Mặt khác, từ đây sinh viên có được cái nhìn tổng quan về nghề nghiệp tương lai, xác định rõ mục tiêu học tập, rèn luyện các kỹ năng mềm… sẵn sàng hành trang khi ra trường.
Cơ hội phát triển bản thân
Để khắc phục tính cách nhút nhát, khép kín, đồng thời thích nghi với thay đổi bậc học mới, hoàn thiện bản thân, Nguyễn Thị Huyền Trang, sinh viên năm thứ 4, Khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Thuỷ lợi quyết định tham gia vào hoạt động đoàn thanh niên khoa và nhà trường.
Huyền Trang chia sẻ: “Sau thời gian tham gia hoạt động đoàn thanh niên, em đã cởi bỏ được nhút nhát, có thể tự tin khi giao tiếp và thuyết trình vấn đề trước đám đông. Được làm việc nhóm, nên em sẵn sàng bày tỏ quan điểm, suy nghĩ, ý tưởng, dám chịu trách nhiệm công việc được phân công, chủ động ứng phó với thay đổi hoặc sự cố trong quá trình làm việc…”.
“ChatGPT là dẫn chứng điển hình đòi hỏi sinh viên không ngừng học hỏi và năng động để ứng phó trước phát triển của công nghệ. Nếu sinh viên không chủ động nghiên cứu, tích cực tham gia các phong trào đoàn hội để ứng dụng kiến thức vào thực tế sẽ tự đào thải bản thân trong xã hội…”, Huyền Trang nói.
Huyền Trang cũng cho rằng, công nghệ 4.0 ngày càng phát triển, nhiều công việc của con người được thay thế bằng trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, các phong trào, hoạt động đoàn trường, chi đoàn khoa… càng rèn cho sinh viên kỹ năng thích ứng thay đổi, biết cách để làm mới mình cho phù hợp sự phát triển của công nghệ.
Giống như Huyền Trang, Đỗ Yến Anh, sinh viên năm cuối ngành Quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục chia sẻ: “Tham gia các hoạt động đoàn giúp em có cơ hội ứng dụng kiến thức chuyên môn, lên kế hoạch, ý tưởng cho các hoạt động sẽ tham gia. Cụ thể, ngành Quản lý giáo dục, có các bài học liên quan đến lập kế hoạch, xây dựng ý tưởng, thuyết phục hội đồng đưa ý tưởng vào hoạt động thực tế. Như vậy, khi đăng ký tham gia hoạt động tiếp sức mùa thi, em hoàn toàn có thể vận dụng kiến thức từ bài học liên quan…”.
Hồ Phi Khánh, sinh viên năm cuối, ngành Y đa khoa, Trường ĐH Y Hà Nội, từ năm thứ ba cứ kỳ nghỉ Hè lại tham gia câu lạc bộ Hội đồng hương của trường để khám, tư vấn, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
Khánh cho biết: “Công việc chính của em là đo dấu hiệu sinh tồn mạch, huyết áp, nhiệt độ; hướng dẫn, phân luồng bệnh nhân và hỗ trợ phát thuốc. Cả đoàn có 50 người, nhưng mỗi ngày phải khám, hỗ trợ tư vấn hơn 1.000 bệnh nhân. Từ trải nghiệm thực tế kết hợp với kiến thức chuyên môn nhà trường, thầy cô cung cấp đã giúp em biết điều chế cảm xúc, tránh áp lực, phân luồng bệnh nhân tư vấn, khám và cho thuốc hiệu quả…”.
Khánh đồng thời khẳng định, hoạt động đoàn, hội là cơ hội cần thiết để sinh viên ứng dụng và nâng cao kiến thức, kỹ năng vào thực tế. “Em thấu hiểu hơn những khó khăn mà bệnh nhân gặp phải; Rèn luyện và nâng cao tinh thần trách nhiệm của một bác sĩ để sau này hành nghề; tháo gỡ, lên phương án cho những khó khăn tại địa phương còn hạn chế điều kiện khám, chữa bệnh…”, Khánh nói.
Nguyễn Thị Huyền Trang, sinh viên năm thứ tư, Khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Thuỷ lợi tham gia hoạt động tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp. Ảnh: Ngô Chuyên |
Tạo môi trường chuyên nghiệp
Một trong những môi trường giúp sinh viên hoàn thiện bản thân là công tác đoàn - hội. Vì vậy, nhiều trường đại học, cao đẳng đã và đang chú trọng, đẩy mạnh để sinh viên tăng cơ hội học tập, giao lưu, hình thành kỹ năng nghề nghiệp trước tốt nghiệp và chuẩn bị sẵn sàng tâm thế xin việc khi ra trường.
Cô Nguyễn Thuý Nga – Bí thư Đoàn Thanh niên Trường ĐH Thuỷ lợi trao đổi: “Sinh viên tham gia hoạt động đoàn - hội không chỉ có các phong trào bề nổi (như mùa hè xanh, hiến máu tình nguyện, tiếp sức mùa thi…) còn được hướng đến nhiều hoạt động bề sâu của câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, kỹ năng ứng phó với thay đổi của xã hội…
Ví dụ trong tháng Ba, chúng tôi chọn chủ đề “Thanh niên xung phong chuyển đổi số” mục đích giáo dục cho sinh viên hiểu tác động chuyển đổi số đến các mặt của cuộc sống. Từ đó, quá trình học tập, nghiên cứu tại trường, sinh viên phải chủ động ứng dụng những công nghệ mới, biết chắt lọc hữu ích cho công việc sau này…”.
Trường ĐH Thuỷ lợi đang có hơn 20 câu lạc bộ do Đoàn Thanh niên thành lập và đều gắn kết với doanh nghiệp để sinh viên được tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế trước khi ra trường. Sinh viên còn được nghe đại diện doanh nghiệp, CEO, chia sẻ kinh nghiệm, lời khuyên, tư vấn nghề nghiệp. Đối với dự án, ý tưởng hay có thể tìm kiếm cơ hội kêu gọi vốn đầu tư… “Chúng tôi cũng đẩy mạnh liên kết với Đoàn Thanh niên của nhiều trường đại học để sinh viên được trao đổi, giao lưu học hỏi các kỹ năng, hoàn thiện bản thân”, cô Thuý Nga cho hay.
Hàng năm Đoàn Thanh niên Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động thực tế như: Đông ấm biên giới, tình nguyện mùa hè xanh… Trong đó, trường chủ động lồng ghép chuyên môn của sinh viên vào các buổi khám, tư vấn miễn phí cho người dân địa phương.
Cô Phạm Thuý Hường, Bí thư Đoàn Thanh niên nhà trường cho biết: “Với đặc thù đào tạo ngành Y, trường mong muốn sinh viên khi tham gia hoạt động đoàn được tăng thêm cơ hội cọ xát thực tế, ứng phó, xử lý các tình huống có thể xảy ra trong quá trình khám chữa bệnh. Môi trường thực tế giúp sinh viên được thực tập sớm, từ đó các em trưởng thành và hiểu rõ hơn những yêu cầu nghề nghiệp…”.
“Nghề Y ngoài đòi hỏi bác sĩ tay nghề giỏi thì y đức rất quan trọng. Do đó nhà trường lấy hoạt động ngoại khoá để rèn sinh viên trách nhiệm cộng đồng, xã hội; quan sát và tiếp xúc môi trường thực tế để toàn diện hơn khi bắt tay vào nghề…”, cô Hường cho biết thêm.
“Tham gia hoạt động thực tế của phong trào đoàn - hội giúp sinh viên cải thiện kỹ năng giao tiếp, biết cách phối hợp cùng ê-kíp, làm việc nhịp nhàng, hiệu quả. Đặc biệt, mỗi người có thể chủ động công việc mình đảm nhiệm để giảm sự chờ đợi, áp lực cho bệnh nhân hoặc ứng phó với tình huống bất ngờ trong quá trình khám chữa bệnh…”, Hồ Phi Khánh, Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ.