Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu quan tâm sự ấm lên toàn cầu ảnh hưởng sức khỏe con người...

Nhiều nước trên thế giới đang trải qua giai đoạn nóng nhất lịch sử trong năm 2023.
Nhiều nước trên thế giới đang trải qua giai đoạn nóng nhất lịch sử trong năm 2023.

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi thế giới có những đánh giá chính xác và toàn diện hơn về việc sự ấm lên toàn cầu ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào, và chính điều này cũng thúc đẩy Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) dành một ngày đầu tiên cho vấn đề này.

Nhiệt độ cực cao, ô nhiễm không khí và sự lây lan ngày càng tăng của các bệnh truyền nhiễm chết người chỉ là một số lý do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi biến đổi khí hậu là mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt. Những người có nguy cơ cao nhất là trẻ em, phụ nữ, người già, người di cư và người dân ở các nước kém phát triển - vốn là những quốc gia thải ra ít khí nhà kính nhất.

Do đó, WHO nhấn mạnh, sự ấm lên toàn cầu phải được giới hạn trong mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là 1,5 độ C "để ngăn chặn các tác động sức khỏe thảm khốc và ngăn ngừa hàng triệu ca tử vong liên quan đến biến đổi khí hậu". Tuy nhiên, theo Liên hợp quốc, lộ trình cắt giảm carbon mà các quốc gia đang theo đuổi hiện tại khiến thế giới đang trên đà ấm lên tới 2,9 độ C trong thế kỷ này.

Vậy biến đổi khí hậu sẽ tác động tới sức khoẻ con người theo những cách nào?

Nhiệt độ tăng cao

Năm nay được dự đoán rộng rãi sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận. Và khi thế giới tiếp tục ấm lên, những đợt nắng nóng thậm chí còn thường xuyên và dữ dội hơn dự kiến sẽ xảy ra.

Nắng nóng được cho là đã gây ra hơn 70.000 ca tử vong ở châu Âu trong mùa hè năm ngoái, các nhà nghiên cứu cho biết trong tuần này, điều chỉnh con số trước đó tăng từ 62.000.

Theo một báo cáo của Lancet Countdown, một liên minh gồm 35 tổ chức, trong đó có WHO và Ngân hàng thế giới (WB), năm 2022 chứng kiến con người tiếp xúc với nhiệt độ trung bình "đe dọa tính mạng" trong 86 ngày liên tiếp. Cùng với đó, số người trên 65 tuổi thiệt mạng vì nắng nóng đã tăng 85% từ giai đoạn 1991-2000 đến 2013-2022.

Lancet Countdown dự báo, nếu nhiệt độ trái đất đi theo kịch bản ấm lên 2 độ C, số người chết vì nắng nóng mỗi năm sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2050. Cùng với đó, hạn hán nhiều hơn cũng sẽ thúc đẩy nạn đói gia tăng, khiến 520 triệu người nữa sẽ gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực vừa hoặc nghiêm trọng vào năm 2050.

Dĩ nhiên, các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như bão, lũ lụt và hỏa hoạn - hệ quả của nền nhiệt tăng - sẽ tiếp tục đe dọa người dân trên toàn thế giới.

Nhật Bản vừa ghi nhận tháng 9 nóng kỷ lục kể từ khi dữ liệu này được thống kê cách đây 125 năm.

Ô nhiễm không khí

Theo WHO, ô nhiễm không khí ngoài trời do khí thải nhiên liệu hóa thạch giết chết hơn 4 triệu người mỗi năm. Trong khi đó, gần 99% dân số thế giới đang phải hít thở không khí "tồi tệ hơn" các hướng dẫn của WHO về ô nhiễm không khí.

Không khí "bẩn" làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, tiểu đường và các vấn đề sức khỏe khác, gây ra mối đe dọa đã được so sánh với thuốc lá. Nguy cơ một phần do các bụi mịn PM2.5, chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch. Hạt nhỏ này sau khi được hít vào phổi, có thể xâm nhập vào máu.

Trong khi ô nhiễm không khí tăng đột biến, chẳng hạn như ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ hồi đầu tháng này, gây ra các vấn đề về hô hấp và dị ứng, phơi nhiễm lâu dài được cho là thậm chí còn có hại hơn.

Một báo cáo của Lancet Countdown cũng cho thấy tử vong do ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch đã giảm 16% kể từ năm 2005, chủ yếu là do nỗ lực giảm tác động của việc đốt than.

Người dân đeo khẩu trang chống bụi tại New Delhi (Ấn Độ) - một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Bệnh truyền nhiễmKhí hậu thay đổi khiến muỗi, chim và động vật có vú sẽ đi lang thang ra ngoài môi trường sống trước đây của chúng, làm tăng mối đe dọa rằng chúng có thể lây lan các bệnh truyền nhiễm.

Hiện nay, nhiều quốc gia đang vất vả chống chọi làn sóng sốt xuất huyết do muỗi. Đây là một trong những căn bệnh nguy cơ lây lan cao hơn do biến đổi khí hậu, bên cạnh chikungunya, Zika, sốt rét...

Bão và lũ lụt tạo ra nước tù đọng là nơi sinh sản của muỗi, và cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền qua nước như tả, thương hàn và tiêu chảy.

Báo cáo của Lancet Countdown cảnh báo, chỉ riêng sốt xuất huyết khả năng lây truyền đã gia tăng 36% trong kịch bản trái đất ấm lên 2 độ C.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng lo ngại việc động vật có vú đi lạc vào các khu vực mới có thể lây nhiễm chéo bệnh tật, có khả năng tạo ra các loại vi rút mới với khả năng lây sang con người.

Các nước nhiệt đới đang ghi nhận làn sóng dịch sốt xuất huyết bùng nổ hiếm thấy.

Sức khỏe tâm thần

Các nhà tâm lý học cũng cảnh báo, sự lo lắng về hiện tại và tương lai của hành tinh đang ấm lên cũng đã gây ra căng thẳng, thậm chí chứng trầm cảm. Theo dữ liệu từ Google Trends, trong 10 tháng đầu năm 2023, người dùng toàn cầu đã tìm kiếm trực tuyến thuật ngữ "lo lắng về khí hậu" gấp 27 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Nhìn chung, không ai an toàn tuyệt đối trước tác động của biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh kinh tế phát triển đang tạo ra ngày càng nhiều hơn các mối đe dọa khí hậu, việc có những biện pháp ứng phó sớm đang vô cùng cấp thiết, và hội nghị COP28 sẽ là "cơ hội" vàng để nhân loại thực hiện mong muốn này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.