Biến đổi khí hậu tác động đến từng gia đình thế nào?

GD&TĐ - Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến hành tinh, mà còn tác động trực tiếp đến từng gia đình. 

Cha mẹ nên đưa ra các hoạt động và hành động cụ thể mà trẻ em có thể tham gia. Ảnh minh họa: ITN.
Cha mẹ nên đưa ra các hoạt động và hành động cụ thể mà trẻ em có thể tham gia. Ảnh minh họa: ITN.

Nỗi sợ đó thậm chí có thể ảnh hưởng đến tâm lý, cũng như việc ra quyết định của cả phụ huynh và trẻ.

Tác động đến các gia đình

Với sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu, biến đổi khí hậu đang trở thành yếu tố thường xuyên hơn trong quá trình ra quyết định của người lớn và trẻ em. Một nghiên cứu cho thấy, nỗi sợ này thậm chí có thể ảnh hưởng đến cha mẹ. Điều đó khiến phụ huynh suy nghĩ khác về việc sinh em bé.

“Tôi luôn quan tâm đến biến đổi khí hậu, nhưng không đủ để ảnh hưởng đến số lượng con mà tôi sinh thêm. Song, vài năm trở lại đây, điều đó đã thay đổi. Tôi đã thắt ống dẫn trứng và rất lo lắng về mức độ an toàn của con mình khi trẻ lớn lên”, Abby Winston - một bà mẹ có hai con ở Maine (Mỹ) cho biết.

Nghiên cứu được HP Inc., trước đây gọi là Hewlett-Packard, ủy quyền và công bố cùng với Morning Consult. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 5.000 phụ huynh từ 5 quốc gia khác nhau: Ấn Độ, Mexico, Singapore, Anh và Mỹ. Qua đó, để tìm hiểu biến đổi khí hậu định hình cách cha mẹ suy nghĩ về thế giới, sự nghiệp và cách nuôi dạy con của họ.

Nghiên cứu phát hiện, các cha mẹ rất lo lắng về sự thay đổi của môi trường. Điều này thể hiện ở thói quen chi tiêu, lựa chọn nghề nghiệp và kế hoạch hóa gia đình. Trẻ em cũng có dấu hiệu ngày càng lo lắng về biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện, có 91% cha mẹ lo lắng về cuộc khủng hoảng khí hậu. Điều đó dẫn đến những thay đổi định hình lại cuộc sống và thói quen mua sắm của họ.

Bên cạnh đó, có 53% người lo lắng về biến đổi khí hậu cho biết, tình trạng này đã tác động đến quan điểm của họ về việc sinh thêm con. Gần một nửa số người được hỏi cho biết đã xem xét lại công ty mà họ đang hoặc đã làm việc vì cam kết đối với các vấn đề môi trường và xã hội.

Biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn đến mức không một cá nhân nào có thể giải quyết được. Đó có lẽ cũng là vấn đề sẽ chưa thể giải quyết được trong nhiều năm tới.

Tiến sĩ Scott Roth - nhà tâm lý học trẻ em, Giám đốc lâm sàng và đối tác sáng lập của Dịch vụ tâm lý ứng dụng của New Jersey (Mỹ) cho biết: “Có nhiều nơi trên hành tinh đang phải đối mặt với tác động bi thảm của biến đổi khí hậu. Vì vậy, nó dường như là mối đe dọa hiện hữu đối với nhiều phụ huynh”.

TS Roth giải thích, tại thời điểm này, quyết định có nên sinh con hay không và quy mô gia đình có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó biến đổi khí hậu là một vấn đề. Mặt khác, tình trạng các cặp vợ chồng cam kết chỉ sinh một con vẫn tiếp tục gia tăng.

Phong trào “lựa chọn không có con” cũng đang ngày càng phổ biến. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 44% những người không phải là cha mẹ trong độ tuổi từ 18 - 49 cho biết không có kế hoạch sinh con.

“Nhìn chung, tôi thấy mức độ lo lắng cao và dai dẳng hơn trong quá trình hành nghề lâm sàng của mình. Ngoài ra, phần lớn bệnh nhân nêu ra sự độc hại của bầu không khí hiện tại là yếu tố gây căng thẳng lớn trong cuộc sống của họ. Đối với họ, giải pháp của chính phủ dường như không đủ khả năng giải quyết mối đe dọa của biến đổi khí hậu”, Tiến sĩ Roth cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, lo lắng của các phụ huynh bắt nguồn từ hai niềm tin cốt lõi. Thứ nhất, họ tin rằng, những vấn đề đang phải đối mặt là quá lớn để có thể giải quyết. Thứ hai, họ tin rằng không có đủ nguồn lực nội tại để đối phó với sự thay đổi lớn này.

doi-mat-voi-bien-doi-khi-hau-1-6572.jpeg
Trẻ có thể góp phần chống biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: ITN.

Thế hệ trẻ lo ngại

Không chỉ cha mẹ lo lắng về biến đổi khí hậu mà cả trẻ em cũng vậy. “Tôi dạy con mình cách tái chế và tầm quan trọng của việc không lãng phí nước hoặc thực phẩm. Bởi, những thứ đó rất quan trọng. Tôi cố gắng không nói về biến đổi khí hậu theo cách đáng sợ, nhưng trẻ nhìn và nghe thấy những điều đó ở trường”, phụ huynh Abby Winston nói.

Những lo lắng này không phải chỉ của riêng gia đình Winston. Theo một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên Lancet Planetary Health, các nhà khoa học đã khảo sát 10 nghìn thanh thiếu niên và người trẻ tuổi ở 10 quốc gia về cảm nhận đối với biến đổi khí hậu.

Theo kết quả khảo sát, 75% cho biết cảm thấy sợ hãi về tương lai. Trong khi đó, 59% cho biết, biến đổi khí hậu khiến họ cảm thấy vô cùng lo lắng.

TS Roth thông tin, sự lo lắng hiện tại về biến đổi khí hậu dường như đang ảnh hưởng đến mọi người ở tất cả lứa tuổi, bao gồm cả hai con của chuyên gia.

“Điều thú vị là tôi thấy điều đó ở chính con mình. Bọn trẻ đã có những đêm thức trắng vì nghĩ đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt”, TS Roth chia sẻ và giải thích rằng, “thông tin nằm trong tầm tay của trẻ. Khi trưởng thành, chúng trông cậy vào người lớn để giải quyết những vấn đề này. Theo tôi, chúng ta đã không làm tròn trách nhiệm với trẻ em”.

Câu hỏi được đặt ra là: Cha mẹ có thể giúp con mình kiểm soát nỗi lo về biến đổi khí hậu như thế nào? Đồng thời, có thể làm gì để giúp con mình cảm thấy thoải mái hơn khi lo lắng về biến đổi khí hậu? “Chúng tôi đang tạo ra các trải nghiệm cho trẻ trong những kỳ nghỉ. Trẻ em đang được nuôi dạy để có ý thức bảo vệ môi trường và lưu tâm đến cách hành động của mình tác động đến Trái đất”, bà Abby Winston cho biết.

doi-mat-voi-bien-doi-khi-hau5-2429.jpg
Cha mẹ có thể giúp con mình kiểm soát nỗi lo về biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: ITN.

Trong khi đó, TS Roth cho rằng, điều đầu tiên chúng ta cần làm là trao quyền cho con mình. Nhờ đó, trẻ có thể thực hiện những thay đổi nhỏ trong cuộc sống của chính mình để chống lại biến đổi khí hậu.

Ông giải thích rằng, việc trao cho trẻ những thứ chúng có thể kiểm soát (như không lãng phí nước hoặc thức ăn) có thể giúp các em có cảm giác tự chủ. Chuyên gia đồng thời gợi ý một số việc thiết thực khác mà trẻ em có thể làm như: Viết thư hoặc gọi điện cho người thân để bày tỏ mối quan tâm về biến đổi khí hậu. Trẻ cũng có thể làm tình nguyện hoặc tham gia các câu lạc bộ tập trung vào việc giúp đỡ môi trường. Đồng thời, tìm hiểu về biến đổi khí hậu và cam kết thực hiện các cách để thay đổi những thói quen góp phần gây ô nhiễm.

“Chúng ta cần giáo dục con mình để đấu tranh vì đó là tương lai của chúng. Bản thân sự lo lắng có thể thích ứng và thúc đẩy hành động. Tuy nhiên, khi trở nên quá sức chịu đựng, sự lo lắng sẽ cản trở khả năng hoạt động của chúng ta. Cho phép con chúng ta cảm thấy lo lắng một chút trong khi dạy trẻ các kỹ năng để ngăn chặn sự lo lắng trở nên quá sức chịu đựng là một khởi đầu tốt”, TS Roth cho biết.

Khi trẻ có thắc mắc về biến đổi khí hậu hoặc thảo luận về mối quan tâm của riêng mình, điều quan trọng là phải đưa ra những điểm thảo luận và đầy hy vọng. Cha mẹ cần chia sẻ sự thật, nhưng tập trung vào các hành động thiết thực. Thông điệp có thể là: “Đúng vậy, chúng ta phải chăm sóc Trái đất. Trái đất rất mong manh và có những điều chúng ta có thể làm để đảm bảo Trái đất luôn khỏe mạnh”, theo PGS.TS Ziv Cohen - Trường Y khoa Weill Cornell thuộc Đại học Cornell ở Ithaca, New York (Mỹ), giải thích.

Cha mẹ nên đưa ra các hoạt động và hành động cụ thể mà trẻ em có thể tham gia để đóng góp tích cực cho hành tinh. Trong đó, có thể bao gồm đăng ký tham gia các nỗ lực dọn dẹp môi trường tại địa phương, đạp xe đến trường hoặc đi dạo trong thiên nhiên. Từ đó, giải thích tầm quan trọng của việc chăm sóc hệ sinh thái. Hoặc, có thể bao gồm các hành động mô hình tại nhà để cắt giảm rác thải gia đình, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, cho phép trẻ em đóng vai trò trong những nỗ lực này.

Bà Harriet Shugarman - Giám đốc điều hành của Tổ chức ClimateMama, thường nói chuyện với học sinh tiểu học về cuộc khủng hoảng khí hậu. Bà cho biết, mọi người đều có cơ hội tham gia, bất kể tuổi tác và gợi ý, phụ huynh có thể đưa trẻ đến một cuộc diễu hành hoặc mít tinh về khí hậu. Trẻ thậm chí có thể mặc áo choàng hoặc trang phục siêu anh hùng yêu thích của mình. Tổ chức một cuộc họp gia đình và để những đứa trẻ giúp lập kế hoạch chống biến đổi khí hậu cho gia đình là một cách khác để đưa trẻ em đi từ “nỗi lo đến hành động”.

“Hãy để trẻ giúp cha mẹ lập kế hoạch. Kế hoạch phải đơn giản nhưng dễ hiểu. Đây là một cách tích cực để giữ cho cuộc trò chuyện về khí hậu luôn cởi mở. Qua đó, trẻ sẽ có thêm nhiều câu hỏi hơn, trong khi cha mẹ cung cấp các giải pháp”, bà Shugarman cho biết.

Theo Parents

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh cụ thể và nguồn gốc tên gọi của Oreshnik vẫn còn là điều bí ẩn.

Điều ông Putin không biết về Oreshnik

GD&TĐ - Dù Oreshnik của Nga đã được biết đến trong cuộc tấn công cơ sở quân sự Ukraine hồi tháng trước nhưng đến nay, nguồn gốc tên gọi vẫn là bí ẩn.

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.