Biến động du học

GD&TĐ - Các thị trường du học lớn như Anh, Australia, Canada thông báo hạn chế số lượng tuyển sinh quốc tế trong năm 2024.

Australia thắt chặt quy định về thị thực với sinh viên quốc tế.
Australia thắt chặt quy định về thị thực với sinh viên quốc tế.

Điều này khiến Mỹ trở thành điểm đến du học hấp dẫn hơn trong mắt du học sinh.

Hạn chế mang theo người thân

Đối với thị trường giáo dục quốc tế trong năm 2024, những thay đổi lớn nhất đến từ Vương quốc Anh. Đầu tiên, từ năm nay, Chính phủ Anh cấm sinh viên quốc tế ở bậc cử nhân đưa người thân đến nước này. Chỉ du học sinh theo học các chương trình nghiên cứu như thạc sĩ, tiến sĩ mới được phép mang theo người thân sang cùng.

Ngoài ra, sinh viên quốc tế không được chuyển đổi thị thực (visa) du học sang thị thực việc làm cho đến khi tốt nghiệp. Thay đổi trên được đưa ra trong bối cảnh Vương quốc Anh muốn hạn chế người nhập cư và giải quyết bài toán thiếu nhà ở cho thuê.

Thống kê cho thấy, số người di cư ròng (chênh lệch giữa số người đến và đi) tại Vương quốc Anh tăng từ hơn 500 nghìn vào tháng 6/2022 lên hơn 700 nghìn vào cuối năm. Cùng năm, 486 nghìn thị thực sinh viên được cấp. Còn số thị thực cấp cho người thân của những du học sinh này là 136 nghìn, tăng gấp 8 lần so với năm 2019.

Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Suella Braverman, cho biết việc cấm sinh viên quốc tế đưa người thân đến Anh sẽ giúp cắt giảm đáng kể dòng người nhập cư vào nước này và ngăn cản việc sử dụng thị thực sinh viên để tìm việc làm ở Anh. Điều này cũng góp phần đảm bảo những người đến Vương quốc Anh là những người có tay nghề cao, mang lại nhiều lợi ích.

Chỉ 3 tháng sau khi ban hành lệnh cấm trên vào tháng 5/2023, có nguồn tin cho biết Chính phủ Anh muốn mở rộng kế hoạch nhằm giảm số lượng di cư ròng. Đối tượng tiếp theo sẽ là học viên thạc sĩ, tiến sĩ.

Đến tháng 12/2024, Bộ trưởng Nội vụ Anh thông báo kế hoạch gồm 5 thay đổi do Chính phủ Anh ban hành kiểm soát số lượng người nhập cư, trong đó có sinh viên quốc tế. Cụ thể, chính phủ sẽ rà soát các chương trình thị thực làm việc sau tốt nghiệp của sinh viên quốc tế nhằm giảm số người đủ điều kiện nhập cảnh đi 300 nghìn người.

Hiện nay, sinh viên quốc tế tốt nghiệp ở Anh được phép ở lại làm việc trong 2 năm. Chính sách này được áp dụng từ tháng 7/2021 sau 9 năm bị gián đoạn. Các chuyên gia dự đoán chính phủ sẽ giảm thời gian ở lại làm việc của sinh viên quốc tế xuống còn 6 tháng.

Nếu sinh viên tốt nghiệp bị cản trở tìm việc làm ở Vương quốc Anh, các trường đại học sẽ gặp khó trong giảng dạy lẫn nghiên cứu khoa học. Hệ thống giáo dục Anh có thể mất đi những tài năng xuất chúng.

Theo ghi nhận 2 tháng đầu năm 2024, lệnh hạn chế sinh viên mang theo người thân nhập cư Anh đã khiến số lượng tuyển sinh nước ngoài giảm 1/3. Cụ thể, dữ liệu thu thập từ hơn 60 trường đại học Vương quốc Anh cho thấy số lượng visa du học được cấp trong 2 tháng đầu năm giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mục tiêu giảm người nhập cư

Từ tháng 9/2023, Chính phủ Australia đã đẩy nhanh quá trình cấp thị thực du học cho du học sinh bằng cách giảm thời gian xét duyệt từ 49 ngày xuống 16 ngày. Việc đẩy nhanh tốc độ xét duyệt thị thực giúp giải quyết số lượng đơn xin thị thực tồn đọng, cải thiện thời gian xử lý cho sinh viên. Điều này cũng góp phần giúp Australia lấy lại “sức hút” đối với sinh viên quốc tế.

Tuy nhiên, từ năm 2024, Chính phủ Australia thắt chặt các quy định về thị thực đối với sinh viên quốc tế và người lao động tay nghề thấp nhằm giảm một nửa lượng người nhập cư trong 2 năm tới.

Theo chính sách mới, sinh viên quốc tế cần đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra tiếng Anh chuẩn hóa để làm hồ sơ và xin thị thực. Australia cũng giám sát chặt chẽ hơn hồ sơ xin thị thực lần hai để kéo dài thời gian lưu trú của sinh viên quốc tế.

Ngoài ra, sinh viên quốc tế đến Australia phải có hơn 24.500 AUD trong tài khoản tiết kiệm, tăng 17% so với trước đây. Quy định sinh viên quốc tế có khoản tiền tiết kiệm lớn hơn nhằm để họ tập trung vào việc học và giảm nguy cơ bị bóc lột do cần đi làm để trang trải cuộc sống.

Những thay đổi trên được đưa ra sau khi số lượng nhập cư ròng tại Australia dự kiến đạt mức kỷ lục 510 nghìn trong giai đoạn năm 2022 – 2023. Thủ tướng Australia Anthony Albanese nhấn mạnh số lượng người nhập cư vào Australia cần được đưa trở lại “mức bền vững”.

Tại Hà Lan, trong năm 2023, nhiều tranh cãi về việc hạn chế tuyển sinh quốc tế đã diễn ra nhưng chưa đi đến thống nhất. Dù vậy, theo ghi nhận 2 tháng đầu năm nay, 14 đại học Hà Lan đã thông báo hạn chế tuyển sinh quốc tế, trong đó có những trường hàng đầu cả nước như Đại học Amsterdam, Đại học Công nghệ Delft.

Trong đó, Đại học Amsterdam và Đại học Vrije Amsterdam dự kiến giảm khoảng 1/5 số du học sinh trong năm 2024. Việc hạn chế hướng đến đối tượng cử nhân. Ngoài ra, các trường còn chuyển đổi nhiều chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh sang tiếng Hà Lan, không mở mới chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.

Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan, ông Robbert Dijkgraaf, nhấn mạnh: “Ngôn ngữ đào tạo tại Hà Lan hãy là tiếng Hà Lan. Các trường có thể giảng dạy bằng ngôn ngữ khác nhưng không nên quá 1/3 số lượng chương trình đào tạo”.

Canada cắt giảm 35% thị thực cấp cho sinh viên quốc tế.

Canada cắt giảm 35% thị thực cấp cho sinh viên quốc tế.

Tác động như thế nào?

Hồi cuối tháng 1, Chính phủ Canada thông báo nước này sẽ cắt giảm 35% thị thực học tập cấp cho sinh viên quốc tế bậc cử nhân trong 2 năm tiếp theo. Cụ thể, năm 2024, số lượng thị thực được phê duyệt sẽ giảm còn 364 nghìn so với số lượng cấp ra trong năm 2023.

Giới hạn thị thực sẽ khác nhau tùy theo các địa phương, trong đó, tại tỉnh bang Ontario có đông dân nhất, số sinh viên nước ngoài dự kiến giảm từ 50% trở lên.

Ông Akshay Chaturvedi, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tổ chức giáo dục Leverage, Ấn Độ, dự đoán với thay đổi trên, nhiều khả năng Mỹ sẽ giành lại thị phần giáo dục quốc tế đã rơi vào tay Canada trong thập kỷ qua.

“Tôi dự đoán số lượng sinh viên quốc tế theo học tại Canada từ năm nay sẽ sụt giảm lớn vì thị thực vẫn là yếu tố quan trọng để du học sinh, nhất là du học sinh Ấn Độ, cân nhắc khi chọn quốc gia học tập. Những người này có thể chuyển hướng sang Mỹ hoặc các trung tâm giáo dục quốc tế khác”, ông Akshay Chaturvedi phân tích.

Nhìn chung, các chính sách hạn chế mới liên quan đến sinh viên quốc tế tại Anh, Canada hay Australia đã tác động đáng kể đến nhu cầu học tập trong tương lai tại các quốc gia đó.

Nghiên cứu “Tiếng nói của sinh viên quốc tế” do tổ chức giáo dục IDP thực hiện vào tháng 1/2024 trên 67 quốc gia và 2.500 sinh viên, cho thấy nhiều người đang cân nhắc kế hoạch học tập tại các nước trên.

Mỹ đang trở thành điểm đến được quan tâm nhiều hơn cả. Cụ thể, 49% số sinh viên tham gia khảo sát đang cân nhắc hoặc không chắc chắn về kế hoạch du học Vương quốc Anh. Con số này ở Australia và Canada lần lượt là 47% và 43%.

Tương tự, nghiên cứu của tổ chức giáo dục Studyportals cho thấy nhu cầu của sinh viên quốc tế với Canada đang giảm đáng kể trong khi sự quan tâm vào Mỹ đang tăng lên. Italy và Hà Lan cũng trở nên phổ biến hơn nhưng mức độ chú ý vào Hà Lan có thể giảm sớm do hành động của các trường đại học nước này.

Ông Simon Emmett, Giám đốc điều hành IDP Connect, cho biết: “Cuộc khảo sát mới nhất cho thấy sinh viên quốc tế rất quan tâm đến những thay đổi chính sách và điều này ảnh hưởng đến vị thế của các điểm đến du học hàng đầu. Thời điểm này, sự cạnh tranh giữa các điểm đến giáo dục đang ở mức cao nhất mọi thời đại”.

Chuyên gia này đồng thời chỉ ra sinh viên muốn có sự chắc chắn khi đưa ra quyết định du học. Việc thay đổi quan điểm của Chính phủ Anh, Canada, Australia làm mất niềm tin trong sinh viên quốc tế. Nghiên cứu cho thấy, Mỹ là điểm đến hấp dẫn nhất đối với những sinh viên đang cân nhắc du học Anh, Australia hoặc Canada.

Anh muốn giảm số người nhập cư trong năm 2024.

Anh muốn giảm số người nhập cư trong năm 2024.

Xu hướng tại châu Á

Trong bối cảnh du học trên, sinh viên Đông Nam Á nói riêng và sinh viên châu Á đang quan tâm đến các trường đại học trong khu vực. Lý do là ngày càng nhiều trường đại học châu Á lọt tốp các trường thế giới.

Ví dụ, Hồng Kông có 5 trường lọt top 100 trường đại học hàng đầu thế giới theo QS, trong khi Trung Quốc đại lục sở hữu 5 trường khác như Thanh Hoa, Bắc Kinh. Singapore có 2 trường là Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Công nghệ Nanyang.

Ngoài ra, căng thẳng Mỹ - Trung khiến nhiều sinh viên Trung Quốc gặp khó khăn khi du học Mỹ, thúc đẩy họ chuyển sang học tại Hồng Kông, Singapore. Bên cạnh đó, các trường đại học Nhật Bản, Hàn Quốc đang trên đà phát triển. Nhiều trường lọt tốp đại học tốt trong các bảng xếp hạng thế giới nhưng yêu cầu đầu vào không quá khắt khe.

Một nguyên nhân khác khiến sinh viên lựa chọn châu Á đến từ mong muốn du học sẽ ít tốn kém hơn. Trong năm 2023, chi phí sinh hoạt và học tập ngày càng tăng ở các điểm đến lớn đã trở thành thách thức với sinh viên quốc tế.

Ví dụ, tại Australia, chi phí sinh hoạt trong quý III năm 2023 cao hơn 9% so với cùng kỳ năm 2022. Tại Canada, năm 2023 đánh dấu mức tăng giá thuê nhà nhanh nhất trong hơn 40 năm.

Vì vậy, sang năm 2024, khả năng chi trả là ưu tiên hàng đầu trong việc ra quyết định du học của sinh viên quốc tế. Do đó, những điểm đến du học có giá thành phải chăng sẽ trở nên phổ biến hơn trong năm 2024. Như vậy, 2024 tiếp tục có nhiều cơ hội cho giáo dục quốc tế ở châu Á.

Theo khảo sát riêng với 70 trường đại học của Tổ chức Các trường đại học Vương quốc Anh (UUK), số lượng tuyển sinh sau đại học đã giảm hơn 40% kể từ những thay đổi về nhập cư vào tháng 1. Nếu sự sụt giảm này tiếp tục diễn ra trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Anh có thể không còn là điểm đến hấp dẫn trong mắt sinh viên quốc tế. Về phần mình, nước này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi giáo dục quốc tế đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ