Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đối thoại với giáo viên về tiền lương

GD&TĐ - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã đối thoại với giáo viên về chế độ, chính sách về tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ, thu hút đối với đội ngũ nhà giáo,...

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đối thoại với giáo viên về tiền lương

Ngày 28/4, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân đã đối thoại với đại diện cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Tỉnh đã xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo tương đối hoàn chỉnh từ bậc Mầm non đến Đại học với tổng số 603 đơn vị, cơ sở giáo dục gồm: 585 trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông; 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên; 4 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện, thị xã; 13 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp...

Chất lượng giáo dục ở từng cấp học, bậc học được nâng lên. Từ năm 2020 - 2022, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông trung bình đạt 96,5%. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các trường đại học, cao đẳng đạt 74%; thi chọn học sinh giỏi quốc gia đạt gần 50%.

Tại buổi đối thoại có gần 40 ý kiến, phản ánh liên quan đến các vấn đề: Chế độ, chính sách về tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ, thu hút đối với đội ngũ nhà giáo, nhân viên nhà trường, nhất là tại các cơ sở giáo dục ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục và đào tạo. Cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để phục vụ công tác dạy và học. Biên chế và kinh phí chi cho các hoạt động giáo dục và đào tạo.

Đặc biệt các ý kiến cũng nêu ra hàng loạt những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa bảo đảm phục vụ việc dạy và học theo chương trình mới…

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan trực tiếp trao đổi, trả lời các câu hỏi; hướng dẫn, giải thích và đề xuất giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới… Nhiều ý kiến được Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi thông tin thêm để các đại biểu tham gia đối thoại hiểu rõ phạm vi, thẩm quyền và khả năng nguồn lực thực hiện.

Phát biểu kết luận tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân cho rằng, lãnh đạo tỉnh luôn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành Giáo dục và Đào tạo đã đạt được trong công tác nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tỉnh Quảng Ngãi đã rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư, phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo đạt nhiều kết quả; ban hành một số cơ chế, chính sách riêng để thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ ở các lĩnh vực tỉnh cần ưu tiên thu hút, giai đoạn 2021-2025, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; quan tâm chính sách hỗ trợ đối với học sinh Trường Trung học Phổ thông chuyên Lê Khiết.

Tuy nhiên, ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên còn nhiều. Giáo viên một số bộ môn chưa đáp ứng về chuyên môn, nghiệp vụ. Nguồn kinh phí cấp chưa bảo đảm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học theo chương trình mới.

Bên cạnh đó, công tác quản lý và chất lượng giáo dục tại các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ các trường Tiểu học tổ chức bán trú còn thấp.

Chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa động viên, khuyến khích, tạo động lực để họ an tâm công tác, nhất là đối với cấp Mầm non.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nguyện vọng chính đáng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đề nghị: Ủy ban nhân dân tỉnh giao các sở, ban, ngành trên cơ sở các ý kiến đã trao đổi, tiếp tục tổng hợp, rà soát để tháo gỡ, giải quyết những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình đối với những nội dung cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo kiến nghị, phản ánh tại buổi đối thoại.

Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhấn mạnh một số vấn đề như: Cần sớm ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó ưu tiên thường xuyên bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công tác tại các trường có học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu, ban hành Quy định về việc chuyển công tác đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, trong đó lưu ý quy định cụ thể về tiêu chí và các điều kiện thuyên chuyển giáo viên ở vùng đồng bằng lên công tác ở vùng miền núi, hải đảo được chuyển công tác về lại vùng đồng bằng;

Phải sắp xếp, tuyển dụng, bố trí đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm chất lượng và tỷ lệ giáo viên để đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng cần xem xét, quyết định bổ sung kế hoạch trung hạn, phân bổ vốn hằng năm để thực hiện các dự án thuộc Kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh, trong đó có nhà công vụ, tạo điều kiện bố trí bảo đảm chỗ ở cho giáo viên ở vùng đồng bằng đến công tác ở các vùng miền núi, hải đảo để phục vụ công tác ổn định, lâu dài…

Tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân cùng lãnh đạo tỉnh đã trao hỗ trợ kinh phí xây dựng Trường Tiểu học An Vĩnh 2, huyện Lý Sơn; hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Trương Ngọc Khang, huyện Trà Bồng; tặng giày, giường ngủ bán trú cho học sinh các huyện miền núi; tặng quà, kinh phí xây dựng nhà ở cho học sinh nghèo, giáo viên và cựu giáo viên khó khăn. Tổng giá trị hỗ trợ là gần 7 tỷ đồng.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.