Khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ:

Biến công nghệ số thành cầu nối giáo dục

GD&TĐ - Cùng với chuyển đổi số, các trường học cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Thầy giáo Phạm Ngọc An (phải) chụp ảnh cùng học sinh Trường THCS Hưng Đạo, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: NVCC
Thầy giáo Phạm Ngọc An (phải) chụp ảnh cùng học sinh Trường THCS Hưng Đạo, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: NVCC

Quá trình đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, các cơ sở giáo dục, thầy cô… đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Điều này góp phần nâng cao chất lượng, định hướng giá trị sống tích cực cho thanh thiếu niên, đội viên, đoàn viên.

Phát huy sức mạnh Internet

Khởi điểm là giáo viên Âm nhạc, nhưng khi về công tác tại Trường THCS An Viên (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên), thầy Phạm Ngọc An đã bén duyên với vai trò Tổng phụ trách Đội. Chuyển sang công tác tại Trường THCS Hưng Đạo (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên), thầy An càng vững chuyên môn, say mê công tác Đội.

Nói về công việc “tay trái”, thầy An cho biết: “Mới đảm nhận vai trò Tổng phụ trách Đội, tôi khá bỡ ngỡ. Giai đoạn đó, bên cạnh học hỏi đồng nghiệp, tôi còn mày mò tìm hiểu qua các trang thông tin điện tử, báo đài, câu lạc bộ dành cho Tổng phụ trách Đội trên mạng xã hội…”.

Từ trải nghiệm bản thân, thầy An đánh giá cao sự hỗ trợ của Internet đối với việc học tập và trau dồi tri thức. Chứng kiến học sinh đắm mình vào trò chơi điện tử hay bị dẫn dắt bởi thông tin sai lệch trên mạng xã hội, thầy An nhen nhóm ý tưởng biến thiết bị công nghệ và Internet thành công cụ, môi trường giáo dục 4.0 cho học sinh.

Thầy An chia sẻ, muốn học sinh tiếp cận với công tác giáo dục đạo đức, lối sống qua Internet, trước hết phải hướng dẫn các em cách sử dụng mạng an toàn; Khi đã có những kỹ năng cơ bản, tiếp tục dạy cách thao tác, khám phá trên thiết bị, phần mềm.

Mới đây, thầy An hướng dẫn học sinh tham dự cuộc thi “Thiếu nhi các dân tộc hát Quốc ca tại các địa chỉ đỏ” và đăng tải video dự thi trên mạng xã hội.

Xã Hưng Đạo được biết đến như địa phương giàu truyền thống cách mạng tại huyện Tiên Lữ, từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “mô hình làng kháng chiến kiểu mẫu của các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ”. Bước vào cuộc thi, học sinh có cơ hội tìm hiểu truyền thống lịch sử cách mạng, từ đó bồi đắp tinh thần tự hào dân tộc và lòng yêu nước.

Ngoài ra, cuộc thi được tổ chức trên không gian mạng nên đòi hỏi học sinh phải làm quen, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tìm hiểu lịch sử địa phương, thể hiện tác phẩm. Các em cũng nhận thức được sự đổi mới của phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống; hình thành thói quen học tập trên Internet và sử dụng Internet lành mạnh.

Tại Trường THCS Tân Châu (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với nhiệm vụ giáo dục văn hóa. Vì vậy, công tác giáo dục văn hóa đa dạng và đổi mới ra sao thì việc giáo dục đạo đức, lối sống cũng như vậy.

Hiệu trưởng Lê Văn Bảy cho biết, trong giai đoạn dịch Covid-19, do môi trường giáo dục thay đổi từ trực tiếp sang trực tuyến, thầy cô chú trọng hướng dẫn học sinh cách sử dụng Internet và mạng xã hội hiệu quả, an toàn; cách phân biệt tin giả và tin thật...

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Đồng thời, đẩy mạnh chia sẻ thông tin của ngành Giáo dục, nhà trường và các hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh qua nhóm Zalo của từng lớp để phổ biến đến phụ huynh học sinh. Việc chia sẻ thông tin trực tuyến vẫn được các thầy cô chủ nhiệm thực hiện tích cực, nghiêm túc sau khi học sinh trở lại học trực tiếp.

Khi dạy trực tuyến, thầy cô cũng tích cực lồng ghép bài học đạo đức, lối sống như phòng chống bạo lực học đường, giáo dục pháp luật, tình yêu quê hương đất nước... trong các môn học phù hợp như Ngữ văn, Giáo dục công dân...

Thầy Lê Văn Bảy nhận định, mạng Internet đã mở ra nhiều cơ hội mới trong đời sống xã hội, trong đó có giáo dục. Tuy nhiên, nếu muốn học sinh tiếp cận các bài học giá trị trên công nghệ số hiệu quả vẫn cần sự theo sát, quan tâm và định hướng của thầy cô và phụ huynh.

Giúp học sinh học tập an toàn trên mạng

Từ ý tưởng xây dựng câu lạc bộ kết nối và giải tỏa áp lực cho học sinh, cô Nguyễn Thị Thanh Vân, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đã hướng dẫn học trò xây dựng dự án và duy trì fanpage “Câu lạc bộ Cửa sổ diệu kỳ”. Fanpage thường xuyên đăng tải thông tin về cách xử lý cảm xúc tiêu cực, giới thiệu sách hay, định hướng nghề nghiệp, gương học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi...

Các thông tin đã tác động tích cực đến suy nghĩ, quan niệm, lối sống của đoàn viên, thanh thiếu nhi. Qua đó còn tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện, định hướng giá trị sống, nhân cách, niềm tin và tư tưởng cho học sinh.

“Câu lạc bộ đã trở thành nơi giao lưu, gắn kết học sinh, thanh thiếu nhi tại địa phương; là sân chơi bổ ích, nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm của các đoàn viên. Dù chỉ là một kênh thông tin trên mạng xã hội, fanpage đã tạo sự đồng hành, gắn kết giữa nhà trường và giáo viên trong việc giáo dục học sinh”, cô Thanh Vân chia sẻ.

Fanpage facebook “Câu lạc bộ Cửa sổ diệu kỳ”. Ảnh chụp màn hình.

Fanpage facebook “Câu lạc bộ Cửa sổ diệu kỳ”. Ảnh chụp màn hình.

Thầy giáo Lê Thanh Sơn, Bí thư Đoàn, Trường THPT Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, cho biết: Nhà trường đã xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của fanpage Facebook “Tuổi trẻ Trường THPT Liên Chiểu – Học tập và làm theo lời Bác”. Nội dung đăng tải gồm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh; cập nhật thông tin của nhà trường; gương điển hình người tốt việc tốt; thông tin của các tổ chức chính trị, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh...

Nhà trường cũng triển khai nhiều hoạt động giáo dục học sinh kỹ năng sử dụng Internet an toàn, hiệu quả trước khi để các em tiếp cận với fanpage, website của trường.

Các thông tin đã góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; Cập nhật cho đoàn viên, thanh thiếu niên thông tin của các tổ chức chính trị ngoài nhà trường, bối cảnh chung về hoạt động thanh thiếu niên, Đoàn viên cả nước, khắc phục tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”.

Cùng với chuyển đổi số, các trường cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Tại Trường Tiểu học Đại Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, thầy An Xuân Mười, Tổng phụ trách Đội, cho biết: Ngoài các hoạt động gắn liền với thực tế, Ban giám hiệu và Đội TNTP Hồ Chí Minh thường tổ chức các chương trình giáo dục đạo đức, lối sống qua các sản phẩm công nghệ.

Nổi bật nhất, thời điểm dịch Covid-19, thầy cô đã sáng tạo các tác phẩm đa phương tiện sử dụng video, hình ảnh, âm thanh tuyên truyền về An toàn sức khoẻ, An toàn giao thông, An toàn thực phẩm... gửi vào nhóm Zalo từng lớp. Do đối tượng hướng đến là học sinh tiểu học, nên các video có thời lượng ngắn, nội dung cô đọng, súc tích, tập trung vào hình ảnh và âm thanh…

Việc đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ giúp công tác Đội không bị gián đoạn mà còn phát huy hiệu quả tốt trong thời gian học sinh học trực tuyến.

Thầy Phạm Ngọc An nhìn nhận: “Các Tổng phụ trách Đội trẻ có lợi thế được tiếp cận với Internet và các công nghệ thông tin mới trong thời kỳ 4.0. Do đó, thầy cô cần tăng cường ứng dụng công nghệ số, kỹ thuật số để làm mới hoạt động phong trào, giáo dục đạo đức, lối sống. Ngoài ra, đây là cơ hội để học sinh tiếp cận công nghệ kỹ thuật, xây dựng kỹ năng sử dụng Internet an toàn, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số quốc gia”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.