Cụ thể, người bệnh V.H.K. (sinh năm 1966 ở Đoan Hùng, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn. Người bệnh có nổi ban xuất huyết lấm tấm dưới da, tiếp xúc chậm, giảm thính lực (trước đó người bệnh có thính lực bình thường). Khoảng 10 ngày trước khi bị sốt, người bệnh có ăn lòng lợn.
Kết quả khám bệnh cho thấy, người bệnh dương tính với liên cầu lợn (Steptococcus Suis). Chẩn đoán, viêm màng não do liên cầu lợn. Sau 21 ngày điều trị, người bệnh đã khỏi, sức khỏe ổn định và được ra viện.
Liên cầu lợn có tên khoa học Steptococcus Suis, là tác nhân gây bệnh ở lợn và một số gia súc khác (trâu, bò, dê, ngựa) mang mầm bệnh, đôi khi gây bệnh trên người. Bệnh ở lợn biểu hiện bằng viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm nội tâm mạc, viêm khớp. Bệnh ở lợn thường xuất hiện tản phát nhưng cũng có khi bùng phát thành dịch.
Ở người, khi tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, lợn chết hoặc ăn tiết canh, lòng lợn, thịt lợn nấu chưa chín thì vi khuẩn gây 2 bệnh cảnh chính là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể tử vong.
Liên cầu khuẩn có thể bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường như xà phòng, cloramin, nước javen, nước vôi, nhiệt độ trên 60 độ C, ánh sáng Mặt trời… Với trường hợp người bệnh K., các bác sĩ đã nghĩ đến tình huống bệnh nhân ăn phải thịt lợn, lòng lợn… có chứa liên cầu khuẩn nhưng chế biến chưa đảm bảo yêu cầu (chưa được nấu chín hoặc dùng chung dụng cụ thái đồ sống và chín…).