Biến động kỷ lục về giá vàng: Mất 2,5 triệu/lượng, ngồi khóc trên “đống vàng”

Biến động kỷ lục về giá vàng: Mất 2,5 triệu/lượng, ngồi khóc trên “đống vàng”

Vừa qua, thị trường vàng ghi nhận mức tăng giá khủng 2 triệu đồng/lượng, liên tiếp vượt qua ngưỡng 45 và 46 triệu đồng/lượng. Ngay sau đó, giá vàng tiếp tục xoá bỏ lịch sử tăng tuần trước, tạo nên cơn chấn động với mức tăng đỉnh điểm trong ngày 24, 25/2 chạm ngưỡng tăng 3,1 triệu đồng/lượng.

Từ mức giá được niêm yết cuối tuần trước 45,6 triệu đồng/lượng (giá doanh nghiệp mua vào) và 46,05 triệu đồng/lượng (bán ra), giá vàng SJC mở đầu tuần mới tăng lên mức 47,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 49,15 triệu đồng/lượng (bán ra).

Như vậy, chỉ trong một phiên giao dịch ngày 24/2/2020, giá vàng SJC đã tăng thêm 3,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra lên mức cao kỷ lục chưa từng có: 49,15 triệu đồng/lượng, cao hơn so với đỉnh cao 49 triệu đồng/lượng ghi nhận hồi cuối tháng 8/2011.

Đây cũng là mức tăng mạnh, nhanh và giữ mức này thời gian dài chưa từng có trong một ngày trên thị trường vàng Việt Nam. Lịch sử chỉ ghi nhận 1 phiên chiều ngày cuối tháng 8/2011 vàng từng tăng 3 triệu đồng/lượng lên đỉnh lịch sử 49 triệu đồng/lượng nhưng chỉ tồn tại được 1 - 2 tiếng đồng rồi nhanh chóng giảm 2 - 3 triệu đồng/lượng ngay sau đó.

Tính đến thời điểm 8 giờ sáng 25/2 ghi nhận thị trường vàng trong nước chỉ tăng một chiều đi lên và không đảo chiều như cách đây gần 9 năm. Trong phiên hôm qua (24/2/2020), giá vàng trong nước tăng liên tục từ sáng cho tới chiều và trụ vững trên đỉnh cao lịch sử vào cuối phiên và chưa có dấu hiệu suy giảm trong bối cảnh giá vàng thế giới cũng lên cao kỷ lục trong 7 - 8 năm.

Tại thời điểm 9 giờ 30 sáng 25/2, giá vàng thế giới chỉ còn 1.648,7 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá ngân hàng tương đương 46,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới giảm mạnh tác động trực tiếp tới trong nước, tuột khỏi mốc 49 triệu đồng/lượng xuống còn 47,8 triệu đồng/lượng. Tính đến 15 giờ chiều 25/2 giá vàng miếng SJC phục hồi nhẹ, lên mức 47,8 triệu đồng/lượng. Giá mua vào còn 46,5 triệu đồng/lượng.

Như vậy, so với cuối ngày 24/2, giá vàng biến động giảm mạnh. Thị trường ghi nhận mức giảm lớn nhất đạt ngưỡng 1,3 triệu đồng/lượng (mua vào), giảm 1,6 triệu đồng/lượng (bán ra). Nếu tính người mua ngày 24 và bán ngày 25/2 thì mức thiệt hại xấp xỉ 2,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đi xuống cũng giúp thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Hiện, giá vàng trong nước chỉ còn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 480.000 đồng/lượng.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, Thạc sĩ Chu Văn Quân, giá vàng thế giới tăng, nguyên nhân có thể là tác động kép bởi việc chuyển hướng đầu tư lo ngại triển vọng từ các kênh đầu tư u ám kết hợp với tác động xấu của dịch bệnh toàn cầu.

Ông Quân cho rằng, 2 mốc thời điểm quan trọng mà người mua bán vàng phải chú ý trong thời gian tới là cuối tháng 3 và cuối tháng 6. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thị trường vàng biến động rất bất thường và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Vàng biến động lên xuống thất thường khiến không ít nhà đầu tư lo ngại. Mặc dù vậy, nhìn chung trong dài hạn, vàng cũng như đồng USD là 2 loại hàng hóa đặc biệt có xu hướng tăng là chủ đạo.

Giá vàng 33 triệu đồng/lượng ở thời điểm 6/2016 thấp hơn nhiều so với đỉnh 49 triệu đồng hồi cuối 2011 nhưng vẫn cao gấp khoảng 3,5 lần so với một thập kỷ trước đó. Tính trung bình, mỗi năm vàng vẫn tăng khoảng 20 - 25%. Tuy nhiên, bên cạnh lạm phát, vàng còn chịu ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố chính trị và những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.

Chuyên gia Chu Văn Quân cho rằng, nhà đầu tư lướt sóng, đầu tư ngắn hạn vào thị trường vàng thời điểm này cần đặc biệt cẩn trọng. Mặc dù lịch sử ghi nhận về xu thế tăng lên của giá vàng, tuy nhiên xu thế này không hoàn toàn đúng đối với nhu cầu lướt sóng kiếm lời. Đối với việc mua bán chớp nhoáng chụp giật trong thời điểm giá thị trường biến động nhanh, mạnh là rất rủi ro.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.