sản phẩm, anh Toàn nói, trong khu vực lân cận không có người cùng đam mê, ý tưởng để trao đổi, tất cả đều phải tự mình mày mò.

Lúc thì xem trên mạng nhưng khi gặp những chi tiết khó, hình ảnh trên mạng không cụ thể, khó quan sát đành phải tự mình làm thử, sai thì làm lại, nhiều khi mất thời gian ở những chỗ đó.

Một con khủng long làm mất hai tháng nhưng nếu có một nhóm 2 - 3 người, có khi chỉ trong một tháng là hoàn thành.

Khó khăn là vậy, nhưng bằng niềm đam mê cùng khả năng sáng tạo của mình, đến nay anh Toàn đã là chủ sở hữu của “vườn thú bằng lốp xe” với đa dạng các con vật.

“Lúc đầu, khi hoàn thiện con voi đầu tiên tôi chỉ để trong nhà nhưng sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết định mượn mảnh đất nhà hàng xóm làm nơi trưng bày để người dân trong khu phố có thể đến tham quan, vui chơi.

Tôi còn trồng thêm cây, cỏ xung quanh để mảnh đất trông giống một khu vườn sinh thái hơn. Chiều đến, gió mát mọi người hay tụ tập ở đây, nhất là bọn trẻ con, chúng nó cứ cưỡi lên người con voi, con khỉ rất thích thú”, anh Toàn nói.

Chị Đặng Thúy Quỳnh, một người dân trong khu phố cho biết, hằng ngày, khi đón con đi học về thường hay rẽ qua đây cho cháu vui chơi trước khi về nhà. “Tôi biết đến mô hình này khi mọi người truyền tai nhau.

Khi tới tận nơi, chính tay chạm vào các con thú tôi càng thêm bất ngờ trước sự chân thật của chúng và vô cùng khâm phục tài năng, sự khéo léo của anh Toàn. Từ khi có những con thú này, trẻ con nhà tôi rất thích đến đây chơi”, chị Quỳnh nói.

Khủng long - mô hình anh Toàn tâm đắc nhất với chiều dài gần 8m, chiều cao 3m và trọng lượng lên tới 480kg.

Khủng long - mô hình anh Toàn tâm đắc nhất với chiều dài gần 8m, chiều cao 3m và trọng lượng lên tới 480kg.

Tác phẩm nghệ thuật từ những mảnh kính vỡ

Không dừng lại với những chiếc lốp xe, sau một lần xem truyền hình biết về cách tạo ra các bức tranh bằng rác thủy tinh, anh Toàn lại mày mò nghiên cứu, thử nghiệm.

Tuy nhiên, với sự sáng tạo của mình, anh đã lựa chọn vật liệu tương tự là mảnh vỡ của tấm kính cường lực để tạo hình bức tranh, giúp tiết giảm công đoạn mài thủy tinh song vẫn mang đến cho bức tranh hiệu ứng nghệ thuật cao.

Anh đã thực hiện những bức tranh đầy tính nghệ thuật từ đây, như tác phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những bức tranh về thiên nhiên…

Trong căn nhà ấm cúng của anh Toàn, một thế giới nghệ thuật đầy ý nghĩa đang hiện diện qua gần 20 bức tranh lớn nhỏ được trưng bày trang trọng. Nhưng điều đặc biệt không chỉ là sự đa dạng về kích thước và hình dáng của các tác phẩm, mà là ở nguồn gốc không ngờ của vật liệu được sử dụng.

Những bức tranh làm từ những mảnh kính vỡ được anh Toàn trưng bày trong nhà.

Những bức tranh làm từ những mảnh kính vỡ được anh Toàn trưng bày trong nhà.

Mỗi bức tranh là một câu chuyện riêng, được tạo hình từ sự tưởng tượng và sức sáng tạo của anh. Hình ảnh của các nhà lãnh đạo, nhân vật nổi tiếng hoặc thậm chí là những người thân yêu đã trở thành nguồn cảm hứng cho anh, là những nhân vật chính trong các tác phẩm này.

Chị Vương Minh Nguyệt, vợ anh Toàn cho biết, lúc đầu cũng không kỳ vọng gì, chỉ nghĩ chồng mày mò làm để giết thời gian. “Khi tác phẩm đầu tiên của anh hoàn thành tôi cũng rất bất ngờ xen lẫn tự hào, không nghĩ ông xã lại có hoa tay đến thế. Hàng ngày anh ấy cặm cụi, lặng lẽ làm một mình, chẳng phiền đến ai, tỉ mỉ từng chi tiết đến khi nào ưng ý mới thôi”, chị Nguyệt nói.

Hành trình sáng tạo của anh Toàn không chỉ là việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, mà còn là việc lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên một cách bền vững.

Anh Toàn cho biết, trong thời gian sắp tới, anh dự định tiếp tục khám phá và tìm kiếm các nguyên liệu mới, để mở ra khả năng sáng tạo không giới hạn và tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ