Khủng hoảng y tế từ biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tác động của biến đổi khí hậu có thể chứng kiến rõ nhất qua lĩnh vực môi trường, kinh tế và xã hội.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tuy nhiên, mới đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo cáo Đếm ngược về sức khỏe và biến đổi khí hậu của tạp chí y khoa The Lancet. Báo cáo cho thấy biến đổi khí hậu không chỉ tác động đến sức khỏe mà đang đẩy nhanh tỷ lệ tử vong của con người trên toàn cầu.

Theo báo cáo, ước tính gần 40 triệu ca tử vong trên thế giới, chiếm 69,9% tổng số ca tử vong hàng năm là do tác động của biến đổi khí hậu. Như vậy, biến đổi khí hậu là mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt.

Đơn cử, ngày 10/9, vùng Đông Bắc Libya phải hứng chịu trận lũ lụt thảm khốc do bão Daniel gây ra khiến hàng nghìn người thiệt mạng và mất tích. Cho đến nay, quốc gia Bắc Phi này chưa chuẩn bị đủ điều kiện để đối phó với các thảm họa thiên nhiên có mức độ nghiêm trọng tương tự.

Bên cạnh thiệt hại về người, mối quan tâm hàng đầu của Libya là tác động của trận lũ lụt đối với sức khỏe cộng đồng. Dữ liệu sơ bộ cho thấy sau lũ lụt, trong nguồn nước ngầm có chứa vi khuẩn Escherichia coli, gây tiêu chảy, nhiễm khuẩn tiêu hóa... ở người.

Chưa đầy một tháng sau, Afghanistan trải qua trận động đất mạnh 6,3 độ richter, kèm theo nhiều dư chấn. Đây là hoạt động địa chấn mạnh nhất ảnh hưởng đến khu vực Tây Bắc Afghanistan từ năm 1968. Theo Bộ Y tế Công cộng Afghanistan, tính đến ngày 8/10, trận động đất đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người và hàng nghìn người bị thương.

Những trận động đất như vậy đã phá hủy cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe của Afghanistan, gây khan hiếm trang thiết bị, giảm lực lượng lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Hậu quả của trận động đất có thể vượt qua những thương tích về thể chất và thiệt hại về tài sản, đồng thời gây tác động tâm lý sâu sắc đến những người bị ảnh hưởng.

Đáng chú ý, biến đổi khí hậu khiến các bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh chóng hơn, gây nguy cơ tử vong cao hơn. Từ khi Trái đất nóng lên đã gây ra hiện tượng băng tan, làm lộ ra nhiều loại virus mang bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vốn dĩ đang “ngủ đông”.

Theo ước tính của Lancet, kể từ năm 1982, sự nóng lên của đại dương đã khiến 1,4 tỷ người có nguy cơ bị tiêu chảy, nhiễm trùng vết thương nghiêm trọng và nhiễm trùng máu.

Trước tình hình trên, các quốc gia, châu lục đang nỗ lực chuẩn bị đối phó với các mối nguy hiểm về sức khỏe do biến đổi khí hậu.

Một trong số đó là Liên minh châu Âu (EU). Sức khỏe của người dân châu Âu đang chịu tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Ước tính, khoảng 61 nghìn người đã thiệt mạng trong các đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa Hè. Ngoài ra, nắng nóng, lũ lụt là điều kiện thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm lây lan.

Do đó, 20 trong số 27 quốc gia thành viên EU như Croatia, Đức, Hy Lạp... đã kêu gọi EU tăng cường giám sát các mối đe dọa đối với hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe do thời tiết khắc nghiệt gây ra, đồng thời kiến nghị EU soạn thảo kế hoạch đối phó với các bệnh lây nhiễm từ động vật và biến đổi khí hậu; đồng thời tăng cường hệ thống cảnh báo và ứng phó sớm nếu phát hiện vật truyền bệnh.

Vấn đề biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến sức khỏe dự kiến sẽ được đem ra thảo luận trong Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra vào tháng 12 tới.

Hoạt động này được kỳ vọng sẽ đem lại những giải pháp mới, hữu hiệu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đang tác động ngày một nghiêm trọng lên sức khỏe con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.